(CMO) Hiện nay, huyện Năm Căn có gần 180 doanh nghiệp và khoảng 14 chi nhánh hoạt động các lĩnh vực như: xăng dầu, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản, xây dựng, trang trí nội thất, tiêu dùng, dịch vụ ăn uống… Hoạt động của doanh nghiệp đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.
Ðược quy hoạch khu kinh tế trên 11.000 ha, Năm Căn là điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển. |
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND huyện Năm Căn Võ Văn Hành cho rằng, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đa phần nhỏ và vừa, nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện nhưng chưa tạo được chuỗi liên kết, nên sức cạnh tranh chưa cao… Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
“Ðứng trước tình hình mới, yêu cầu đối với mỗi doanh nghiệp phải thành công trong hội nhập, nhanh chóng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của từng sản phẩm cũng như hoạt động doanh nghiệp. Ðể đạt được điều đó, mỗi doanh nghiệp phải có chiến lược kinh doanh thời hội nhập; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất; áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về năng suất, chất lượng, nhất là vấn đề bảo vệ môi trường; mở rộng liên kết, liên doanh giữa các doanh nghiệp và đặc biệt là phải quan tâm phát triển nguồn nhân lực. Ðây là yếu tố quyết định thành công của doanh nghiệp”, ông Võ Văn Hành nhấn mạnh.
Theo đó, nhằm từng bước đáp ứng các mục tiêu đề ra, Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Năm Căn ra đời, với vai trò tư vấn, trợ giúp doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó, tổ chức này phải nỗ lực phát huy tốt vai trò, vị trí để liên kết cộng đồng doanh nghiệp, phát huy tính năng động, tích cực xã hội, thực hiện các mục tiêu, quyền lợi và giá trị chung của cộng đồng doanh nghiệp. Ðồng thời, là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước, ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp đóng góp vào các chủ trương, chính sách quản lý kinh tế, xã hội, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn thách thức trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cà Mau Lê Hoàng Phước (thứ ba từ trái sang) trao quyết định thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Năm Căn, vào ngày 22/4 vừa qua. |
“Từng thành viên phải nắm rõ pháp luật, phải thu thập, tập huấn, cập nhật thông tin để biết những chính sách ưu đãi, những quy định của Nhà nước để doanh nghiệp có chiến lược, có bước đi và hành động cụ thể, đặc biệt là tư vấn pháp luật cho cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, phải gương mẫu, bằng sức lực và trí tuệ phục vụ cộng đồng doanh nghiệp, với phương châm “Hợp tác - sáng tạo - đồng hành và phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cà Mau Lê Hoàng Phước chia sẻ.
Song song với việc Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Năm Căn ra đời, chương trình cà phê kết nối cũng được ra mắt. Ðây là môi trường gắn kết giữa cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, cùng mang tính chất tương đồng. “Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp hoạt động với hình thức kết nối giữa doanh nghiệp với nhau và chương trình cà phê kết nối là cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước, nhằm thực hiện các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong quá trình lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, có gặp trở ngại hay khó khăn gì cần tiếp cận chính sách, pháp luật thì đây là nơi để các doanh nghiệp tiếp cận thường xuyên”, ông Võ Văn Hành cho biết thêm.
“Cà phê kết nối là gam màu sáng, là cầu nối giữa UBND huyện với Hiệp hội Doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa doanh nghiệp với UBND huyện, nhằm thấu hiểu, thông cảm, chia sẻ những hạn chế và những ưu điểm với nhau, để cùng nhau phát triển”, ông Lê Hoàng Phước chia sẻ.
Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Năm Căn Nguyễn Ðức Trung cho biết, với vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế và hội nhập, Hiệp hội Doanh nghiệp Năm Căn và cà phê kết nối doanh nghiệp ra đời với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp đóng trên địa bàn trong các lĩnh vực quảng bá thương hiệu, giao lưu kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đào tạo nghiệp vụ, trình độ quản lý đối với doanh nghiệp, cập nhật công nghệ mới 4.0 vào quản lý điều hành doanh nghiệp kinh doanh ngày càng hiệu quả và hiện đại hơn. “Chúng tôi sẽ duy trì cà phê kết nối doanh nhân hàng tháng, đó sẽ là sân chơi lành mạnh để các doanh nghiệp chia sẻ với nhau, trao đổi kinh nghiệm, đoàn kết, cùng hỗ trợ nhau phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Năm Căn Nguyễn Ðức Trung thông tin thêm.
Có thể thấy, khởi sắc của doanh hiệp hiện nay là một trong những dẫn chứng thực tế nhất cho thấy hiệu quả và tác động tích cực của việc cải cách hành chính trong môi trường kinh doanh nói chung, cải cách hành chính, đăng ký kinh doanh nói riêng của huyện, đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Hiệp hội Doanh nghiệp huyện Năm Căn và chương trình cà phê kết nối ra đời, sẽ thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong tình hình mới. Qua đó, đưa huyện Năm Căn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đồng thời, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của nhiều sản phẩm hứa hẹn ngày càng nâng lên./.
Văn Tưởng