(CMO) Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ hạn hán đến mưa, bão; ngập úng, sụp lún đất làm hư hỏng nhiều công trình công cộng, nhà cửa và tài sản của người dân, ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 1.067 tỷ đồng.
Trong đó, hạn hán làm cho 20.851 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 43.583 ha rừng bị khô hạn với nguy cơ cháy rừng cấp V, cấp báo động cao nhất. Mưa dông làm sập và tốc mái 859 căn nhà; ảnh hưởng 43.460 ha lúa, thiệt hại 35.638 ha; thiệt hại trên 578 ha hoa màu, 408 ha cây ăn trái; 20.512 ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, trong đó thiệt hại 16.557 ha do ngập bờ làm tôm, cá tràn ra sông.
Ngoài ra, mưa lớn kết hợp với chiều cường dâng cao làm ngập 470 km kênh, lộ giao thông nông thôn và đường Hồ Chí Minh, đoạn qua địa bàn huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Đặc biệt, do ảnh hưởng của bão chồng bão số 6, 7 và 8 làm cho 24 tuyến đường trong nội ô thành phố Cà Mau bị ngập sâu trong nước, hư hỏng nặng, ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân.
Trên 35 ngàn ha lúa bị thiệt hại, trong đó có 2.731 ha bị thiệt hại trắng
Đặc biệt, tình trạng sạt lở đất ven biển, rừng phòng hộ thường xuyên xảy ra với chiều dài 105 km ở cả bờ biển Đông và Tây, 1.367 vị trí trên nhiều tuyến đường giao thông làm hư hỏng trên 46 km lộ giao thông nông thôn, trong đó có 371m đường do cấp tỉnh quản lý.
Nghiêm trọng hơn là sụp lún 2 đoạn trên đê biển Tây, đoạn Cống Đá Bạc – Kênh Mới với chiều dài 240m; đoạn Kênh Mới – Tiểu Dừa với tổng chiều dài 9.160m. UBND tỉnh đã quyết định công bố 2 tình huống khẩn cấp về sạt lở đê biển Tây vào các ngày 26/8/2020 và 21/10/2020. Đồng thời trên tuyến đê biển Tây, đoạn từ cống Hương Mai đến Tiểu Dừa, thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh đã xuất hiện nhiều vết nứt, sụp lún từ 60 – 120 mm với chiều dài 1,6 km, đe dọa sụp lún tuyến lộ trên mặt đê.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, thiên tai còn làm mất tích 11 người trên biển, đã tìm thấy 9 người, trong đó 4 người được cứu sống, 5 người chết, hiện còn 2 người vẫn chưa tìm thấy./.
Trung Đỉnh