Thực hiện kế hoạch của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND huyện Cái Nước về việc nhân rộng Mô hình tổ chức hoạt động ngoại khoá năm 2023, ngày 1/10, Bảo tàng tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện Cái Nước tổ chức hoạt động ngoại khoá tại Di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá Nhà Thể (ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú).
Theo đó, đoàn gồm các đơn vị: huyện Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời và Đầm Dơi cùng hơn 200 học sinh, thầy cô giáo Trường THCS Trần Quốc Toản (xã Thạnh Phú).
Cô trò Trường THCS Trần Quốc Toản được chị Lê Cẩm Nhung, thuyết minh Bảo tàng tỉnh Cà Mau thông tin về Bia kỉ niệm Khu Căn cứ Tỉnh uỷ Bạc Liêu (nay là Cà Mau – Bạc Liêu) giai đoạn 1938 – 1940 tại ấp Trần Độ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.
Thầy Nguyễn Huy Thục, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản, phấn khởi cho biết: “Chương trình ngoại khoá này rất có ý nghĩa, tạo điều kiện để các thầy cô giáo, các bạn đoàn viên, thanh niên, các em học sinh được tiếp cận và hiểu sâu hơn về nội dung, giá trị lịch sử của các tư liệu, hình ảnh về sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan đến di tích Căn cứ Tỉnh uỷ tại Lung Lá Nhà Thể, những thông tin về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Văn Thời... Qua đó, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ”.
Các em học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản tìm hiểu nội dung, sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan đến di tích Căn cứ Tỉnh uỷ Lung Lá Nhà Thể qua lời giới thiệu của chị Thảo Anh, nhân viên thuyết minh Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện Cái Nước.
Tìm hiểu chủ quyền biển đảo với chủ đề “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” thông qua hình ảnh, tư liệu, bản đồ.
Không chỉ các em học sinh, các thầy cô giáo đến từ các huyện: Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Đầm Dơi rất thích thú khi tham gia chương trình này.
Cô Trần Hồng Lập, giáo viên Trường THCS thị trấn Năm Căn, chia sẻ: “Đến với chương trình hoạt động ngoại khoá lần này, ngoài việc tìm hiểu về di tích lịch sử Lung lá Nhà thể, tôi rất thích các hoạt động bổ trợ nhằm củng cố kiến thức về chủ quyền biển đảo “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những nhân chứng lịch sử và pháp lý”, đồng thời rèn luyện kỹ năng mềm, phục vụ nhu cầu giảng dạy để truyền đạt cho các em học sinh về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia của chúng ta”.
Các hoạt động trò chơi dân gian, giải ô chữ, rung chuông vàng, tìm hiểu về chủ quyền biển đảo của Việt Nam và những bằng chứng lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa diễn ra sôi nổi, hào hứng.
Huỳnh Lâm