“Sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh còn khá khiêm tốn so với các tỉnh khác; chưa có được sản phẩm 5 sao. Mặc dù có hỗ trợ các chủ thể nâng hạng sao nhưng vẫn chưa đạt so với mong đợi”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhìn nhận tại Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP năm 2023, chiều 25/1.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, thành công của Chương trình OCOP phụ thuộc rất lớn vào quá trình chuyển biến từ nhận thức thành hành động cụ thể, cũng như trách nhiệm trong điều hành, chỉ đạo của các cấp, các ngành.
Bên cạnh đó, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử, qua đánh giá của các doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn tại các hội nghị thì sản phẩm của tỉnh chưa có hồ sơ quản lý chất lượng khi vào hệ thống phân phối. Công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh chưa triển khai sâu rộng. Về quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, thiết bị máy móc, công nghiệp trong sản xuất, thì chưa có chủ thể nào đáp ứng được các đơn hàng lớn.
“Đây là vấn đề lớn cần được quan tâm trong thời gian tới. Các địa phương cần tiến lên sản xuất công nghiệp tại các làng nghề. Dù là làng nghề truyền thống nhưng muốn đạt được những tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, về mẫu mã, bao bì thì phải đi lên con đường sản xuất công nghiệp. Không đi lên sản xuất công nghiệp thì các chủ thể khó có thể tạo được quy mô sản lượng và đưa sản phẩm lên 5 sao, không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Theo ông Phan Tấn Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, nhiều chủ thể thiếu nguồn vốn đối ứng nên công tác hướng dẫn, đầu tư còn còn gặp nhiều khó khăn.
Năm 2023, Cà Mau có 31 sản phẩm mới đạt 3 sao (30 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm; 1 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, trang trí); 26 sản phẩm đạt 4 sao (gồm 21 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và 5 sản phẩm mới), trong đó có 24 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 2 sản phẩm thuộc ngành đồ uống. Có 33 chủ thể OCOP, trong đó có 7 công ty/doanh nghiệp, 13 HTX, 13 hộ kinh doanh.
Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 156 sản phẩm được công nhận (124 sản phẩm đạt 3 sao và 32 sản phẩm đạt 4 sao), nhưng đến nay chỉ còn 138 sản phẩm được công nhận (109 sản phẩm đạt 3 sao, 29 sản phẩm đạt 4 sao), nguyên nhân do 18 sản phẩm đã hết hạn công nhận sản phẩm OCOP.
Tại hội nghị, đại diện các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã tham luận ghi nhận, đánh giá cao sự phối hợp, hỗ trợ của các đơn vị chủ quản trong việc hỗ trợ các chủ thể xây dựng sản phẩm OCOP; hiệu quả kinh tế, xã hội sau khi được công nhận sản phẩm OCOP; đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện Chương trình OCOP.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định tặng Bằng khen cho 9 tập thể, 12 cá nhân, 7 chủ thể có thành tích xuất sắc trong triển khai Chương trình OCOP. Ảnh: Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trao bằng khen.
Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhấn mạnh, tỉnh xác định việc thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Thành công của Chương trình phụ thuộc rất lớn vào quá trình chuyển biến từ nhận thức thành hành động cụ thể, cũng như trách nhiệm trong điều hành, chỉ đạo của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
“Từng địa phương cần đưa ra phương hướng phù hợp với địa phương mình trong từng giai đoạn; không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; không chạy theo thành tích, mà phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm, khai thác các yếu tố tích hợp đa giá trị vào sản phẩm hàng hóa”, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ.
Hội nghị đã công bố Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao tỉnh Cà Mau năm 2024 và trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao năm 2023 cho 26 sản phẩm của 15 chủ thể.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các địa phương cần rà soát lại các sản phẩm có triển vọng cần được nâng hạng trong năm 2024, khẩn trương báo cáo về Sở NN&PTNT để có hướng hỗ trợ cho chủ thể. Phải có sự tham gia, trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện để hỗ trợ chủ thể từ khi hình thành ý tưởng, xây dựng và triển khai phương án kinh doanh; hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý chất lượng tiên tiến, chuyển đổi số... để chủ thể nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm OCOP.
Đối với chủ thể OCOP, cần nâng cao và ổn định chất lượng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất. Đầu tư đổi mới, áp dụng khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến để nâng cao chất lượng, năng suất, giảm chi phí giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Kim Cương