Thức ăn nhanh, thực phẩm đường phố tiện lợi, rẻ tiền, dễ mua, dễ tìm kiếm, màu sắc hấp dẫn và luôn sẵn có… Tuy nhiên, vấn đề chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh là điều kiện tối quan trọng đối với sức khoẻ người tiêu dùng thì cả người mua lẫn người bán đều ít quan tâm.
Chỉ cần một chiếc đẩy tự chế là thức ăn nhanh có thể xuống phố.
Lâu nay việc ăn uống ở các hàng quán vỉa hè, lề đường… đã trở thành một phần trong cuộc sống của người dân, không chỉ lao động bình dân, người có thu nhập thấp mà ngay cả cán bộ, công chức, viên chức, người làm nghề kinh doanh, buôn bán có nguồn thu nhập khá ổn định cũng có thói quen này.
Những quán cơm bình dân, xe xôi mặn, gánh bánh mì thịt nướng… sẽ rất dễ tìm thấy ở các con đường, tuyến phố tại các trung tâm đô thị từ TP Cà Mau đến các xã, thị trấn. Thức ăn đường phố luôn đa dạng, phong phú, bắt mắt với tiêu chí vừa ngon, vừa rẻ.
Anh Tô Minh Thắng, làm nghề phụ hồ tại Khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời bộc bạch: “Thu nhập của anh em phụ hồ thấp lắm, còn phải lo cho gia đình vợ, con, làm sao đủ tiền để vào các quán ăn đạt tiêu chuẩn để ăn uống hằng ngày, nên đành phải ăn tạm tại các quán vỉa hè vậy. Thức ăn ở đây cũng đa dạng, mà rẻ…”.
Thực tế cho thấy, đa số các loại thực phẩm dùng trong chế biến thức ăn nhanh được bày bán trên các vỉa hè, đường phố, tại các cổng bệnh viện, trường học, bến xe tàu… đều không qua kiểm dịch của ngành chuyên môn và phần lớn đều được thu gom với giá rẻ tại các chợ truyền thống, chợ trời sau đó được chế biến bằng các loại dầu ăn cũng không rõ nguồn gốc để bán cho người tiêu dùng.
Ngày càng có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn cả nước, có những vụ ngộ độc tập thể tại các bếp ăn tập thể của công ty, nhà máy lên đến hàng chục người, mà hầu hết là đều do nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng, không được kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh hoặc công tác quản lý chưa đúng cách.
Tại tỉnh Cà Mau vừa xảy ra vụ nghi ngộ độc thực phẩm tập thể tại một nhà máy may mặc trên địa bàn, 15 công nhân phải nhập viện điều trị. Đây là một hiện tượng hết sức đáng báo động, bởi nguy cơ ngộ độc thực phẩm luôn tiềm ẩn mức độ nguy hiểm ngay trong thức ăn, nước uống mà hằng ngày người tiêu dùng vẫn sử dụng nếu không có sự kiểm định về độ an toàn của cơ quan chức năng.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Sử, Trưởng khoa Sức khoẻ môi trường, Y tế trường học và Bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau, thông tin: “Các chất bảo quản, chất phụ gia, hoá chất, phẩm màu có trong những loại thực phẩm tại các quán ăn đường phố không ai có thể bảo đảm được về tiêu chuẩn, định lượng và về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Thêm vào đó, những loại thực phẩm bày bán ở các gánh hàng rong, quán vỉa hè đều có dư lượng muối, dư lượng đường hoặc các chất béo rất cao. Điều này sẽ gây bất lợi cho sự phát triển cơ thể của trẻ và người tiêu dùng nói chung”.
Vỉa hè trở thành nơi bày bán quán ăn nhanh.
Ông Trương Thanh Tú, Trưởng phòng công tác thanh tra Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: “Hiện nay, đối với những cửa hàng cố định đã có giấy chứng nhận và được cơ quan chức năng của tỉnh, huyện thường xuyên kiểm tra thì không đáng lo ngại. Cái khó trong công tác quản lý, kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm và kể cả việc xử phạt đó chính là những gánh hàng rong. Cứ vào giờ tan học là đủ loại đồ ăn, thức uống được bày bán trên những chiếc xe đạp, xe đẩy… xuất hiện trước cổng trường. Khi cơ quan chức năng đến, họ lại nhanh chóng di chuyển sang các địa bàn khác. Thậm chí, khi bị xử phạt, họ sẵn sàng bỏ cả phương tiện, đồ nghề để thoát thân”.
Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Cà Mau đều không có địa điểm cố định, cơ sở vật chất hạn chế. Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm rất cao trong cộng đồng. Do vậy, đòi hỏi công tác kiểm tra, quản lý, xử lý những vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống của các cơ quan chức năng cần phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới.
Phương Vũ