ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 26-9-24 03:24:59
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tạo hứng thú cho những tiết học

Báo Cà Mau (CMO) Lấy học sinh làm trung tâm, các thầy cô giáo đã “hô biến” tiết học trở nên lý thú, hấp dẫn hơn bởi sự dí dỏm, gần gũi, để học sinh mỗi ngày đến lớp là một ngày vui.

Thu hút học sinh từ những câu chuyện phiếm

Đó là “bí quyết” để có một giờ học hiệu quả của thầy Ngô Duy Thanh, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Hồ Thị Kỷ. Thầy cho biết: “Chuyện phiếm nhưng phải thật gần gũi, diễn ra hằng ngày trong cuộc sống các em”.

Trong mắt các em học sinh, thầy Thanh không chỉ là người thầy mà còn là người bạn gần gũi, quan tâm học sinh và luôn biết cách làm cho học sinh yêu thích giờ học của mình.

Thầy Ngô Duy Thanh luôn vui vẻ, gần gũi học sinh trong tiết dạy cũng như trong hoạt động Đoàn - Hội.

Thầy Thanh chia sẻ, “phương tiện” giúp thầy tạo ấn tượng, thiện cảm và tiếp cận học sinh còn là khiếu hài hước. Ở bộ môn Sinh học, thay vì dạy lý thuyết, thầy đặt vấn đề vận dụng từ thực tế để các em thoải mái thể hiện chính kiến của mình. Đặc biệt ở những giờ học lồng ghép giáo dục giới tính, thầy “nói thẳng, nói thật, nói rõ, nói chậm”, lấy những hiện tượng hằng ngày các em gặp phải, pha thêm chút hài hước để các em không e ngại chia sẻ. Bên cạnh đó, thầy còn sử dụng những cụm từ "tuổi teen" để các em cảm giác gần gũi, chân tình.

“Thời nay, học sinh sớm tiếp cận công nghệ, từ cách xưng hô, ứng xử, đến lối sống, các em hiện đại hoá theo cách các em cho là hội nhập. Do đó, tôi cũng phải tự “trẻ hoá” mình để gần gũi các em hơn. Đôi lúc trong tiết dạy tôi “nói xàm” để giải toả căng thẳng cho các em; rồi lúc ra chơi, cũng ngồi “nói xàm” để thăm dò xem tiết học có thu hút không? Các em cần gì ở tiết học?...”, thầy Duy Thanh phân trần.

Thầy Thanh cho rằng, điều này đã giúp thầy “cân chỉnh” phương pháp dạy phù hợp, tạo sức hút và giúp các em tiếp thu bài ngay trên lớp học, đồng thời giúp rèn luyện kỹ năng sống và trang bị cho các em kiến thức vào đời.

Em Trần Gia Hảo, lớp 11B, chia sẻ: “Dù Sinh học là tiết học thứ 5 của ngày nhưng không khí lớp học vẫn thoải mái. Thầy Thanh có nhiều cách giúp tụi em hiểu bài rất ấn tượng, như việc ví von những bộ phận, cơ quan trên cơ thể người giống như một nhà máy tạo ra sản phẩm; hay chỉ cần “từ khoá” là thuộc bài”.

Gia Hảo cho biết, ở vai trò là Phó bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam của trường, thầy Thanh luôn coi học sinh là những cộng sự, từ đó, có nhiều đề xuất để tạo nên các phong trào, hoạt động, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Và theo lời Gia Hảo, khi tổ chức phong trào, thầy Thanh luôn “chơi hết mình” với học sinh, tuy vậy thầy kỷ luật rất nghiêm. Bởi với thầy Thanh, “học là học, chơi là chơi”.

Gameshow "Học vui, hiểu rộng"

Giải ô chữ, Đuổi hình bắt chữ, Ai là triệu phú, Đường lên đỉnh Olympia… là những chương trình giải trí truyền hình hấp dẫn được thầy Nguyễn Thành Trung và các thầy cô trong tổ bộ môn Địa lý, Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển “biến hoá” thành “gameshow” vui nhộn, bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh trong tiết dạy. Đây cũng là hình thức kiểm tra kiến thức, đánh giá năng lực học sinh rất hiệu quả.

Tiết học Địa lý của thầy Nguyễn Thành Trung luôn hấp dẫn với nhiều hoạt động trực quan, sinh động.

Thầy Trung cho hay, hầu hết học sinh trường chuyên xem môn học này chỉ là môn phụ (cả trường chỉ 10 em chọn thi khối C), do đó, để hạn chế tối đa nền giáo dục ứng thí (tức học không chỉ để thi), giáo viên phải luôn luôn đổi mới trong cách dạy để tiếp cận học sinh, tạo nên sự tương tác, sự đam mê, hứng thú với môn học. “Các “gameshow” cũng giống như hình thức kiểm tra trắc nghiệm, nội dung bài giảng chỉ gói gọn trong các từ khoá, ô chữ để các em tự đúc rút, học hiểu. Nhờ đó các em dễ dàng đón nhận tiết học, thể hiện qua điểm số, thái độ học tập của các em tích cực hơn”, thầy Trung thông tin thêm.

Bên cạnh, thay vì “nghe dễ quên”, thầy giúp học sinh “nhìn nhớ, làm hiểu” bằng cách cho các em xem hình ảnh, video, khai thác hệ thống trực quan: sơ đồ, biểu đồ… để các em tự rút ra kết luận cho bài học. Thầy còn tổ chức cho các em học nhóm theo sở thích, giao công việc để học sinh luôn là trung tâm trong tiết học.

“Thầy Trung có khả năng ghi nhớ những con số rất chính xác. Khi tụi em trả bài cũ, hay trả lời các câu hỏi, thầy chỉ rõ lỗi sai và lưu ý để tụi em bổ sung kiến thức”, em Nguyễn Đình Lộc, lớp 12 chuyên Toán, chia sẻ.

Điều thú vị tạo nên hứng thú đón chờ môn Địa lý đối với các học sinh chuyên Toán như Lộc là sự “nguy hiểm” của thầy Trung. Lộc cười, nguy hiểm là cách ví von vui thôi. Bởi thầy Trung luôn tạo nên những tình huống bất ngờ trong tiết dạy. Ví dụ, khi trả bài, thầy cho 5 câu trắc nghiệm bằng ô chữ, hay trò chơi Ai là triệu phú, khi trả lời đến câu số 3, thầy tạo tình huống để tụi em phân vân giữa việc trả lời tiếp nhận con 6 “an toàn” hay đạt mục tiêu 10 điểm mà phải đối đầu với những “nguy hiểm” khác”…

“Chuyên trị” trò hư

Đây là lời “phong tặng” của giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường THCS thị trấn Thới Bình, huyện Thới Bình Tạ Hồng Ghi dành cho cô Trần Thị Đầm, giáo viên chủ nhiệm lớp 9A5, người có 14 năm kinh nghiệm chủ nhiệm lớp.

Cô Hồng Ghi cho biết, nhiều năm qua, rất nhiều lớp học “đặc biệt” của trường được cô Đầm đảm trách làm chủ nhiệm có chuyển biến tích cực, về học lực có tiến bộ, hạnh kiểm không còn yếu kém. Nhiều học sinh “bất trị” thay đổi thông qua việc hăng hái tham gia phong trào, hoạt động nhà trường rồi dần học tốt hơn.

Cô Trần Thị Đầm bày tỏ: “Khi giáo viên quan tâm, chia sẻ với các em, các em sẽ cởi mở hơn, chia sẻ suy nghĩ bản thân. Hiểu học sinh là cách tôi chủ nhiệm lớp hiệu quả”.

Cô Đầm cho biết, học sinh “chậm tiến” thuộc nhiều đối tượng đặc biệt như: hộ nghèo, cha mẹ ly hôn, đi làm ăn xa; có em điều kiện gia đình rất tốt nhưng cha mẹ thiếu quan tâm… Mỗi đối tượng học sinh, cô Đầm chú ý những cử chỉ, thái độ dù nhỏ để thăm dò, không bao giờ to tiếng hay cáu gắt, mà nhẹ nhàng ngồi riêng tâm sự, chia sẻ, khuyên bảo các em. Chính sự tế nhị và tình thương của một người giáo viên, người chị đã có rất nhiều “chú ngựa non háu đá” chăm chỉ học tập, ý thức hơn.

“Nhiều em không phải học yếu mà vì mặc cảm gia cảnh, muốn gây chú ý, thích “nổi loạn” nên từ hạnh kiểm đến học lực đều tụt hạng. Tôi khuyến khích các em tham gia phong trào, cho các em thể hiện mình theo năng khiếu, sở thích. Nhờ đó, trong phong trào thi đua, lớp chủ nhiệm luôn đạt thứ hạng cao trong tuần, kéo theo là sự hứng thú học tập”, cô Đầm chia sẻ.

Song song đó, cô Đầm dùng hình thức khen thưởng cá nhân nổi bật trong tuần để tạo phong trào thi đua xếp thứ hạng của lớp, giúp các em yếu cố gắng để vươn lên, còn các em học tốt phải nỗ lực giữ vị trí đứng đầu.

“Hãy biết lắng nghe, các em sẽ cho ta biết các em cần gì, thích gì, các em hiểu đúng hay sai, từ đó định hướng tư tưởng cho các em một cách chân thành nhất. Đừng quên giữ chữ “tín” với học sinh để các em tin tưởng, kính trọng”, cô Đầm chia sẻ./.

Băng Thanh

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.

Ứng dụng công nghệ thông tin, nâng chất lượng dạy học

Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong trường học là hết sức cần thiết và là xu thế tất yếu, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Trường THPT Thái Thanh Hoà, huyện Ðầm Dơi, đã có nhiều cố gắng trong ứng dụng CNTT vào việc dạy học, công tác quản trị nhà trường.

Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT

Năm học 2023-2024, tỉnh Cà Mau có 99,31% học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia bảo hiểm y tế (BHYT). Nhằm phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT năm học 2024-2025, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, các trường học trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh, để đảm bảo tất cả HSSV, bất kể điều kiện kinh tế hay hoàn cảnh gia đình, đều có cơ hội nhận được sự chăm sóc y tế cần thiết.