“Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị” - đó là chủ đề, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt của công cuộc chuyển đổi số (CÐS) quốc gia năm 2023. Với nhiều kết quả đáng phấn khởi, Cà Mau đã và đang từng bước thay đổi căn bản về dữ liệu, khai thác dữ liệu để góp phần tạo ra giá trị mới, tạo sự khác biệt căn bản của CÐS trên địa bàn tỉnh.
Năm nay là năm thứ hai diễn ra Ngày CÐS Quốc gia 10/10 và được hưởng ứng mạnh mẽ, cũng là năm đặt dấu mốc quan trọng và căn bản trong tiến trình CÐS của tỉnh. Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Xác định dữ liệu là yếu tố vô cùng quan trọng, phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, giúp các doanh nghiệp hành động nhanh hơn và hiệu quả hơn, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm về số hoá, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp”.
Ngân hàng BIDV Chi nhánh Ðất Mũi hướng tới mục tiêu chiến lược ”Số hoá toàn diện và tối ưu trải nghiệm khách hàng”.
Từng bước tạo lập dữ liệu
Một trong những điểm nhấn quan trọng trong công cuộc CÐS của tỉnh năm qua chính là xây dựng dữ liệu. Tỉnh đã ban hành 26 danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung tỉnh Cà Mau, trong đó đã có 13 CSDL triển khai vận hành. Nổi bật là các CSDL quản lý cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC), đến nay đã có 100% dữ liệu hồ sơ CB,CC,VC và người lao động của 829 cơ quan, đơn vị Nhà nước được cập nhật; đã số hoá 400 ngàn trang tài liệu lưu trữ lịch sử; CSDL hộ kinh doanh hiện nay đang quản lý trên 28 ngàn hộ; CSDL nông nghiệp với hơn 23.900 dữ liệu được tạo lập, cập nhật theo lĩnh vực.
Ngoài ra, còn có CSDL về hợp đồng đã được công chứng; dữ liệu đất đai; sản phẩm OCOP; hồ sơ sức khoẻ điện tử; quản lý y tế cơ sở; tên đường và công trình công cộng; hệ thống thông tin báo cáo dữ liệu giám sát tài nguyên nước và CSDL tiếp nhận, xử lý phản ánh hiện trường. Ðồng thời, dữ liệu số đang được xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 gồm dữ liệu của các ngành: Công thương, Xây dựng, Giao thông vận tải; dữ liệu về hộ tịch, du lịch và quản lý lao động.
Cùng thời gian đó, tỉnh đã ban hành 86 tập dữ liệu mở thuộc 14 lĩnh vực. Ðặc biệt, để thúc đẩy kết nối, khai thác dữ liệu số tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP). Hiện tại đã kết nối, khai thác được 15/23 dịch vụ dữ liệu chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Theo đó, từ đầu năm đến nay đã có gần 590 ngàn lượt giao dịch. Ðây có thể nói là những dữ liệu số quan trọng mà tỉnh đã tạo lập trong thời gian qua; là bước đệm, nền tảng vững chắc để từng bước xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số.
Nhân sự kiện Ngày CÐS Quốc gia, Viettel Cà Mau tổ chức, triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực cho người dân địa phương như cung cấp miễn phí chữ ký số điện tử cá nhân, cài đặt miễn phí tài khoản Viettel Money, thanh toán không dùng tiền mặt...
Hướng đến công dân số
Từ dữ liệu quan trọng đó đã thúc đẩy mạnh mẽ hình thành chính quyền số. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm nay, Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã tiếp nhận, phát hành hàng triệu văn bản. Triển khai gần 2.400 chữ ký số chuyên dùng cho cá nhân, tổ chức. Hệ thống thư điện tử công vụ cấp trên 12.100 tài khoản cho cá nhân, tổ chức thuộc cơ quan Nhà nước (tăng 218 tài khoản).
Triển khai hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Ðề án 06 và 8/12 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh. Ðồng thời, thực hiện hoàn thành việc cấp thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử theo yêu cầu của công dân đủ tuổi theo quy định. Tính đến nay, ngành Công an đã thu nhận hồ sơ cấp định danh điện tử cho hơn 665 ngàn tài khoản/1,12 triệu công dân đủ điều kiện có mặt tại địa phương (trong đó, có 95.400 tài khoản mức độ 1, 569.800 tài khoản mức độ 2, vượt chỉ tiêu 29,5%). Sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng đã làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, kinh tế và người dân.
Song, kết quả rõ ràng nhất phải kể đến chính là hoạt động kinh tế số, đã góp phần đưa tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 8%, vượt so với mục tiêu đề ra trong năm 2023 (8%); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử đạt 100%; số lượng người dân, doanh nghiệp sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt có bước phát triển, nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch.
Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” đã gặt hái được nhiều kết quả nổi bật, đưa tỉnh Cà Mau đạt 83,56/100 điểm trên Bảng chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử, đứng đầu cả nước...
“Thành công bước đầu của Cà Mau xuất phát từ sự thay đổi nhận thức, hành động về CÐS từ lãnh đạo tỉnh cho đến người dân, liên tục tìm tòi, đổi mới và duy trì các hoạt động CÐS đã có, đồng thời nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Thời gian tới, với quyết tâm, nỗ lực của các cấp chính quyền, Nhân dân trong tỉnh, cùng sự đồng lòng của các doanh nghiệp trong thực hiện CÐS và khai thác dữ liệu số, sẽ không chỉ tạo ra giá trị mà còn nâng tầm những giá trị sẵn có, hướng đến những công dân số trong xã hội số tương lai”, ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, kỳ vọng. |
Một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình CÐS của tỉnh chính là sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, ngân hàng... Tính đến nay, các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp trên 224.950 tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money; trên 25 ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ chữ ký số công cộng cho người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng đã mở 1.180.114 tài khoản cho tổ chức, cá nhân. Ðây là điều kiện giúp người dân, doanh nghiệp, CB,CC,VC Nhà nước thuận lợi trong việc tiếp cận khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Một nhân tố quan trọng thúc đẩy tiến trình CÐS của tỉnh chính là sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, ngân hàng... (Ảnh chụp tại Ngân hàng Đại Dương, Chi nhánh Cà Mau).
Song song đó, tỉnh luôn chú trọng an toàn thông tin mạng. Ngành chức năng đã tiến hành rà soát phân loại, xác định, phê duyệt đề xuất cấp độ an toàn thông tin cho 7 hệ thống thông tin cấp độ 3; 10 hệ thống thông tin cấp độ 2 và 2 hệ thống thông tin cấp độ 1, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an toàn thông tin theo từng cấp độ./.
Hồng Nhung