(CMO) Theo Sở Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh), để tăng cường vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, góp phần nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, cũng như thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp quan trọng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Chú trọng kiểm tra và hậu kiểm tra
Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã xây dựng và triển khai thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn, tập trung vào những cao điểm như lễ, Tết, tháng hành động ATTP. Chú trọng công tác kiểm tra, hậu kiểm về ATTP trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần quan trọng vào những kết quả tích cực trong đảm bảo ATTP, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng.
Trên địa bàn tỉnh, hiện hơn 11.700 cơ sở thực phẩm được quản lý. 6 tháng đầu năm, ngành chức năng tổ chức hơn 3.400 lượt kiểm tra, phát hiện hơn 430 cơ sở vi phạm. Đã xử lý nhắc nhở 424 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 7 cơ sở với số tiền 14 triệu đồng.
Sở Y tế giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thực hiện thường xuyên, liên tục việc kiểm nghiệm mẫu thực phẩm nhằm đảm bảo tính an toàn của sản phẩm cũng như cảnh báo đến người tiêu dùng những sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Theo đó, tổng số mẫu gửi xét nghiệm và đạt là 15/15 mẫu. Tổng số xét nghiệm nhanh 3.287 mẫu, số đạt 2.806 mẫu, số không đạt 481 mẫu. Đối với mẫu có kết quả test nhanh không đạt, phía ngành cũng đã gửi văn bản phối hợp xử lý, cảnh báo nguy cơ mất ATTP đến trung tâm y tế các huyện và TP Cà Mau; yêu cầu các trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở, kiểm tra các nhóm sản phẩm test không đạt trên địa bàn phụ trách.
Bên cạnh những kết quả tích cực, theo đánh giá của ngành chức năng, trong hoạt động kinh doanh vẫn còn những nguy cơ cao gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu không có giải pháp và quản lý chặt chẽ sẽ dễ phát sinh rủi ro, ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra ATTP tại chợ Phường 7, TP Cà Mau. (Ảnh chụp tháng 3/2022). |
Ông Nguyễn Minh Sơn, Chánh Thanh tra Sở Y tế, cho biết, vấn đề được nhiều người quan tâm là sự nở rộ của sản phẩm thức ăn chế biến sẵn, thực phẩm nhà làm, thực phẩm tự cung tự cấp bán ở các chợ, thức ăn đường phố; những cơ sở nhỏ lẻ không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên không cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Thực tế cho thấy, dù những người bán các sản phẩm ăn uống chế biến sẵn, thực phẩm nhà làm, thực phẩm tự cung tự cấp bán ở các chợ, thức ăn đường phố, những cơ sở nhỏ lẻ luôn cam kết về nguồn nguyên liệu, quy trình chế biến, bảo quản; người mua chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào lời quảng cáo cũng như sự trung thực của người bán, song không phải người bán nào cũng giữ đúng cam kết của mình. Vì thế, không ít sản phẩm đến tay người tiêu dùng chất lượng không như quảng cáo, người chế biến các món ăn ít nhiều cũng phải mua nguyên liệu ngoài thị trường chứ không thể tự làm hoàn toàn.
"Trước nguồn cung đa dạng về chủng loại cũng như giá cả, không ít người vì lợi nhuận hoặc để giảm giá thành sản phẩm đã mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hoặc dù nguyên liệu bảo đảm chất lượng nhưng quá trình chế biến cũng như bảo quản không thực hiện đúng quy trình hay bảo đảm tiêu chuẩn khiến sản phẩm làm ra bị nhiễm khuẩn, gây hại cho người sử dụng. Do đó, ATTP cần được quản lý nghiêm ngặt không chỉ với các cơ sở kinh doanh có đăng ký mà còn cả với các cá nhân, hộ gia đình nhỏ lẻ kinh doanh tự phát", ông Sơn cho biết thêm.
Cần sự chung tay của người tiêu dùng
Nhằm đảm bảo tính hiệu quả cao nhất trong đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP tỉnh sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương cũng như đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Theo đó, sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm và Nhân dân về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong quản lý ATTP, vận động Nhân dân tích cực tham gia đăng ký, cam kết sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm an toàn.
Tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra chất lượng ATTP các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường thực hiện việc tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng, chỉ đạo lực lượng tăng cường nắm chặt tình hình; chủ động phối hợp thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm hành chính những trường hợp vi phạm pháp luật về ATTP, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tăng cường công tác phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc phân tích, kiểm nghiệm về ATTP. Tăng cường lấy mẫu giám sát ATTP theo kế hoạch, tập trung vào các mẫu có khả năng kém chất lượng, nguy cơ mất ATTP cao và xử lý theo đúng quy định. Định kỳ, đột xuất thu mẫu thực phẩm lưu thông trên địa bàn tỉnh để thử nghiệm các chỉ tiêu chất lượng; thông tin kết quả đến các cơ quan quản lý có liên quan và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm để có những biện pháp quản lý tốt hơn.
Thời gian tới, địa phương sẽ tập trung nhiều giải pháp trong đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó chú trọng kiểm tra và hậu kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Minh Sơn, để giải quyết vấn đề ATTP hiện nay, cần sự đồng bộ 3 giải pháp: cơ chế, chính sách; kinh tế, xã hội; khoa học công nghệ; cũng như hành động từ phía Nhà nước, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng. Trong đó, về phía quản lý Nhà nước, cần đề ra những chính sách nhằm ngăn chặn các sản phẩm, thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta gây những ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người dân. Các cơ quan thẩm quyền liên quan cần phải tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động vật; trồng trọt; cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm…), xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng vi phạm ATTP. Thậm chí, nếu người sản xuất để xảy ra hậu quả nghiêm trọng do không tuân thủ các quy định về ATTP, cần đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự trước pháp luật.
Về phía nhà sản xuất, kinh doanh, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, cần phải có những biện pháp để hỗ trợ sản xuất sạch phát triển; bảo đảm ATTP theo đúng các tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Nâng cao đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh; tránh vì lợi ích riêng hay mục đích lợi nhuận mà gây ảnh hưởng xấu đến phía người tiêu dùng cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.
"Để bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng các sản phẩm thực phẩm nên là người tiêu dùng thông thái, kiên quyết chỉ lựa chọn những nhà cung cấp tin cậy, uy tín, có chứng nhận của cơ quan chức năng. Người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hoá, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm. Người dân cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng gây những ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ. Người tiêu dùng có trách nhiệm báo cáo, phản ánh những hành vi vi phạm ATTP đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kịp thời giải quyết; cần phát huy tính chủ động, sớm phát hiện, cảnh báo, tố cáo những cá nhân hoặc cơ sở kinh doanh vi phạm các quy định về ATTP; tránh tâm lý ngại ngần, cho qua", ông Sơn khuyến cáo./.
Văn Đum