ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 26-12-24 19:38:36
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tập trung nguồn lực giảm nghèo bền vững

Báo Cà Mau (CMO) Theo Kế hoạch số 70/KH-UBND, ngày 31/3/2022, của UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hàng năm tối thiểu 0,5%, đến cuối năm 2025 còn không quá 1%. Theo đó, định kỳ hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) phối hợp các sở, ngành liên quan, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, làm cơ sở cho các địa phương cụ thể hoá, triển khai thực hiện phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của từng địa phương.

Riêng năm 2023, mục tiêu đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,2% và tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; đảm bảo an sinh xã hội (ASXH), cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

Bà Nguyễn Thu Tư, Phó giám đốc Sở LÐ-TB&XH, cho biết, thông qua các hoạt động giảm nghèo bền vững đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo tiếp cận kịp thời các chính sách về giảm nghèo như: y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng, ưu đãi, tổng kinh phí 101 tỷ đồng với hơn 28 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được tiếp cận. Ðáng phấn khởi là qua gần 3 năm triển khai thực hiện, kết quả giảm nghèo bền vững đã đạt, vượt mục tiêu đề ra. Cụ thể, đến cuối năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 7.407 hộ, chiếm 2,41% (giảm 2.162 hộ, giảm 0,73% so với cùng kỳ năm 2021, vượt kế hoạch đề ra 0,56%); hộ cận nghèo 5.710 hộ, chiếm 1,86% (giảm 1.223 hộ, giảm 0,41% so với cùng kỳ năm 2021). Dự báo đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 4.944 hộ nghèo, chiếm 1,61% (giảm 2.463 hộ, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2022).

Tạo sinh kế, việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn được xem là giải pháp giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân. (Ảnh chụp tại Vựa khô Kiều Nương 2 (Anh - Tiền), thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, ngày 16/5/2023). Ảnh: BĂNG THANH

- Bên cạnh việc phân bổ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững hiệu quả thì việc đảm bảo công tác ASXH góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững. Bà đánh giá công tác này thời gian qua ra sao?

Bà Nguyễn Thu Tư: Ðược sự quan tâm của các cấp chính quyền và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, công tác giảm nghèo bền vững, ASXH của tỉnh luôn được chú trọng, thu hút trách nhiệm của cộng đồng xã hội, nhằm tiếp tục tổ chức thực hiện toàn diện, có hiệu quả các chính sách ASXH ở địa phương. Khuyến khích hình thức tham gia thực hiện ASXH tự nguyện thông qua vận động quỹ Vì người nghèo, gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, cùng với các phong trào thi đua yêu nước ở các địa phương đã được lan toả sâu rộng, tác động tích cực đến đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp Nhân dân. Qua đó, tạo mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao mức sống người dân.

Theo báo cáo của Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, nguồn quỹ vận động vì người nghèo các cấp trong tỉnh được hơn 44,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động các chương trình, hoạt động ASXH tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng. Bên cạnh đó, MTTQ tỉnh cũng tiếp tục hướng dẫn MTTQ các cấp và ban công tác Mặt trận ấp, khóm đăng ký giúp đỡ 870 hộ (440 hộ nghèo, 336 hộ cận nghèo và 94 hộ mới thoát nghèo) đẩy mạnh lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững; đăng ký phấn đấu thực hiện 92 ấp, khóm xoá trắng hộ nghèo, hộ cận nghèo.

- Những khó khăn trong công tác giảm nghèo bền vững hiện nay là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thu Tư: Một số khó khăn như: văn bản hướng dẫn, quy định của Trung ương chưa sát với tình hình thực tế của tỉnh; một số văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân nguồn vốn từ chương trình. Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Cà Mau không có huyện nghèo nên không được thụ hưởng từ nguồn ngân sách Trung ương để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của hộ nghèo còn rất lớn.

Về quy định đối tượng tham gia các lớp đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp (Tiểu dự án 1: Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Dự án 4), do hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về khái niệm "người có thu nhập thấp" nên địa phương còn lúng túng. Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện không có lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài cư trú trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo hoặc trình độ kiến thức không đáp ứng theo yêu cầu của thị trường lao động nước ngoài.

 Phần lớn những hộ nghèo, hộ cận nghèo đều rơi vào tình trạng thiếu hoặc không có đất sản xuất, việc làm không ổn định, sống chủ yếu ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, có những hạn chế nhất định về trình độ học vấn, từ đó dẫn đến khó có khả năng thoát nghèo, hoặc tái nghèo khi gặp các rủi ro, biến cố trong cuộc sống. Hơn nữa, sự nỗ lực vươn lên của mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng, tác động chính lên chất lượng cuộc sống của mỗi gia đình; tuy nhiên, đâu đó vẫn còn một số hộ có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng, mặc dù hàng năm tỉnh luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động ý thức tự lực vươn lên thoát nghèo.

Hộ bà Nguyễn Thị Ðèo, ấp Tân Ðức A (xã Tân Ðức, huyện Ðầm Dơi), là hộ cận nghèo, hiện đang được xã hỗ trợ các mô hình kinh tế, quyết tâm thoát nghèo trong năm nay. Ảnh: HỮU NGHĨA

- Xin bà cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành đã có những giải pháp nào?

Bà Nguyễn Thu Tư: Ðể đạt mục tiêu kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025, cần có những giải pháp cụ thể như: tập trung nguồn lực, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã, ấp đặc biệt khó khăn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển của tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong đó, cần chú trọng, tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã tỷ lệ hộ nghèo còn cao, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.

Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển. Tiếp tục thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo cải thiện chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường, thông tin... Ðối với dịch vụ xã hội về nhà ở, nước sạch - vệ sinh môi trường và thông tin, tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ người dân được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhà ở, làm công trình vệ sinh, công trình nước sạch theo các chương trình cho vay hiện nay của Nhà nước để trợ giúp người nghèo, cận nghèo, người mới thoát nghèo có cuộc sống ổn định, đảm bảo đúng đối tượng theo quy định; nhất là triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ cải thiện mức sống cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hưởng chính sách người có công và bảo trợ xã hội.

Ðể giảm nghèo hiệu quả phải bám sát, nắm chặt tình hình thực tế các hộ nghèo và nguyên nhân nghèo của từng hộ để tìm ra giải pháp hỗ trợ thiết thực, phù hợp. Quá trình thực hiện bảo đảm không trùng lặp, bỏ sót đối tượng; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực. Ðặc biệt là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo của người dân.

- Xin cảm ơn bà!

 

Băng Thanh thực hiện

 

Ðộng lực cho nhiều mục tiêu mới

Ông Nguyễn Hồng Vệ, Bí thư Huyện uỷ Ngọc Hiển, thông tin, năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng, diễn ra đại hội đảng bộ cơ sở và cũng là năm huyện Ngọc Hiển quyết tâm dồn sức về đích huyện nông thôn mới (NTM). Cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong huyện đoàn kết, đồng thuận, nhất trí thực hiện đạt các mục tiêu đề ra.

Bệnh phát ban dạng sởi tăng đột biến

Những ngày gần đây, số ca mắc bệnh phát ban dạng sởi trên địa bàn huyện Cái Nước tăng đột biến, mỗi ngày đều có trẻ nhập viện điều trị nội trú, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát bệnh trong cộng đồng và trường học. Trước tình hình bệnh diễn biến phức tạp, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh cho trẻ.

Chủ động tầm soát lao trong cộng đồng

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 11 về số người mắc bệnh lao. Sau 2 năm Chương trình Phòng, chống lao quốc gia gián đoạn vì dịch Covid-19, số lượng người bệnh trong cộng đồng đang có xu hướng tăng cao. Phòng, chống lao từ thế bị động sang chủ động chính là giải pháp cấp thiết mà ngành y tế Cà Mau nỗ lực thực hiện để đẩy lùi bệnh lao ra khỏi cộng đồng.

“Ðã nghèo lại mắc cái eo”

Căn nhà nằm cạnh bờ sông, được cất bằng cây lá tạm nay đã xuống cấp, nhưng gia đình anh Dương Hoàng Trung (ở Ấp 12, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) không có tiền để sửa chữa. Hơn 5 năm trước vợ anh đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo, mọi chi phí, thuốc thang, sinh hoạt cả gia đình 5 nhân khẩu, đều do anh Trung gánh vác.

Rộn ràng không khí Giáng sinh

Giáng sinh an lành lại đến, không khí lễ hội cuối năm đang tràn ngập khắp mọi nẻo đường, góc phố. Tại TP Cà Mau, các nhà thờ, trung tâm thương mại, các điểm vui chơi giải trí trang hoàng rực rỡ đón Giáng sinh.

Ấm nồng nghĩa cử

Năm 2024, công tác hội và phong trào của Hội Chữ thập đỏ (CTÐ) tỉnh Cà Mau tiếp tục được phát huy. Hội CTÐ tỉnh Cà Mau thực hiện tốt nhiều chính sách an sinh xã hội bền vững, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của tỉnh. Ðiển hình, nhiều mô hình của hội như "Tết nhân ái", cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", Tháng Nhân đạo... luôn nhận được sự đồng hành chia sẻ của các cấp, ngành và các tầng lớp Nhân dân, kết quả đạt được vô cùng khả quan.

Phục hồi chức năng - Tăng niềm tin

Trong xu thế phát triển của phục hồi chức năng (PHCN) hiện đại, việc vận hành mô hình PHCN đa chuyên ngành đang được nhiều cơ sở y tế cả nước áp dụng, bao gồm các chuyên ngành: vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu và tâm lý trị liệu. Năm 2024, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh Cà Mau đã áp dụng rộng rãi mô hình này.

Vấn nạn vứt trộm rác thải

Bên cạnh rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý hằng ngày, trên địa bàn TP Cà Mau cũng không thiếu những bãi rác thải tự phát mà những thứ vứt đi là tủ, bàn, ghế sofa, phế thải xây dựng, bồn cầu, chăn ga gối nệm... gọi chung là rác thải cồng kềnh. Vấn nạn vứt trộm các loại rác này tồn tại từ ngày này qua ngày khác, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn mất mỹ quan đô thị. Ngành chức năng và người dân đều bối rối trong vấn đề xử lý.

Xã ven biển trước cơ hội vươn tầm

Với nỗ lực của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân, đến thời điểm này, qua rà soát kết quả thực hiện 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xã Tân Thuận, huyện Ðầm Dơi có 6 chỉ tiêu vượt, 5 chỉ tiêu đạt, dự kiến đến cuối năm, tất cả 13/13 chỉ tiêu đạt theo kế hoạch.

Cô giáo nhiều sáng tạo

Với những cố gắng và thành tích đạt được trong hơn 20 năm đứng lớp, cô Nguyễn Thị Duyên, Tổ trưởng Tổ Văn, Trường THPT Sông Ðốc (thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời) được Ban Giám hiệu, đồng nghiệp đánh giá cao. Cô là tấm gương sáng về sự nỗ lực, trách nhiệm, sáng tạo và tận tâm với nghề.