ĐT: 0939.923988
Thứ năm, 16-1-25 01:31:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thị trấn Cà Mau xưa

Báo Cà Mau (CMO) Cà Mau là vùng đất được khai phá khá muộn so với các tỉnh Nam Kỳ. khi Cà Mau trở thành một quận của tỉnh Bạc Liêu vào năm 1882, đất đai vẫn còn hoang vắng, dân cư thưa thớt.

Vào năm 1898, ông Gérard, một công chức ở tỉnh Bạc Liêu, sau khi đi thị sát vùng Cà Mau đã làm tờ trình về tình hình thương mãi, canh nông. Báo cáo này mô tả khá cụ thể đời sống của lưu dân, khung cảnh địa lý của chợ Cà Mau và vùng phụ cận. Trong đó, chợ Cà Mau hiện ra với vườn dừa, vườn cau. Tàu buôn đậu tấp nập, loại tàu buồm khá to, gọi là tàu Hải Nam, từ Tân Gia Ba, Hà Tiên, Rạch Giá đến. Tàu Hải Nam mua tôm khô, cá khô, than đước, sáp ong, lúa gạo, đồng thời bán chén bát, thuốc bắc, vải bô.

Cầu Quay Cà Mau vào thập niên 40 (hiện nay là đoạn Công ty Cổ phần Cấp nước Cà Mau).Ảnh tư liệu

Trong thời điểm ấy, tại chợ có chừng sáu hoặc bảy trăm dân đinh, cùng sáu bảy trăm người Huê kiều. Con đường sát mé sông quá thấp, phải dùng cây lót cho sạch và ráo. Xa chợ một đỗi là ban đêm nghe cọp rống lồng lộng.

Cả vùng đất Cà Mau rộng lớn chỉ có 2 người Pháp: 1 trông coi hành chánh và trị an, 1 đặc trách thuế quan.

Khỏi chợ một quãng, vài căn nhà xuất hiện, trồng dừa, cau, cả gia đình tập trung vào việc dệt chiếu, từ bà lão đến em bé. Trai tráng gần như vắng mặt, họ vào rừng đốn củi, đi câu, làm bạn ghe (chèo ghe mướn).

Chợ Cà Mau thời đó tuy có nhộn nhịp nhưng vẫn còn ọp ẹp và dân số thưa thớt, hơn 1.000 dân, trong đó người Hoa chiếm phân nửa. Vùng ngoại ô còn hoang vắng với nhiều thú dữ.

Giáo dục chậm phát triển. Tại chợ Cà Mau học sinh nghỉ học nhiều do mắc bệnh sốt rét và ở các làng xã cũng đã mở trường lớp cho con em học tại chỗ. Bên cạnh đó, tại trung tâm chợ, các trường tư thục của người Hoa cũng được xây dựng.

Ngày 15/10/1904, Thống đốc Nam Kỳ ra nghị định thành lập trung tâm thị trấn Cà Mau. Nhưng phải đợi đến 35 năm sau, khi nghị định ngày 13/3/1939 của Chủ tỉnh Bạc Liêu ban hành, thì ranh giới trung tâm thị trấn Cà Mau mới được ấn định như sau:

Phía Đông Bắc giáp kinh ở ranh Đông Bắc lô 56, tờ 6 làng An Xuyên và một đường kéo dài từ kinh đó đến hết ranh Đông Bắc.

Phía Tây Bắc giáp một đường từ dọc ranh Tây Bắc các lô 71, 72 tờ 6 đến ranh Đông Bắc và ranh Tây Bắc các lô 72, 79, 73 tờ 6 làng An Xuyên.

Phía Tây Nam giáp ranh làng An Xuyên và làng Thạnh Phú.

Phía Đông Nam giáp đường thẳng nối điểm giao ranh Đông Bắc làng Thạnh Phú với Gành Hào, đến điểm giao kinh cũ Bạc Liêu - Cà Mau với kinh Bạc Liêu - Cà Mau hiện nay.

Phía Đông giáp kinh bao phía Đông các lô 64, 58, 204/56 tờ 6 làng An Xuyên, từ kinh cũ Bạc Liêu - Cà Mau phía Nam đến kinh Quản Lộ - Phụng Hiệp phía Bắc. Các phân chia trước đây đều huỷ bỏ.

Cà Mau trở thành thị trấn, có viên quan người Pháp đến cai trị, nhiều người Pháp khác đến điều hành đồng bào địa phương khai khẩn đất hoang để canh tác, nên quận trưởng luôn là người Pháp, hoặc là Pháp tịch.

Bước sang đầu thế kỷ XX, thị trấn Cà Mau có bước phát triển đáng kể về mọi mặt. Dân số ngày càng tăng, đất đai được khai phá thêm. Đời sống, sinh hoạt của người dân cũng có nhiều hoạt động phong phú.

Để thực hiện chức năng thông tin phục vụ cho bộ máy cai trị của chính quyền tại Cà Mau, khoảng năm 1910, Pháp cho xây dựng Nhà Dây Thép cặp với chùa Bà Thiên Hậu thuộc Phường 2 hiện nay. Trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp những năm 1930, Nhà Dây Thép trở thành địa điểm liên lạc của chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Trước đó, vào ngày 3/7/1883, Pháp cho mở trạm phân phối thư từ và bán tem thư, thư bưu thuế ở Cà Mau. Trạm bán tem thư trực thuộc ông quản đốc thu thuế gián thu.

Tại trung tâm chợ, ông Mã Ngân, tự là Bang Tắc - một người Hoa, đã xây một dãy phố lầu bằng bê-tông cốt sắt. Ở tầng trệt có Nhà hàng Á Châu bán cơm Tây, còn trên lầu là 10 phòng ngủ đầy đủ tiện nghi. Năm 1935, do khủng hoảng kinh tế nên nhà hàng đóng cửa; đến năm 1945, dãy phòng ngủ cũng ngưng hoạt động.

Trong dãy nhà này có một căn rất nổi tiếng mà hiện nay đã trở thành Di tích Lịch sử - Văn hoá, đó là Hồng Anh Thư Quán, tại số 43, Phạm Văn Ký, Phường 2. Qua Hồng Anh Thư Quán, người dân Cà Mau đã tiếp cận với nhiều sách, báo để trau dồi chữ Quốc ngữ, nâng tầm kiến thức.

Nhà văn Hồ Biểu Chánh sau khi đến Bạc Liêu làm ký lục vào năm 1911, một năm sau đó đã chuyển xuống quận Cà Mau làm tùng sự, bắt đầu viết tiểu thuyết với vốn sống dồi dào. Cảnh trí nơi đây chất phác, an nhàn “với những tàu buồm vô ra, với những rừng đước, rừng tràm, trại đáy cheo leo rải rác, với nước mặn chát, với muỗi ồ ào, chứa chan thi vị” đã hun đúc cho ông cái tâm hồn văn sĩ. Nhờ đó, ông viết được cuốn tiểu thuyết văn xuôi đầu tiên, mà ông gọi là tả chân "Ai làm được" vào năm 1912. Và sau này khi viết Chúa tàu Kim Quy, Thầy Thông ngôn, Ý và tình, ông còn trở về đây nữa. Trong thi phẩm Hoạ bài “Hoài hữu”, ông có nói về tâm trạng của mình khi đến nơi này:

Ham vui lạc bước đến Cà Mau

Trời biển đâu đâu cũng một màu

Phong trào bóng đá và quần vợt cũng đã xuất hiện và thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là tầng lớp thượng lưu. Các nhà chơi thể thao đá banh, quần vợt và các hội viên hội đoàn thể thao cũng là những người thích sinh hoạt sân khấu, đôi khi tổ chức và đóng vai trong tuồng cải lương.

Vào năm 1938, lực lượng cách mạng cũng đã thành lập gánh hát bội pha cải lương lấy tên Phước Thành. Gánh hát hoạt động chung quanh thị trấn Cà Mau và các huyện để làm nhiệm vụ liên lạc.

Sinh hoạt văn hoá tâm linh tại thị trấn Cà Mau cũng được người dân chú trọng. Nhiều đình, chùa, miếu xây dựng trước đó được trùng tu và xây mới như: Miếu Thần Minh, Chùa Ông Bổn, chùa Bà Thiên Hậu, Nhà thờ Bảo Lộc, Chùa Cô Hồn, Chùa Phật Tổ, Chùa Tịnh Độ, vùng ven thị trấn có đình Tân Hưng…

Thời kỳ này, đông đảo người Hoa tập trung kinh doanh mua bán tại khu vực ven sông đối diện Chùa Bà Thiên Hậu, tạo nên khu chợ sầm uất “trên bến dưới thuyền” với nhiều loại hình dịch vụ và hàng hoá khác nhau. Nhiều tiệm thuốc bắc ra đời và được nhiều người biết đến như: Huê Tường Đường, Tường Thạnh, Bảo An Đường, Đồng Đức Đường, Phục Sanh Đường, Thiên Nhiên Đường, Trường Sanh Đường, Ngươn Thọ Sanh và tiệm thuốc bắc lớn nhất Cà Mau lúc bấy giờ là Hoà Sanh Đường.

Cuối thập niên 1920, cùng với hệ thống đường thuộc địa, đường tỉnh và đường liên tỉnh trên toàn xứ Nam Kỳ đã được xây dựng hoàn chỉnh, các đường thôn quê cũng được cải tạo, tu bổ thuận tiện cho việc đi lại của các loại xe cỡ nhỏ và xe thô sơ. Do đó, ngày 27/12/1929, Thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định phân loại lại đường làng và đường nông thôn, thay thế Nghị định ngày 8/3/1919 và xếp theo thứ tự riêng từng tỉnh, trong đó đường làng ở Cà Mau là Đường số 2 gồm các đường phố ở trung tâm Cà Mau. Các đường phố tại quận lỵ Cà Mau, gồm 14 đường: Quái Boutonnet, Quái Le Trật, Quái Denys, Boulevard Cognacq, Rue Plantie’, Rue de Lourme, Boulevard de I’Ecole, Rue de I’Infirmerie, Rue Oblique, Route Cà Mau - Rạch Giá, Route circulaire, Rue de I’Ecole Centrale, Rue du côté Est du Marché, Rue du côté Ousest du Marché (*). Hiện nay, những con đường này đều nằm ở khu vực trung tâm Phường 2.

Để kết nối khu vực phía Đông với phía Tây thị trấn Cà Mau, năm 1940, Pháp cho xây chiếc cầu Quay trên rạch Quản Lộ. Vị trí của cây cầu này hiện nay là cầu Phan Ngọc Hiển nối Phường 5 với Phường 2 và Phường 4.

Phải đến nửa thế kỷ sau kể từ khi tuyến xe đò đầu tiên khai trương ở Sài Gòn (ngày 23/9/1885), Cà Mau mới có tuyến xe đò về đến nội thị bằng nghị định ngày 15/12/1936. Nghị định này cho phép ông Lê Văn Giáo, ngụ tại trung tâm thị tứ Sóc Trăng chạy xe ô-tô khách tuyến Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau và cho phép bà Tạ Thị Ên ở Khánh Hưng, Sóc Trăng cũng chạy xe ô-tô khách cùng tuyến. Đây được xem là tuyến xe đò đầu tiên ở Cà Mau.

Tuyến Cà Mau - Sài Gòn phải đợi đến nghị định ngày 11/1/1937. Nghị định này cho phép Nguyễn Ngọc Châu ở thị xã Cần Thơ sử dụng một xe ô-tô khách, mỗi ngày một chuyến trên tuyến Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cần Thơ - Vĩnh Long - Chợ Lớn - Sài Gòn và ngược lại.

(*) Nghị định số 1323-HCSV ngày 12/5/1955 của Đại biểu Chính phủ tại Nam Việt đổi tên các đường trên đây sang tiếng Việt, như sau: 1. Bến Lê Lợi, 2. Bến Gia Long, 3. Bến Quang Trung, 4. Đại lộ Ngô Quyền, 5. Trần Hưng Đạo, 6. Lý Bôn, 7. Đại lộ Lý Thái Tôn, 8. Hoàng Diệu, 9. Đề Thám, 10. Đường Cà Mau - Rạch Giá, 11. Nguyễn Hiền Năng, 12. Phan Đình Phùng, 13. Trưng Trắc, 14. Trưng Nhị.

Hoàng Hải

Tìm hiểu “hội chứng màn hình xanh”

Ngày nay, công nghệ đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, nhưng mặt trái của nó cũng dần lộ diện với những vấn đề tâm lý ngày càng phổ biến trong giới trẻ. Một trong số đó là “hội chứng màn hình xanh”, đây không phải là một khái niệm chính thức trong y khoa, nhưng nó đang được dùng để mô tả những hệ luỵ về sức khoẻ tâm lý và thể chất khi thời gian sử dụng các thiết bị điện tử vượt quá giới hạn.

Tỉnh đoàn trao quà tết công nhân trên công trình cao tốc Cần Thơ – Cà Mau

Chiều nay (13/1), Tỉnh đoàn Cà Mau tổ chức đoàn đến thăm, trao suất quà tết và 15 bao lì xì cho lực lượng công nhân thuộc Công ty Cổ phần Hải Đăng, TP Hồ Chí Minh, đơn vị đang thi công trên công trình cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, đoạn qua huyện Thới Bình.

Tết ấm cho người có công

Trong năm qua, huyện U Minh huy động mọi nguồn lực xã hội để chăm lo người có công, thân nhân thờ cúng liệt sĩ, gia đình chính sách. Chương trình hỗ trợ nhà ở cho những đối tượng này nhân đôi niềm vui khi Tết đang gần kề.

Nét đẹp truyền thống Việt

Mừng thọ, chúc thọ các bậc cao niên từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về. Ðây là dịp để con cháu thể hiện lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; xã hội thể hiện sự tôn kính đối với những “cây cao bóng cả”; đồng thời, gắn kết tình làng nghĩa xóm. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ về sự hiếu kính đối với đấng sinh thành.

Người truyền cảm hứng

Tốt nghiệp THPT năm 2008, cậu học trò Nguyễn Quốc Toản đăng ký thi vào Trường Ðại học Sư phạm Cửu Long, chuyên ngành Công nghệ thông tin. Năm 2011, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi, thầy được Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện U Minh phân công giảng dạy tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh. Ðến năm 2014, thầy chuyển về Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Khánh Lâm, huyện U Minh cho đến nay.

Chung một tấm lòng san sẻ yêu thương

Sáng 12/1, Hội Từ thiện tỉnh Cà Mau tổng kết hoạt động năm 2024 và đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Không để ngộ độc thực phẩm

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các loại sản phẩm sử dụng nhiều dịp Tết. Ðể đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở đã gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Do vậy, để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) dịp Tết, Ðoàn Kiểm tra liên ngành tỉnh đã bắt đầu tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh về vấn đề ATTP, nhằm đảm bảo sức khoẻ người tiêu dùng, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm dịp Tết.

Xuân ấm áp cho người dân Đất Mũi

Tiếp tục chuỗi chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” tại các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 11/1, chương trình tiếp tục mang hơi ấm mùa xuân đến với người dân tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, với nhiều hoạt động vui xuân, cùng những phần quà ý nghĩa.

Sacombank Chi nhánh Cà Mau trao 550 phần quà “Ấm tình mùa xuân”

Hoạt động này là một phần trong chiến dịch “Ấm tình mùa xuân” lần thứ 22, diễn ra từ ngày 6-19/1, với tổng kinh phí 10 tỷ đồng, hướng đến các hộ nghèo và gia đình gặp khó khăn trên toàn quốc, đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Tây Nam Bộ.

Ðô thị văn minh nơi cửa biển

"Thị trấn Sông Ðốc đã hoàn thành 9 tiêu chí, 52/52 nội dung đô thị văn minh (ÐTVM) và trở thành đô thị thứ 2 của huyện Trần Văn Thời chính thức được công nhận ÐTVM. Ðây là kết quả từ sự quan tâm của lãnh đạo huyện, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; sự chung sức, đồng lòng của Nhân dân trên địa bàn thị trấn”, ông Võ Quốc Thống, Bí thư Ðảng uỷ thị trấn Sông Ðốc, phấn khởi chia sẻ.