(CMO) Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, làm ảnh hưởng hầu hết các lĩnh vực, trong đó có việc triển khai, thực hiện tín dụng chính sách. Chính vì vậy, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ kép, từ đó kịp thời truyền tải nguồn vốn tín dụng đến với người dân.
9 tháng qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 24.139 lượt hộ được vay vốn với số tiền 634 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Cà Mau, cho biết: "Nguồn vốn giúp các hộ vay có điều kiện đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn trái, mua con giống, phân bón, thuốc trừ sâu phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ…, góp phần tạo thu nhập, ổn định cuộc sống. Từ đó, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới và tạo an sinh xã hội tại địa phương. Nguồn vốn tập trung vào các chương trình hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm…".
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Phú Tân giao dịch tại xã Rạch Chèo. (Ảnh chụp tháng 3/2021). |
Tuy nhiên, từ đầu tháng 7, dịch Covid-19 đã tác động đến thu nhập và sản xuất kinh doanh của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách nên gặp nhiều khó khăn trong công tác thu hồi nợ đến hạn, thu lãi, huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ tiết kiệm và vay vốn và các tổ chức, cá nhân.
Trong 3 tháng (từ tháng 7-9), chỉ tổ chức được 140/303 phiên giao dịch xã, phải dừng giao dịch 163 phiên, do địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của NHCSXH. So với đầu năm, nợ quá hạn tăng 4,6 tỷ đồng, món vay 3 tháng không hoạt động tăng 7,056 món, lãi tồn tăng 16,3 tỷ đồng, chỉ thực hiện đạt 4/10 chỉ tiêu nghị quyết…
Ðối với chương trình cho vay nhà ở theo Quyết định số 167, đến hạn cần phải thu hồi là 8,9 tỷ đồng (trong đó 3 tháng không hoạt động 5,7 tỷ đồng và qua phân tích nợ có 1,8 tỷ đồng không có khả năng trả nợ). Nguyên nhân, đa số hộ vay không có tư liệu sản xuất, chủ yếu đi làm thuê, người già... nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng.
Nhằm góp phần ngăn chặn tệ nạn tín dụng đen theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng như đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện, có nhu cầu đều được vay vốn, thời gian tới, NHCSXH sẽ tập trung giải ngân các chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng khác.
Theo đó, kiến nghị Sở Tài chính, Sở LÐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, người lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong giai đoạn 2021-2025 và ngân sách địa phương uỷ thác qua chi nhánh NHCSXH năm 2022.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, song song với hoạt động cho vay, các hội đoàn thể nhận uỷ thác cần phối hợp với chính quyền địa phương, ngành LÐ-TB&XH, NN&PTNT tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, xây dựng và nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững để giúp hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
"Bên cạnh việc truyền tải nguồn vốn tín dụng đến đúng đối tượng, thời gian tới, NHCSXH tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tập trung củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng theo các tiêu chí và lộ trình định hướng tại các phương án, đề án đã được phê duyệt; đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững, nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng tín dụng chính sách", ông Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ.
Trước tình hình người lao động ngoài tỉnh trở về địa phương nhiều, NHCSXH tỉnh Cà Mau đề nghị Tổng giám đốc NHCSXH quan tâm bổ sung thêm nguồn vốn chương trình cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường... giúp các hộ dân trên địa bàn, đặc biệt là người lao động trở về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai... giảm bớt khó khăn./.
Phúc Duy