ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 07:51:27
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Thị trường hàng hóa đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân trong mùa dịch

Báo Cà Mau (CMO) Từ chiều ngày 27/3, khi Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải ban hành Chỉ thị hoả tốc số 03 đề ra các giải pháp quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, trong đó bắt đầu từ 0 giờ ngày 28/3/2020 đến hết ngày 15/4/2020 tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, các hoạt động tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thiết yếu phục vụ nhu cầu cấp thiết cho cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, do một số người ngộ nhận và hiểu chưa đúng cho rằng các chợ sẽ nghỉ bán, cửa hàng bách hóa sẽ đóng cửa nên người dân tăng cường đi mua hàng hóa tại các chợ, các cửa hàng để tích trữ. Do vậy lượng hàng hóa tiêu thụ tại chợ, Co.op Food Cà Mau, …tăng gấp 2, gấp 3 lần ngày thường.

Thị trường hàng hóa ổn định

Sau khi Chỉ thị 03 được ban hành thì lượng khách mua sắm tại chợ phường 5 tăng cao vào ngày 28 và 29/3, khi đó mỗi người dân phải gởi xe đều được Ban quản lý chợ tuyên truyền không nên dự trữ hàng hóa nhiều và nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi đi mua sắm. Đến sáng nay, ngày 31/3 thì lượng khách hàng đã ổn định, không còn đông như 2 ngày trước, ông Bùi Văn Oai, Ban quản lý chợ phường 5 cho biết.

Mặc dù Chỉ thị 03 không cấm chợ hoạt động nhưng có nhiều người còn ngộ nhận chợ sẽ tạm nghỉ bán, cô Nguyễn Thị Xuân Nguyên, bán rau củ trong chợ phường 5 cho biết: Thỉnh thoảng lại có người mua hàng hỏi cô có phải chợ sắp tạm nghỉ bán 2 tuần không?. Ở một diễn biến khác, một số tiểu thương tự giác nghỉ bán trong thời gian lệnh "giới nghiêm" để phòng dịch Covid-19.

Tiểu thương và người dân tại chợ phường 5 đều thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi công cộng

Chủ cửa hàng bách hóa Kim Loan, phường 7, Tp. Cà Mau, ông Trần Minh Trí cho biết: Tôi có nghe đến Chỉ thị 03 của Chủ tịch UBND tỉnh, theo chỉ thị thì các cửa hàng bách hóa vẫn buôn bán bình thường, hiện giá cả hàng hóa vẫn ổn định nhưng 3 ngày nay người dân mua sắm hàng hóa dự trữ nhiều hơn, lượng hàng hóa tiêu thụ tăng cao.

Quản lý Co.op food phường 5, Tp. Cà Mau Diệp Thành Tài cho biết: Sau khi thường ngày lượng tiêu thụ thực phẩm thịt, rau, củ quả tại Co.op food khoảng 500 kg nhưng 3 ngày nay mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1 tấn. Anh Tài cho biết hiện giá cả hàng hóa vẫn ổn định, hàng hóa cung cấp đảm bảo đủ nhu cầu mua sắm của người dân.

Phó Giám đốc Sở Công thương Cà Mau Dương Vũ Nam cho biết: Theo báo cáo của các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ lớn trên địa bàn tỉnh, hàng hóa cung ứng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu khách hàng, giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, có một số mặt hàng khách đến mua với sản lượng tăng hơn so với trước, như trứng, mì gói, hủ tiếu, khẩu trang thông thường, nước sát khuẩn,...

Để đảm bảo nhu cầu mua sắm của người dân, Ban Chỉ đạo ứng phó tình hình dịch Covid-19 của ngành Công thương tỉnh Cà Mau yêu cầu các siêu thị, doanh nghiệp phân phối, kinh doanh hàng hóa trong thời gian tới có kế hoạch dự trữ hàng hóa hợp lý, đảm bảo đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Lượng hàng hoá dự trữ thường xuyên theo một số doanh nghiệp báo cáo như: Thương nghiệp Cà Mau khoảng 200 tỷ đồng; Co.opmart Cà Mau khoảng 30 tỷ đồng/ngày; hệ thống Bách hóa Xanh khoảng 9 tỷ đồng; hệ thống Vinmart khoảng 15 tỷ đồng; Công ty xăng dầu Cà Mau khoảng 22 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Xăng dầu Hiền Đức khoảng 3,5 tỷ đồng. Tổng hàng hóa dự trữ khoảng 279,5 tỷ đồng/ngày cơ bản đảm bảo những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Kịch bản ứng phó 5 cấp độ 

Mặc dù hiện giá cả hàng hóa vẫn ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân nhưng để chủ động trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, ngành Công thương Cà Mau đã lên phương án kiểm soát, bình ổn thị trường; đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu đáp ứng với từng cấp độ diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19, kể cả khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Theo phương án ứng phó có 5 cấp độ: Cấp độ 1 là có trường hợp dịch bệnh xâm nhập, nhưng chưa có ca bệnh xác định trên địa bàn tỉnh; cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trong địa bàn tỉnh; cấp độ 3 là khi dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, có khoảng 5 trường hợp mắc trên địa bàn tỉnh;…

 

Lượng hàng hóa tiêu thụ tại Co.op food phường 5 tăng gấp đôi so với trước đây

Ông Dương Vũ Nam cho biết: Theo kịch bản ứng phó, đối với từng cấp độ sẽ có giải pháp riêng. Như đối với cấp độ 1, có trường hợp dịch bệnh xâm nhập, chưa có ca bệnh xác định trên địa bàn tỉnh. Khi đó, người dân thay đổi thói quen từ mua sắm hàng ngày sang mua sắm tập trung, đặc biệt những ngày cuối tuần, có xuất hiện tình trạng thu gom, tích trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phòng chống dịch…; gây khan hiếm cục bộ một số thời điểm, chủ yếu ngày cuối tuần. Đồng thời sẽ xuất hiện một số đối tượng lợi dụng tình hình phức tạp, tăng cường tích trữ, đầu cơ, găm hàng, tung tin đồn thất thiệt, nâng giá bán bất hợp lý để trục lợi; góp phần làm tình hình thị trường diễn biến phức tạp.

Khi đó Sở Công thương chủ động phối hợp với các đơn vị bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục. Đồng thời, chủ động phối hợp Sở Thông tin & Truyền thông, cơ quan báo đài liên tục đưa tin chính xác về diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa của tỉnh, không để phát tán tin đồn thất thiệt, giúp người dân yên tâm, không thu gom, tích trữ. 

Sở Công thương phối hợp Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; không để phát sinh tình trạng trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi. Phối hợp UBND các huyện, Tp. Cà Mau chỉ đạo các đơn vị liên quan, tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, kiểm soát; không để phát tán tin đồn thất thiệt, phát sinh tình trạng đầu cơ, găm hàng, trục lợi.

Đối với doanh nghiệp bình ổn thị trường, nhà phân phối chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa vượt 20% - 30% so với ngày thường; sẵn sàng cung ứng kịp thời đến điểm bán bình ổn thị trường, các hệ thống phân phối. Tăng cường bán hàng thông qua kênh phân phối thương mại điện tử. Chủ động tăng cường nhân sự, liên tục đưa hàng lên kệ, tăng thời gian phục vụ… đặc biệt vào các ngày cuối tuần. Dự báo nhu cầu tiêu dùng, làm việc với nhà cung ứng, chủ động nguồn hàng trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng diễn biến phức tạp, ông Dương Vũ Nam khuyến cáo người dân nên chuyển đổi hình thức mua sắm qua điện thoại, mua hàng qua mạng, đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp, nhà phân phối, các cơ sở kinh doanh đẩy mạnh triển khai chương trình bán hàng qua thương mại điện tử, điện thoại, thực hiện tốt việc vận chuyển, giao hàng an toàn./.

Hồng Phượng