Rượu, bia tuy không trực tiếp nhưng nó là nguyên nhân kép của hầu hết các lỗi vi phạm có nguy cơ tìm ẩn gây mất an toàn giao thông (ATGT) như: chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, sai làn đường, phần đường…
Rượu, bia tuy không trực tiếp nhưng nó là nguyên nhân kép của hầu hết các lỗi vi phạm có nguy cơ tìm ẩn gây mất an toàn giao thông (ATGT) như: chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, sai làn đường, phần đường…
Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống vi phạm về nồng độ cồn; hoạt động tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, như là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT năm 2016… là vấn đề đặt ra theo kế hoạch của Ban ATGT tỉnh về “Tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016”.
Vi phạm vẫn còn ở mức cao
Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, những tháng đầu năm nay, lực lượng làm nhiệm vụ tổ chức hơn 12.000 ca tuần tra, kiểm soát (TTKS) và phát hiện lập biên bản xử lý trên 46.000 trường hợp vi phạm, trong đó, lỗi vi phạm chiếm tỷ lệ cao nhất là chạy quá tốc độ (6.484 trường hợp), không giấy phép lái xe (4.977 trường hợp), vi phạm nồng độ cồn (2.278 trường hợp), vi phạm làn đường, phần đường (2.040 trường hợp)…
Vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt rất cao theo Nghị định số 46/2016/NÐ-CP của Chính phủ. |
Trung tá Nguyễn Văn Hớn, Ðội phó Ðội Tuần tra cảnh sát giao thông, cho biết: "Hiện nay, áp dụng theo Nghị định số 46/2016/NÐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” (thay thế Nghị định số 171 của Chính phủ), mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn tăng cao nên phần đông người tham gia giao thông (TGGT) đã ý thức chấp hành nghiêm túc hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người TGGT chưa tự giác mà chủ yếu là chấp hành kiểu đối phó khi có lực lượng làm nhiệm vụ TTKS trên tuyến, nhất là ở khu vực nội ô trung tâm thành phố thì nhiều người còn tỏ ra thờ ơ, tình trạng sử dụng rượu bia khi TGGT vẫn còn xảy ra.
Không chỉ ở TP Cà Mau, ở các tuyến giao thông liên tỉnh, nội ô các huyện, nhất là trên các tuyến lộ giao thông nông thôn, tình trạng sử dụng rượu, bia TGGT còn khá phổ biến. Thực tế là vi phạm nồng độ cồn những tháng đầu năm nay tăng hơn 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015. Và tai nạn giao thông tăng nguyên nhân đều có liên quan đến bia, rượu.
Tập trung tuyên truyền
Thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm đảm bảo trật tự ATGT trong tháng 9 và những tháng cuối năm 2016, Ban ATGT tỉnh tiếp tục triển khai kế hoạch “Tuyên truyền, vận động, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016”, trong đó, chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường công tác TTKS xử lý các hành vi vi phạm về ATGT theo tình hình thực tế, nhất là vào ban đêm và tập trung TTKS trên các tuyến, địa bàn thường xảy ra tai nạn giao thông.
Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, tăng cường TTKS để răn đe, nhưng biện pháp giáo dục vẫn là chủ đạo nên công tác tuyên truyền phải được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện liên tục, đầy đủ về nội dung các quy định pháp luật có liên quan, tập trung cao điểm tuyên truyền, phổ biến quy trình TTKS xử lý vi phạm nồng độ cồn áp dụng theo kinh nghiệm quốc tế, chế tài xử lý, các biện pháp ngăn chặn, xử lý hình sự đối với hành vi uống rượu, bia vượt quá nồng độ cồn điều khiển phương tiện TGGT gây tai nạn giao thông, cảnh báo nguyên nhân, hậu quả…
Song, cũng cần lồng ghép tuyên truyền là phổ biến các kỹ năng TGGT an toàn, vận động Nhân dân tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT, thực hiện nếp sống văn hoá giao thông… Ðồng thời, biểu dương người tốt, việc tốt và phê phán các hành vi vi phạm trật tự ATGT bằng thông điệp, tài liệu trực quan, trên các phương tiện thông tin đại chúng, hoặc lồng ghép vào các hội thảo, toạ đàm, trực tiếp nơi xử lý… đảm bảo nguyên tắc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo để hướng tới thay đổi hành vi của đối tượng được tuyên truyền.
“Bên cạnh đó, Ban ATGT tỉnh cũng đang tổ chức học tập kinh nghiệm các mô hình hay về phòng, chống lạm dụng rượu, bia, như: mô hình điểm kinh doanh rượu, bia ATGT; mô hình dịch vụ chở khách đã uống rượu, bia về nhà an toàn; mô hình điểm cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi; mô hình phòng, chống và kiểm soát vi phạm của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại các đơn vị kinh doanh vận tải… Qua đó, tuỳ tình hình thực tế của địa phương mà phổ biến nhân rộng để làm giảm trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đồng nghĩa với việc kiềm giảm tai nạn giao thông trong thời gian tới”, ông Bằng thông tin./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha