Dân gian thường ví nghề giáo giống như những người đưa đò thầm lặng, chở từng lượt khách sang sông. Người ta cũng từng hỏi: “Khách sang sông rồi có mấy ai quay lại thăm ông lái đò?”. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn có những lượt “khách” đã quay về chốn cũ, thay tay chèo của người lái đò già tiếp tục đưa thế hệ trẻ qua sông.
Dân gian thường ví nghề giáo giống như những người đưa đò thầm lặng, chở từng lượt khách sang sông. Người ta cũng từng hỏi: “Khách sang sông rồi có mấy ai quay lại thăm ông lái đò?”. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn có những lượt “khách” đã quay về chốn cũ, thay tay chèo của người lái đò già tiếp tục đưa thế hệ trẻ qua sông.
Mầm xanh từ đất khô cằn
Vào những năm 1980-1990, tình hình chung của hầu hết các trường trong tỉnh Cà Mau đều thiếu giáo viên. Thêm vào đó là điều kiện cơ sở vật chất yếu kém nên công tác dạy và học gặp rất nhiều khó khăn. Ði lên từ gian khó, nay Trường THCS HồThị Kỷ, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình được cả tỉnh nhắc đến với bề dày lịch sử truyền thống dạy và học.
Thầy Dương Văn Thới quyết tâm mang tri thức về với học trò vùng sâu, vùng xa. |
Thầy Hồ Phương Thanh, Hiệu trưởng nhà trường, là một trong những giáo viên của thế hệ đầu tiên sau khi trường thành lập. Trong hồi ức của thầy Thanh, những ngày đầu về trường là những ngày tháng gian nan mà thầy không thể nào quên được.
Sau năm 1990, Trường THCS Hồ Thị Kỷ được thành lập, tách bậc THCS và tiểu học ra thành 2 trường riêng biệt. Lúc bấy giờ, trường cũng chỉ mới có 4 phòng học, 7 lớp học và 11 giáo viên. Mùa mưa bão đến, cả thầy và trò phải chịu cảnh mưa dột, nước ngập. Học sinh đến trường phải xắn quần lên tận đầu gối, có khi bị vắt, đỉa đeo cắn; đường vào trường sậy mọc ngang đầu. Thiếu giáo án, bàn ghế không đủ, giáo viên phải ở nhờ nhà dân.
Từng bước khắc phục khó khăn, thầy trò cùng phụ huynh học sinh tự tay khiêng từng bao đất đắp sân trường, dựng từng cây cột, lợp từng mái lá. Tuy nhiên, giáo viên vẫn thiếu, tiết học của học sinh chưa được đảm bảo. Giải pháp tạm thời nhà trường buộc phải hợp đồng nhiều giáo viên từ trường khác dạy ngoài giờ, giáo viên của trường tự khắc phục bằng cách một người kiêm nhiệm nhiều môn tương đương với chuyên môn của mình; dạy thêm giờ, thêm buổi. Khó khăn không thể cản được bước chân của thầy và trò nơi đây, giáo viên vẫn cần mẫn bên trang giáo án gieo từng con chữ; học trò vẫn cắp sách đến trường.
Ngành giáo dục Thới Bình khi nhắc đến Trường THCS Hồ Thị Kỷ thì cũng không thể không nói đến Trường THCS Khánh Thới. Cũng đã trải qua biết bao nỗi gian nan trong những ngày mới thành lập. Ngoài khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, các thầy cô còn giải quyết vấn đề thiếu giáo viên bằng cách trong lúc dạy, thầy cô vận động học sinh sau khi tốt nghiệp hãy quay về trường. Chính từ việc động viên, thuyết phục này mà chỉ sau vài năm, trường giải quyết được vấn đề thiếu giáo viên.
Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, những cô cậu học sinh năm xưa đã quay về trường cống hiến. Ðiều đáng trân trọng hơn hết chính là lời động viên này đã trở thành truyền thống của trường, tiếp sau đó nhiều thế học trò thành tài và chọn trường là nơi để quay về. Minh chứng cho truyền thống ấy là hiện tại Trường THCS Khánh Thới có đến 19 giáo viên đã từng là học sinh của trường trên tổng số 40 giáo viên.
Mầm xanh vẫn đâm chồi tươi tốt dù đất có khô cằn. Ngôi trường đi lên từ gian khó lại đào tạo được nhiều thế hệ học trò giỏi, những học trò ấy lại đem cái tài, cái đức ấy cống hiến cho đời. Cô Vũ Thuya Phượng (giáo viên môn Lịch sử) đã có 19 năm công tác tại trường, thuộc lớp học trò đầu tiên của trường nay lại tiếp tục quay về trường công tác.
Cô Phượng xúc động: “Tôi vẫn còn nhớ như in những tháng ngày của hơn 20 năm trước, ngày mà thầy trò ngồi dưới mái trường dột nát, mưa ướt áo nhưng nhất quyết không để mưa ướt sổ sách, ướt chữ nghĩa. Giờ đây tôi đã là đồng nghiệp của thầy tôi, nhiều lớp học trò tôi dạy cũng đang cùng tôi công tác. Ðó là niềm tự hào, là niềm hạnh phúc không gì bằng đối với người làm nghề giáo như chúng tôi”.
“Tôi chọn nghề giáo là để nối nghiệp thầy cô”
Nếu những thế hệ giáo viên đầu tiên đã gieo được chồi non trong sự nghiệp giáo dục thì thế hệ trẻ kế thừa sẽ lớn mạnh thành những cây cao tươi tốt, giữ vững, phát huy giá trị tốt đẹp mà lớp người đi trước đã tạo nên. Cô Lương Bích Tiền, giáo viên môn Tin học, cũng là cựu học sinh Trường THCS Hồ Thị Kỷ, từng vì cái nghèo phải đôi ba lần bỏ học phụ cha mẹ kiếm sống nên cô càng trân quý giá trị của công việc mà cô đang từng ngày cống hiến.
Cô Tiền chia sẻ: “Lúc gia đình khó khăn nhất, tôi đã nghỉ học hơn một tuần, nhưng thầy cô đến nhà để động viên, giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần để tôi được đến lớp. Tình cảm thầy cô dành cho tôi chính là động lực vực tôi dậy, tiếp thêm sức mạnh cho tôi cố gắng phấn đấu. Ngày nay, tôi được đứng trên bục giảng cũng nhờ thầy cô. Tôi chọn nghề giáo không đơn thuần chỉ là yêu thích, mà còn để trả ơn, để nối nghiệp thầy cô”.
Cô Tiền luôn trăn trở làm sao cho các em tiến bộ, chăm ngoan, làm sao cho học trò nghèo đừng bỏ học. Lặng lẽ trích tiền lương giúp học trò mua sách vở, đồng phục, lặn lội đến nhà từng em để động viên các em tiếp tục đến trường, dường như mọi điều tốt đẹp cô đều để dành cho học trò của mình. Nặng nợ với nghề, mỗi ngày đứng trên bục giảng dạy chữ, dạy đạo làm người cho học sinh cũng là trả ơn cho thầy cô của mình, giống như thầy cô ngày xưa đã từng giúp đỡ đưa cô qua gian khó.
Với nhiều giáo viên trẻ như cô Tiền, quay về trường cũ giảng dạy không chỉ với lý do gần nhà, thuận tiện cho việc công tác và sinh hoạt mà còn vì tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của quê hương. Như thầy Dương Khánh Thới, giáo viên môn Toán, Trường THCS Khánh Thới, xã Thới Bình, huyện Thới Bình.
Từng là học sinh của ngôi trường này và xuất thân từ một học trò nghèo, thầy hiểu được sự vất vả của các em nhỏ vùng sâu, vùng xa trên con đường tìm đến tri thức. Thầy Thới trở về trường cùng lời hứa với người đi trước, đem tình yêu thương, đem cái chữ đến với học trò nghèo.
Là người địa phương, những giáo viên như thầy Thới, cô Tiền phần nào biết được hoàn cảnh của từng em học sinh, từ đó mà dễ dàng trong việc quản lý, gần gũi và quan tâm các em hơn, kịp thời can thiệp khi các em gặp khó khăn.
Dù bao nhiêu năm tháng đi qua, nghề giáo vẫn luôn là nghề cao quý nhất. Ðẹp mãi hình ảnh người thầy từng ngày rẽ sóng, lặng lẽ lái đò chở bao thế hệ học trò cập đến bến bờ tri thức./.
Bài và ảnh: Vân Anh