Ngày 1/9, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì phiên họp thường kỳ Thường trực HĐND tháng 9 xem xét báo cáo của Sở tài chính về tình hình nợ lương và các chế độ chính sách đối với giáo viên tại các huyện và TP Cà Mau; xem xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình ô nhiễm môi trường ở TP Cà Mau và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); thông qua công văn của UBND tỉnh về việc xin cơ chế tài chính thực hiện tiểu dự án 8 thuộc dự án ICRSL do Ngân hàng Thế giới tàì trợ và thông qua nhiều nội dung quan trọng khác.
(CMO- PTĐ) Ngày 1/9, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chủ trì phiên họp thường kỳ Thường trực HĐND tháng 9 xem xét báo cáo của Sở tài chính về tình hình nợ lương và các chế độ chính sách đối với giáo viên tại các huyện và TP Cà Mau; xem xét báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về tình hình ô nhiễm môi trường ở TP Cà Mau và thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời); thông qua công văn của UBND tỉnh về việc xin cơ chế tài chính thực hiện tiểu dự án 8 thuộc dự án ICRSL do Ngân hàng Thế giới tàì trợ và thông qua nhiều nội dung quan trọng khác.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, giai đoạn 2011- 2015, các huyện và TP Cà Mau nợ lương và nợ các chế độ chính sách đối với giáo viên trên 126 tỷ đồng do thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ- CP và Nghị định 61/2006/NĐ- CP của chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác tại các trường chuyên biệt ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn (xã nằm trong Chương trình 135).
6 tháng đầu năm 2016, các địa phương tiếp tục tạm ứng, mượn nguồn hoạt động năm 2016 để chi trả cho các năm trước. Vì thế, 6 tháng đầu năm 2016, các địa phương này tiếp tục thiếu trên 74 tỷ đồng.
Trước tình hình trên, Sở Tài chính phối hợp với Sở GD&ĐT kiểm tra thực tế và có báo cáo số 230/BC- STC về tình hình nợ lương và các chế độ chính sách đối với giáo viên từ năm 2011- 2015 trình và được UBND tỉnh thống nhất cho ứng kinh phí hoạt động năm 2017, với số tiền trên 53,4 tỷ đồng để chi trả nợ lương và các chế độ chính sách cho giáo viên. Số tiền này đã chuyển về cho các địa phương đã lâu, tuy nhiên, đến nay chưa có đơn vị thực hiện việc chi trả cho giáo viên theo quy định.
Như vậy, nợ lương và các chế độ chính sách đối với giáo viên từ năm 2011 đến 6 tháng đầu năm 2016 là trên 200 tỷ đồng. Các đại biểu tham dự phiên hợp cùng thống nhất cần thanh tra làm rõ tình hình nợ lương và các chính sách cho giáo viên.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện chỉ đạo, ngay sau phiên họp này, thành lập ngay đoàn thanh tra về tình hình nợ lương và nợ các chế độ chính sách đối với giáo viên của các huyện và TP Cà Mau, sau đó có văn bản báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh. Sở GD&ĐT, Sở Tài chính, Ban Văn hoá xã hội HĐND tỉnh phối hợp tham mưu, đề xuất Thường trực HĐND và UBND tỉnh cách giải quyết. Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện nhấn mạnh, trong vấn đề quản lý ngân sách để xảy ra tình trạng nợ lương và các chế độ chính sách đối với giáo viên ở các huyện và TP Cà Mau kéo dài trong nhiều năm cần làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Sở Tài chính và Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau để sớm khắc phục, không để tái diễn tình trạng này.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, tình hình thu gom rác sinh hoạt đô thị chỉ đạt 87%; 90% chất thải rắn công nghiệp như đầu vỏ tôm, phế phẩm cá được thu gom tái chế. Đối với chất thải y tế, 85% các bệnh viện trong tỉnh đã trang bị lò đốt rác y tế hoặc hợp đồng xử lý chất thải y tế.
Tuy nhiên, thực tế tình hình ô nhiễm môi trường đang đến mức báo động. Chỉ tính riêng địa bàn TP Cà Mau có 21 cơ sở sản xuất, chế biến thuỷ sản đang hoạt động (thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, thuộc đề án bảo vệ môi trường chi tiết thuộc thẩm quyền quản lý Sở Tài nguyên và Môi trường), có lượng nước thải phát sinh khoảng 6.900 m3/ngày đêm. Tại thị trấn Sông Đốc, tình hình ô nhiễm rác thải sinh hoạt và nước thải sản xuất công nghiệp còn trầm trọng hơn./.