(CMO) Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, những tháng đầu năm nay dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) và tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu gia tăng. Tính riêng trong quý I có 359 ca SXH, tăng 187,2% so với cùng kỳ (125 ca); 302 ca TCM, tăng 75 lần so với cùng kỳ (4 ca).
Tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, những tháng đầu năm, tình hình dịch SXH và TCM tăng cao so với cùng kỳ. |
Bác sĩ CKII Huỳnh Thuý Hằng, Trưởng khoa Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “SXH và TCM là hai bệnh nhiễm trùng cấp tính đang tăng cao và có diễn biến rất nhanh. Ðối với bệnh TCM, bệnh nhân có thể tử vong từ ngày thứ 3-5 nếu xảy ra biến chứng mà không được can thiệp; đối với bệnh SXH, có thể tử vong từ ngày 4, 5, 6. Do đó, đòi hỏi các bệnh viện, cơ sở y tế cần có kinh nghiệm thu dung, điều trị tốt để góp phần giảm tỷ lệ tử vong đối với các loại bệnh này”.
Ðược biết, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau là bệnh viện hạng 2 tuyến tỉnh, có 4 khoa tham gia điều trị SXH, TCM gồm: Khoa Khám bệnh, Khoa Truyền nhiễm, Khoa Cấp cứu Nhi, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc. Bệnh viện này cũng là tuyến cuối để điều trị SXH theo phân tuyến của Bộ Y tế.
Thời gian qua, Bệnh viện Sản - Nhi đã triển khai các biện pháp điều trị có hiệu quả bệnh SXH và TCM như: tổ chức sàng lọc, thu dung điều trị; chuẩn bị nhân lực, huấn luyện và thành lập các tổ chuyên gia; xây dựng phác đồ điều trị, quy trình, lưu đồ được cập nhật thường xuyên; hội chẩn xin ý kiến chuyên gia những ca bệnh nặng; chuẩn bị thuốc và trang thiết bị y tế; báo cáo dịch đầy đủ, cảnh báo bệnh, dịch bệnh.
Trong đó, công tác sàng lọc và thu dung điều trị tại bệnh viện được thực hiện rất nhiều năm, đã xây dựng các phác đồ, quy trình để các khoa tổ chức thu dung điều trị. Các khoa có bố trí các phòng cách ly cho bệnh nhân truyền nhiễm nằm. Ðồng thời, ở Khoa Cấp cứu Nhi, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc tham gia điều trị bệnh nặng, do đó các ca bệnh được tiên lượng nặng, diễn biến nhanh, khó đều được đưa về đây rất sớm để theo dõi sát và can thiệp kịp thời, tránh bỏ sót.
Bác sĩ CKII Huỳnh Thuý Hằng chia sẻ: “Ðể giảm tử vong ở bệnh SXH, chúng ta phải chẩn đoán sớm, điều trị đúng phác đồ, tăng cường hội chẩn, nếu có chuyển viện thì phải bảo đảm an toàn. Còn đối với bệnh TCM, chúng ta phải nhận biết sớm dấu hiệu bệnh, nếu xác định bị TCM phải theo dõi, phát hiện sớm biến chứng. Quan trọng trong điều trị thành công ca TCM là nhận diện sớm biến chứng và điều trị đúng phác đồ. Do đó, bác sĩ phải biết những thời điểm vàng để can thiệp kịp thời, đừng để bệnh nhân rơi vào biểu hiện thần kinh thực vật, suy hô hấp, suy tuần hoàn thì rất khó cứu”.
Ðể làm được điều đó, bệnh viện còn thành lập nhóm điều trị SXH, TCM bao gồm các bác sĩ có kinh nghiệm trong điều trị để giúp đỡ ê kíp trực điều trị. Khi có nghi vấn bệnh SXH, TCM, bệnh viện tổ chức hội chẩn với chuyên gia, hội chẩn khoa, hội chẩn nhóm điều trị, hội chẩn bệnh viện và hội chẩn với tuyến trên là Bệnh viện Nhi Ðồng TP Hồ Chí Minh hoặc Bệnh viện Nhi Ðồng 1 bằng các hình thức: gọi trực tiếp cho tuyến trên hoặc trực lãnh đạo thấy hình ảnh bệnh nhân; mời hội chẩn trực tiếp hoặc mời các đồng nghiệp có kinh nghiệm để hỗ trợ.
Mặt khác, tại bệnh viện, ngoài trực lãnh đạo còn có 1 bác sĩ trực thường trú nhi, thường trú sản, đặc biệt là các trưởng khoa hoặc các bác sĩ có kinh nghiệm luôn hỗ trợ kịp thời cho ê kíp trực. Còn đối với tuyến trên thì trong giờ hành chánh có thể hội chẩn trực tiếp với Trưởng khoa Cấp cứu, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi Ðồng 1; ngoài giờ thì gọi bác sĩ trực của bệnh viện.
Chính nhờ sự hỗ trợ lẫn nhau này, giai đoạn vừa qua đã giúp đỡ rất nhiều trong điều trị SXH, TCM ở bệnh viện. Riêng trong năm 2022, bệnh viện điều trị nội trú 597 ca SXH và 1.058 ca TCM, tỷ lệ chuyển tuyến và tử vong là 0%; từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị 88 ca SXH và 121 ca TCM, không có ca chuyển tuyến và tử vong.
Tuy nhiên, để đảm bảo công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất, Bác sĩ CKII Huỳnh Thuý Hằng đề nghị: "Cần có các chế phẩm máu tại chỗ như: huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh, tiểu cầu. Bởi hiện tại khi cần, bệnh viện phải mất ít nhất 6 giờ mới có được. Ngoài ra, thuốc điều trị cần được cung ứng liên tục hơn, nhất là đối với bệnh nhân dùng bảo hiểm, để tránh phát sinh chi phí cao, bệnh nhân không có khả năng chi trả”./.
Quách Nguyên