(CMO) Ngày 12/10, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử ký ban hành công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở, đốc thúc các địa phương tăng cường hơn nữa công tác ứng phó với thiên tai trong thời gian còn lại của năm 2020 và năm 2021.
Năm 2020, Chủ tịchUBND tỉnh đã quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2 tại vùng ngọt hóa thuộc địa bàn huyện U Minh, Trần Văn Thời và sạt lở một số đoạn đê biển Tây.
Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, diễn biến bất thường đã gây thiệt hại 23.394 ha lúa, 182 ha rau màu và 17.831 ha nuôi trồng thủy sản; trên 1.363 vị trí của nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và một số đoạn đê biển Tây bị sạt lở, sụp lún;...
Theo dự báo, từ nay đến hết năm 2020, trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 6 - 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 3 - 4 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ trở vào phía Nam, kết hợp với gió mạnh, sóng cao trên biển sẽ làm cho tình hình sạt lở ven biển diễn biến phức tạp; các hiện tượng thời tiết cực đoan như: mưa lớn, giông, lốc xoáy, sét, hạn hán,... sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Diễn biến thiên tai phức tạp do mưa bão kèm triều cường, hàng loạt tuyến đường nội ô thành phố ngập chìm từ nhiều ngày qua
Trước tình hình nêu trên, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo: Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thành phố Cà Mau tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát địa bàn, kịp thời tổ chức thăm hỏi, động viên và hỗ trợ hộ dân khắc phục thiệt hại sau thiên tai.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức hội nghị hướng dẫn xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai; hoàn thiện phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai thực hiện trước ngày 20/10/2020.
Mưa lớn, nước dâng còn làm ngập nhiều tuyến đường giao thông nông thôn
Song song đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Đài Khí tượng thủy văn Cà Mau thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến thời tiết, thiên tai, thông báo kịp thời đến UBND tỉnh.
Đồng thời, chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố Cà Mau rà soát, cập nhật và triển khai kế hoạch hoặc phương án phòng, chống thiệt hại do thiên tai; phương án sản xuất trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa năm 2020 phù hợp với từng vùng, tiểu vùng cụ thể.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, gia cố các vị trí xung yếu trên đê biển, đê sông và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, trang thiết bị hộ đê, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở đất, tuyệt đối không để vỡ đê.
Vận hành hợp lý hệ thống cống, đập, trạm bơm đảm bảo ngăn triều cường xâm nhập và tiêu thoát nước, chống ngập úng vùng ngọt hóa, nhất là trong và sau mưa lớn, bão.
Riêng khu vực rừng U Minh Hạ, phải có giải pháp điều tiết nước thích hợp nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhưng tránh ngập úng, gây thiệt hại đối với sản xuất ngư - nông nghiệp kết hợp trên lâm phần.
Ông Trần Văn Út, ấp 4, xã Khánh Bình Đông nỗ lực be bờ bơm nước cứu lúa Ảnh: Trần Quốc
Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện ven biển rà soát nắm chặt số liệu tàu thuyền, đảm bảo liên lạc thông suốt; củng cố đội tàu cứu hộ, cứu nạn tỉnh.
Sở Y tế chủ động xây dựng kế hoạch hoặc phương án phòng, chống dịch bệnh trên người phù hợp với tình hình, diễn biến thiên tai. Đồng thời, bố trí nhân lực, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ yêu cầu sơ, cấp cứu khi xảy ra thiên tai.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn giao nhiệm vụ các ngành liên quan nhằm có biện pháp đảm bảo cung ứng các hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra tình trạng khan hiếm dẫn đến tăng giá đột biến.
Đảm bảo lưu thông, an ninh quốc phòng, đảm bảo các điều kiện học tập của học sinh,..../.
Phong Phú