Hằng ngày, cứ mỗi lần đi chợ, cửa hàng, siêu thị, như thói quen, chị Huỳnh Ngọc Giàu ở Khóm 1, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển lại sử dụng app trên điện thoại để quét mã QR thanh toán. Có khi chị sử dụng hình thức chuyển khoản bằng các tài khoản ngân hàng đã được cài đặt sẵn. Chị Giàu chia sẻ: “Từ khi thanh toán bằng hình thức này, đỡ phải mang tiền theo bên mình, an tâm hơn, mà vô cùng tiện lợi”.
Không riêng chị Giàu, dù sống ở vùng nông thôn, thuộc huyện xa trung tâm thành phố nhưng nhiều người dân, tiểu thương nơi đây, nhiều tháng nay đã tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Mã QR được đặt tại các quầy hàng, cửa hiệu để thuận tiện cho người đi chợ quét mã thanh toán những đơn hàng từ lớn tới nhỏ.
Tiểu thương Lý Ngọc Xuân, hơn 20 năm buôn bán tại chợ Rạch Gốc, thích thú: “Ðó giờ tôi cứ hay đếm tiền lẻ sau mỗi ngày bán ở chợ về. Giờ nhiều người đi chợ chuyển khoản khi thanh toán, cứ coi lại số tài khoản mỗi ngày là biết thu được bao nhiêu. Tôi cảm thấy cuộc sống mình hiện đại hơn”.
Người dân và tiểu thương chợ Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ.
Ngọc Hiển dù là huyện vùng sâu, nhưng hiện là một trong những địa phương triển khai tốt hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ðến nay đã có trên 90% cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ được hướng dẫn áp dụng mã để thanh toán. 90% công chức, viên chức cài đặt và sử dụng thường xuyên dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; 30% người lao động trong độ tuổi được hướng dẫn cài đặt ứng dụng này. Các cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến cơ sở đã thực hiện 100% việc chi trả lương và các chế độ thanh toán thông qua chuyển khoản.
Với khu vực đô thị như TP Cà Mau, nơi có nhiều điều kiện tiếp cận với công nghệ số thì việc thanh toán không dùng tiền mặt không những thông thạo mà dần phủ khắp địa bàn với nhiều kết quả ấn tượng. Toàn thành phố có trên 10 cụm dân cư tại 16 xã, phường, 27 tuyến đường thực hiện mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt”, với 1.350 hộ dân và chủ cơ sở kinh doanh.
Buôn bán nhiều năm trên tuyến đường Lý Bôn, Phường 2, TP Cà Mau, chị Trần Bích Hằng cho biết: “Giờ người dân ở đây quen sử dụng app thanh toán rồi. Không phải đợi đơn hàng lớn mới chuyển khoản, mà có khi chỉ mua cái cột tóc, cái kẹp, người mua cũng quét mã QR hay chuyển khoản”.
Ông Châu Tài Phát, chủ tiệm vàng trên tuyến đường này, nửa đùa nửa thật: “Trước đây có người mua mấy cây vàng, phải vác cả bao tiền. Giờ chỉ cần app trên điện thoại chuyển cái "rẹt" xong ngay. Tôi kinh doanh vàng nên số tiền giao dịch lớn, nhờ sử dụng dịch vụ này mà việc quản lý tiền bạc dễ dàng hơn, không sợ nhầm, mất”.
Lĩnh vực kinh doanh vàng, số tiền giao dịch lớn, nhờ sử dụng dịch vụ thanh toán số mà hạn chế việc sử dụng tiền mặt, đảm bảo an toàn cũng như thuận tiện trong công tác quản lý.
Con số ấn tượng nhất sau 1 năm triển khai Ðề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của tỉnh chính là các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp trên 100 ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money, trên 25 ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ chữ ký số công cộng cho người dân. Số người trưởng thành mở tài khoản tại các ngân hàng trong tỉnh đạt hơn 1.340.000 lượt người. Ðây là điều kiện giúp người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong việc tiếp cận khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Con số ấn tượng nhất sau 1 năm triển khai đề án không dùng tiền mặt của tỉnh chính là, các doanh nghiệp viễn thông đã cung cấp trên 100 ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ Mobile Money, trên 25 ngàn tài khoản sử dụng dịch vụ chữ ký số công cộng cho người dân.
Không những vậy, lượng giao dịch qua kênh số của các chi nhánh ngân hàng trong tỉnh tính từ đầu năm 2023 đến nay đạt hơn 26,5 triệu lượt giao dịch, với doanh số giao dịch hơn 270 ngàn tỷ đồng. Có tổng số gần 6.500 lượt bệnh nhân thanh toán qua mã QR, qua máy POS, chuyển khoản tại các cơ sở y tế trong tỉnh khoảng 12,7 tỷ đồng. Gần 7 ngàn lượt thanh toán học phí và các dịch vụ phục vụ nhà trường với số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.
Giao dịch qua kênh số của các chi nhánh ngân hàng trong tỉnh tính từ đầu năm 2023 đến nay đạt hơn 26,5 triệu lượt, với doanh số hơn 270 ngàn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: “Thanh toán không dùng tiền mặt được xem là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, hướng đến tiêu dùng thông minh, tạo động lực cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán số thông minh, góp phần hình thành những công dân số, thúc đẩy phát triển xã hội số. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng hành lang pháp lý và đẩy nhanh quá trình kết nối, khai thác, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, các ngành, lĩnh vực để khai thác, tổng hợp dữ liệu. Qua đó, tạo điều kiện phát triển thanh toán số, công dân số và xã hội số".
Hồng Nhung