(CMO) Tận dụng lợi thế của nguồn nguyên liệu tại chỗ, những con tôm, ba khía hay cá sấu dần thoát khỏi số phận bị ép giá, bị mất giá trị, đầu ra bấp bênh, không ổn định. Những mô hình mới hay thương hiệu được nhiều cá nhân xây dựng, mở hướng đi mới trên vùng nguyên liệu cũ.
Năm 2014, ông Lê Minh Sang, ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân, bắt đầu tìm hướng đi mới cho con tôm tại địa bàn. Ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ vài chục ký tôm khô, nguồn tôm nguyên liệu là tôm đất, còn sống, với cách chế biến không phẩm màu, ông Sang giữ nguyên vị truyền thống của gia đình trước đây.
Chị Trần Thị Xa đang phơi mắm tôm chuẩn bị bán dịp tết. |
Nay mỗi tháng ông Sang sản xuất 300-500 kg tôm khô và khoảng 500 kg chà bông tôm. Nguồn nguyên liệu đảm bảo, chế biến truyền thống an toàn thực phẩm, từ đó thương hiệu tôm khô, tôm chà bông sông Đầm được người tiêu dùng chú ý, đầu ra đảm bảo và mang đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Ông Lê Minh Sang bày tỏ: “Chủ yếu là do kỹ thuật mình làm, cam kết chất lượng và an toàn thực phẩm, mẫu mã sạch đẹp nên người tiêu dùng tin tưởng”.
Để tôm khô sông Đầm đến gần hơn với người tiêu dùng, phần lớn nhờ vào sự quảng bá của Sở Công thương tỉnh Cà Mau, ông đã được tham gia các triển lãm và gặp gỡ các đối tác. Từ năm 2014, Sở Công thương hỗ trợ gia đình hệ thống máy sấy tôm khô đốt lò. Đến năm 2019, Trung tâm Khuyến công - Sở Công thương tiếp tục hỗ trợ gia đình thiết bị sấy tôm khô năng lượng mặt trời với kinh phí lắp đặt 300 triệu đồng. Với tính năng điều khiển được ánh sáng, nhiệt độ, mỗi lần sấy từ 10 giờ với khoảng 500 kg nguyên liệu, đã tạo điều kiện để tôm khô sông Đầm không còn bị ảnh hưởng do thời tiết, đảm bảo chất lượng, nguồn hàng hơn so với trước đây.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Dân Võ Như Toại cho biết thêm: “Sản phẩm rất gần gũi vì kinh tế của Tân Dân chủ yếu là con tôm. Xây dựng được thương hiệu, nâng được giá nên hiệu quả đem lại khá cao”.
Ông Lê Minh Sang chia sẻ: “Xây dựng thương hiệu dễ nhưng giữ rất khó, vì vậy, phải nâng cao hơn nữa chất lượng con tôm cũng như sản phẩm của mình”.
Mỗi tháng ông Sang sử dụng khoảng 4 tấn nguyên liệu, đều là nguồn tôm đất sống, chất lượng tại địa bàn. Đây là bước chuyển mình hiệu quả khi nông dân biết tận dụng lợi thế sẵn có. Khi đã tiếp cận được sự hỗ trợ của các sở, ban ngành, người nông dân, với quyết tâm làm giàu, bước đầu đặt những viên gạch vững chắc cho những thương hiệu mới.
Bắt đầu nuôi cá sấu từ năm 2011, anh Mai Nhật Nam, ấp Bến Bào, xã Quách Phẩm Bắc, nhiều lần đối mặt với nguy cơ lỗ vốn, dẹp chuồng do giá cá bấp bênh lại bị thương lái ép giá. Có sẵn nguồn nguyên liệu là cá sấu tự nuôi, từ năm 2016, anh Nam bắt đầu tìm hiểu về việc sản xuất da và các sản phẩm từ da cá sấu. Từ mày mò tìm hiểu, đến nay anh đã là chủ một cửa hàng nhỏ với đa dạng các sản phẩm thủ công từ da cá sấu, mang đến nguồn thu từ 30-40 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài nguồn cá nuôi tại gia đình, anh còn thu mua cá sấu từ các xã viên Hợp tác xã dịch vụ Kinh Giữa tại ấp. Mỗi tháng làm khoảng 10 con cá sấu, ngoài da được gửi thuộc và đặt gia công thành phẩm giày, ví, túi xách, dây nịch, thịt cá được bán tại chỗ.
Là tri thức trẻ trở về quê hương công tác, ngoài chuyên môn, vợ chồng chị Trần Thị Xa, ấp Cây Kè, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi còn tận dụng nguồn ba khía, tôm nguyên liệu tại địa bàn để sản xuất ba khía muối và mắm tôm. Khởi nghiệp từ năm 2017, ban đầu chỉ vài chục ký bán hoặc biếu tặng, đến nay mỗi tháng cơ sở nhà chị Xa sản xuất từ 500 kg đến 1 tấn ba khía muối, tuỳ vào nguồn nguyên liệu và con nước. Ba khía muối theo cách thức truyền thống, đảm bảo vệ sinh nên đầu ra ổn định. Ngoài ra, mỗi tháng gia đình còn sản xuất khoảng 200-250 kg mắm tôm. Đây không chỉ trở thành một nguồn thu ổn định đối với vợ chồng chị Xa, mà còn giúp tiêu thụ nguyên liệu cho bà con tại địa bàn, đồng thời đưa đặc sản quê hương Đầm Dơi đến gần hơn với người tiêu dùng.
Chị Trần Thị Xa chia sẻ: “Tôi liên hệ Sở Khoa học và Công nghệ đăng ký sản phẩm sạch, khách hàng có niềm tin nên an tâm sử dụng. Chớ đưa ra keo mắm trơn, không nhãn mác, người ta cũng ngại dùng”.
Nhờ nguồn nguyên liệu tại chỗ, sẵn có, bớt được các khâu trung gian từ con tôm, ba khía, hay cá sấu giúp các mô hình cạnh tranh được về giá. Đồng thời tận dụng sự phát triển của mạng xã hội, các chương trình, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, quảng bá của địa phương, những sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Từ những bước đi ban đầu thuận lợi, phát triển, các hộ tiếp tục định hướng mở rộng ngành nghề, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu. Hướng đi mới trên vùng nguyên liệu cũ, những thanh niên với đam mê khởi nghiệp, lập nghiệp đang phát triển dựa vào lợi thế sẵn có của địa phương./.
Thuỳ Mỵ