Thông tin từ Sở Y tế ngày 27/2, đơn vị vừa nhận được báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về một trường hợp bệnh nhân ngụ tại tỉnh nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ, hiện đang điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Hiện tại bệnh nhân vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đây là trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại tỉnh Cà Mau, vì thế Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo tăng cường phòng, chống bệnh này.
Giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ bằng cách hạn chế tiếp xúc gần với người nghi nhiễm hoặc đã mắc bệnh, hoặc với động vật có thể bị nhiễm bệnh. (ảnh: Internet)
Cụ thể, theo báo cáo từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân tên C.V.B, làm nghề lao động tự do, địa chỉ tại xã Định Bình, TP Cà Mau. Vào ngày 19/2 bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau rát vùng quy đầu dương vật và xuất hiện vài mụn mủ nên đi khám, điều trị tại một phòng khám đa khoa tư nhân, được cho thuốc uống 3 ngày nhưng tình trạng không giảm. Sau đó xuất hiện những mụn mủ, bóng mủ đa kích thước, số lượng nhiều, rải rác ở mặt, cổ, cánh tay, bàn tay, bàn chân, cẳng chân, bìu. Bệnh nhân được hướng dẫn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, tại đây bác sĩ khoa Da liễu thăm khám, hướng dẫn bệnh nhân lên Bệnh viện Da liễu Cần Thơ. Sau khi đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da liễu Cần Thơ thì được chẩn đoán nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ.
Về dịch tễ, gia đình bệnh nhân B có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày và 2 người em hiện đang sinh sống ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp các đơn vị có liên quan triển khai truy vết và giám sát người tiếp xúc gần; khử khuẩn và xử lý môi trường ổ dịch khu vực nhà ở của người bệnh tại xã Định Bình, TP Cà Mau và gia đình ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh; hướng dẫn cách xử lý đồ vải như quần áo, chăn màn, ga gối của người bệnh. Đồng thời, tuyên truyền giáo dục sức khoẻ cho bệnh nhân và cộng đồng chung quanh trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP HCM và sẽ có hướng xử lý tiếp theo.
Trong tình hình bệnh đậu mùa khỉ đang diễn biến phức tạp trong nước, người dân cần trang bị kiến thức để chủ động phòng, tránh. (ảnh minh hoạ: Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân, tại Bệnh viện Đa khoa Cà Mau).
Với trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại tỉnh, Giám đốc Sở Y tế đã đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác phối hợp truyền thông phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ tại cộng đồng bằng nhiều hình thức.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch trên địa bàn; thường xuyên, chủ động theo dõi, đánh giá tình hình bệnh, trong trường hợp cần thiết, khẩn trương tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả.
Tiến hành tổ chức tập huấn về công tác giám sát, xử lý ổ dịch bệnh đậu mùa khỉ cho các Trung tâm y tế huyện, thành phố, Trạm y tế xã, phường, thị trấn. Phối hợp chặt chẽ với hệ điều trị trong công tác phòng, chống dịch bệnh, điều tra dịch tễ và tiếp nhận vận chuyển mẫu xét nghiệm kịp thời. Đảm bảo hoá chất, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.
Các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân tổ chức tốt việc khám, phát hiện, tư vấn, điều trị, thông báo cho hệ dự phòng kịp thời phối hợp thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Thường xuyên cập nhật phác đồ điều trị bệnh đậu mùa khỉ, tổ chức công tác khám bệnh, chữa bệnh, hội chẩn, chuyển tuyến đúng theo quy định Bộ Y tế; hạn chế đến mức thấp nhất các biến chứng nặng.
Về cách phòng lây nhiễm, ông Nguyễn Quan Phú, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo người dân các biện pháp: Tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc hoặc nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Đồng thời, cần chủ động tự cách ly, tránh tiếp xúc gần với người khác, bao gồm cả quan hệ tình dục. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.
Hiện nay bệnh đậu mùa khỉ đã và đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, tích luỹ từ đầu năm 2023 đến trung tuần tháng 2/2024, khu vực phía Nam ghi nhận 152 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 12/20 tỉnh, thành gồm: TP Hồ Chí Minh (123 ca), Long An (6 ca), Bình Dương (5 ca), Cần Thơ (4 ca), Đồng Nai (3 ca), Lâm Đồng (3 ca), Sóc Trăng (2 ca), Kiên Giang (2 ca), Bến Tre (1 ca), Hậu Giang (1 ca), Tây Ninh (1 ca) và Tiền Giang (1 ca). Tích luỹ có 7 trường hợp tử vong liên quan bệnh đậu mùa khỉ, tại TP Hồ Chí Minh (6 ca) và Kiên Giang (1 ca). Được biết, tỉnh Cà Mau cũng đã chủ động trong công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ khi từ tháng 9/2022 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch và phương án phòng chống bệnh này. |
Đặng Duẩn