(CMO) Theo tìm hiểu của phóng viên thì thời gian qua, hầu hết những khách hàng là nạn nhân của bảo hiểm nhân thọ sau khi ra toà thì khả năng thắng kiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì không đủ chứng cứ buộc tội lừa đảo, tư vấn khống… do giấy trắng mực đen có ghi đầy đủ các điều, khoản, đóng dấu, ký tên hẳn hoi.
Đó đang là thực trạng mà những người từng tham gia bảo hiểm ngán ngẫm, mà mỗi khi nhắc lại còn sợ hãi. Vì khi quyết định mua một gói bảo hiểm nào đó, khách hàng đặt hết niềm tin vào tư vấn viên, nên khi mua - đó là mua “niềm tin” của người bán. Tuy nhiên, trên thực tế những tư vấn viên đa phần đều chạy theo lợi ích, hoa hồng, phần trăm chiết khấu…
Ông Trần Nguyên Đán, Giảng viên Bộ môn Bảo hiểm và Quản trị tài chính rủi ro, Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với Phóng viên Báo Cà Mau: “Chúng ta phải tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động tư vấn của các đại lý. Xác nhận xem khách hàng đã được tư vấn những điều khoản nào? khách hàng còn thắc mắc gì nữa hay không? Đồng ý tham gia số tiền bảo hiểm này hay không? Khách hàng đã ký vào bảng minh hoạ, khách hàng đã hiểu hết những thông tin trong bảng minh hoạ hay chưa?.... Ví dụ vậy! Những hoạt động này sẽ hạn chế bớt những mâu thuẫn phát sinh!”.
Theo Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 quy định doanh nghiệp bảo hiểm có nghĩa vụ “Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Đây là điểm mới so với Luật năm 2000, nhằm hạn chế tranh chấp và đảm bảo quyền lợi của người mua.
Thiết nghĩ, Công ty Bảo hiểm cần phối hợp với ban ngành, đoàn thể tổ chức những buổi truyền thông, tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm cho người dân.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Thanh Thuận, Trưởng đoàn Luật sư tỉnh Cà Mau thì đây vẫn là “lỗ hổng” trong Luật. Theo Luật sư Thuận thì thời điểm diễn ra tư vấn khách hàng hoặc tư vấn viên có quay video, ghi âm lại làm bằng chứng hay không? Hay chỉ là “thuận mua vừa bán” trên cơ sở tin tưởng lẫn nhau? Chính vì sơ hở này nên khi các vụ việc liên quan đến bảo hiểm xảy ra thì khách hàng là nạn nhân chỉ biết “ngậm bồ hòn” làm ngọt, vì không đủ chứng cứ buộc tội tư vấn viên lừa đảo hay đơn vị bảo hiểm nào đó lừa đảo.
Theo Luật sư Thuận khuyến cáo, khách hàng phải thật sự sáng suốt, khi muốn tham gia một gói bảo hiểm nào cần quan tâm đến các vấn đề trong hợp đồng. Nếu không nắm rõ thì nhờ người am hiểu về luật tư vấn thêm. Đặc biệt, lúc được nhân viên tư vấn ghi âm hoặc quay video lại để làm bằng chứng minh khi có sự cố xảy ra. Đây cũng là cách bảo vệ chính mình trong mọi tình huống.
Còn đối với đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, nhân viên tư vấn sai sự thật, có thủ đoạn gian dối, tư vấn không sát với nội dung trong hợp đồng thì có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Còn đối hợp đồng bảo hiểm mà khách hàng nhận thấy quyền lợi bị ảnh hưởng và không muốn duy trì hợp đồng thì có thể yêu cầu Toá án tuyên hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị nhầm lẫn theo Bộ luật Dân sự năm 2015 hoặc hợp đồng bảo hiểm vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép theo Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 để được đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình.
Chính vì thế, hiểu đúng và đủ về bảo hiểm nhân thọ sẽ giúp chúng ta có cái nhìn công tâm hơn về sản phẩm này, cũng như trả lại đúng vai trò của kênh bảo hiểm như là một sản phẩm phòng ngừa rủi ro. Bên cạnh đó, việc tìm được đội ngũ tư vấn bảo hiểm có tâm và có kiến thức sâu sắc về bảo hiểm sẽ góp phần từng bước hoàn thiện thị trường tiềm năng này. Đặc biệt, khách hàng phải là người thông thái, tự chịu trách nhiệm cho bản thân mình khi quyết định tham gia các loại hình bảo hiểm nhân thọ./.
Kim Cương- Lam Khánh