ĐT: 0939.923988
Thứ hai, 7-7-25 07:26:50
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thách thức trong điều trị HIV/AIDS

Báo Cà Mau (CMO) Thời gian qua, nhằm tăng cường phòng chống tác hại của HIV/AIDS trong cộng đồng, ngành y tế Cà Mau đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, đáng ghi nhận là mô hình toàn dân phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư; tăng cường cao điểm các hoạt động Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS; đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục và truyền thông làm thay đổi hành vi đối xử, xa lánh người nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục triển khai hoạt động dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS; duy trì hoạt động các nhóm đồng đẳng viên ma tuý, mại dâm trên địa bàn huyện.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch HIV/AIDS tại Cà Mau còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm đồng giới (MSM) tăng rất nhanh trong những năm gần đây với tỷ lệ nhiễm cấp cao. Tại một số huyện, số lượng người nhiễm HIV được phát hiện hàng năm có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khu vực huyện ven biển. Dịch HIV/AIDS đang có nguy cơ và xu hướng quay trở lại nếu không được quan tâm đầu tư thoả đáng để triển khai những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Cùng với đó, công tác phòng chống và điều trị vẫn còn nhiều khó khăn.

HIV/AIDS hiện là vấn đề sức khoẻ cộng đồng, vẫn đang là một trong những gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số luỹ tích HIV+ tiếp tục tăng cao, trên 3 ngàn người nhiễm đang cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời. Mỗi năm vẫn có trên 300 HIV+ mới và trên 500 trường hợp tử vong do HIV/AIDS, gây tác động rất lớn về sức khoẻ, kinh tế - xã hội.

Ðoàn công tác thuộc Tổ chức Quỹ Chăm sóc sức khoẻ AIDS Hoa Kỳ (AHF) khảo sát thực tế tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh Cà Mau.

Bà Trương Kim Út, Phó khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Sự tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của đối tượng nguy cơ cao còn hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh mới có 5 cơ sở ngoại trú điều trị HIV/AIDS (4 bệnh viện và 1 trại giam). Ðặc thù riêng của bệnh nhân HIV/AIDS là phải được chăm sóc và điều trị suốt đời. Hiện tại, tỉnh đang điều trị cho 1.772 bệnh nhân HIV/AIDS và hơn 200 bệnh nhân điều trị bằng thuốc Methadone. Tuy nhiên, nhu cầu của bệnh nhân được chăm sóc, điều trị còn rất lớn trong khi nhân lực hầu hết phải làm việc kiêm nhiệm, nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đang ngày một cắt giảm, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện”.

Cùng với đó, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã được củng cố, kiện toàn nhưng vẫn luôn có sự thay đổi về nhân sự; năng lực về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS của cán bộ tham gia chương trình tuyến huyện và tuyến xã, phường còn hạn chế, chưa có cán bộ chuyên trách thực sự cho tuyến huyện.

Kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh giai đoạn 2015-2020 phụ thuộc nhiều vào nguồn viện trợ quốc tế. Những năm gần đây, nguồn kinh phí viện trợ chủ yếu từ dự án Quỹ Toàn cầu. Các nguồn tài chính trong tỉnh chưa đáp ứng đủ tài chính cho các dòng hoạt động chủ chốt, nguy cơ thiếu hụt nghiêm trọng nếu dự án ngừng hỗ trợ. BHYT đã tham gia chi trả cho công tác điều trị HIV/AIDS, nhưng các hoạt động thuộc lĩnh vực xét nghiệm, truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV, giám sát dịch HIV/AIDS chủ yếu vẫn dựa vào viện trợ, chưa có cơ chế tài chính trong tỉnh bền vững cho những lĩnh vực này.

Liên quan đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Cà Mau, mới đây, Tổ chức Quỹ Chăm sóc sức khoẻ AIDS Hoa Kỳ (AHF) có chuyến làm việc tại Cà Mau. Trong khuôn khổ mở rộng Dự án hỗ trợ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027, AHF có kế hoạch hỗ trợ chương trình xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS tại Cà Mau thời gian tới.

Ông Kiều Thanh Bình, Ðiều phối Chăm sóc và Ðiều trị (AHF Việt Nam), cho biết: “Mục tiêu chung của dự án mở rộng lần này là hướng đến việc đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS để giảm số người mới nhiễm HIV và tử vong liên quan đến AIDS, chấm dứt dịch AIDS tại Việt Nam vào năm 2030".

Cụ thể tại Cà Mau, dự án được triển khai sẽ hỗ trợ cho địa phương nhiều hoạt động quan trọng. Trong đó, hỗ trợ dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV và điều trị ARV tại Bệnh viện Ða khoa tỉnh/TP Cà Mau và Trại giam Cái Tàu nhằm tăng cường phát hiện ca nhiễm HIV mới chuyển điều trị ARV; hỗ trợ khám bệnh định kỳ cho bệnh nhân và theo dõi tình trạng sức khoẻ của người bệnh, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội và điều trị dự phòng cho bệnh nhân tại phòng khám của Bệnh viện Ða khoa tỉnh/TP Cà Mau và Trại giam Cái Tàu; triển khai các chiến dịch phát bao cao su và xét nghiệm HIV lưu động miễn phí tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, khi dự án được triển khai tại Cà Mau sẽ tạo mọi điều kiện để hỗ trợ các trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm, khám chữa bệnh, lưu trữ số liệu, quản lý bệnh nhân trên phần mềm... Ðồng thời, AHF sẽ thống nhất hướng dẫn quy trình quản lý, sử dụng thuốc điều trị với mong muốn nâng cao chất lượng công tác quản lý và điều trị HIV/AIDS tại địa phương./.

 

Văn Ðum

 

Sai lầm trong sơ cứu rắn cắn - Hậu quả khó lường

Mùa hè là thời điểm trẻ em nghỉ học, vui chơi nhiều hơn nên cũng là lúc dễ xảy ra các tai nạn ngoài ý muốn, trong đó có những tình huống nguy hiểm nhưng thường bị xem nhẹ, đó là bị rắn cắn.

Nuôi cá bảy màu phòng bệnh sốt xuất huyết

Hằng năm, đến mùa mưa, muỗi vằn phát triển mạnh, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) bùng phát cao. Những năm qua, ngành y tế Cà Mau đẩy mạnh các giải pháp phòng bệnh, trong đó, mô hình nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng dễ thực hiện, mang lại hiệu quả cao.

Mối đe doạ thầm lặng với trẻ nhỏ

Hút thuốc lá không chỉ là thói quen có hại với chính người hút thuốc mà còn là nguyên nhân gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cà Mau tăng cường quản lý, phòng chống bệnh không lây nhiễm

Các bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và gánh nặng y tế tại Việt Nam nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng. Cần có bước tiến trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm để tạo nền tảng vững chắc hướng đến một cộng đồng khỏe mạnh và phát triển bền vững.

Tập huấn sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà”

Sáng nay (30/6), Sở Y tế Cà Mau phối hợp Cục Quản lý Khám Chữa Bệnh, Trung tâm thông tin Y tế Quốc gia và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức tập huấn khám chữa bệnh từ xa, sử dụng phần mềm “Bác sĩ cho mọi nhà” dành cho cán bộ nòng cốt ngành y tế tỉnh Cà Mau. 

Viện Pasteur nâng cao năng lực xét nghiệm cho y tế tuyến tỉnh, huyện

Sáng 25/6, Viện Pasteur phối hợp cùng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau tổ chức khóa tập huấn “Đánh giá nội bộ về quản lý chất lượng xét nghiệm y học”.

Triển khai rộng rãi dịch vụ xét nghiệm HIV Online

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình xét nghiệm HIV Online thông qua website: “tuxetnghiem.vn” tại tỉnh Cà Mau, cho thấy sự tiện ích rõ rệt từ mô hình này. Hiện nay, ngành y tế tăng cường các hoạt động truyền thông để đưa dịch vụ thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

Vì đôi mắt trẻ thơ

Với mong muốn mang lại ánh sáng và sự tự tin cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn bị các bệnh về mắt, vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu tỉnh phối hợp cùng Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, các chuyên gia đến từ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan (ECF) tổ chức đợt phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 60 trẻ dưới 15 tuổi mắc các bệnh lý lé mắt, sụp mi.

Tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch từ hút thuốc lá

Ngày càng có nhiều bằng chứng về mối liên quan giữa hút thuốc lá và bệnh tim mạch. Để phòng bệnh tim mạch, một trong những biện pháp đơn giản là không sử dụng thuốc lá và sống trong môi trường không khói thuốc lá.

Tận tâm vì sức khoẻ Nhân dân

Phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành y tế, những năm qua, đội ngũ thầy thuốc trẻ tỉnh Cà Mau nỗ lực học tập, rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao y đức. Qua đó, đã có những tấm gương sáng, điển hình tiên tiến vì sức khoẻ của người dân.