(CMO) Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”, sáng 25/8, đồng chí Đào Ngọc Dung, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, nhấn mạnh: “Tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động theo hướng đa ngành nghề; khuyến cáo không xuất khẩu công việc giúp việc gia đình, các thị trường có tính rủi ro cao. Kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không chấp hành sự chỉ đạo vì lợi ích người lao động”.
Thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, đến nay cả nước có 451 tổ chức, doanh nghiệp (DN) làm dịch vụ đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị. Từ 9 thị trường năm 2013, đến nay đã mở rộng 25 thị trường, đưa hơn 1 triệu lượt lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị; tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.
Thu nhập NLĐ làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều lần so với làm việc trong nước cùng ngành nghề; bình quân mỗi năm NLĐ và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ đô la, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị, không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước; góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đặc biệt là vào chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trình độ chuyên môn, kỹ thuật, ngoại ngữ, kỷ luật, tác phong làm việc của NLĐ, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài được nâng cao, bước đầu hình thành đội ngũ chuyên gia, lao động chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khi trở về lao động tại Việt Nam.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau có đồng chí Phạm Thành Ngại, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ. |
Tại hội nghị, các địa phương, ngành liên quan chia sẻ kinh nghiệm hay, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW. Tại tỉnh Cà Mau, hàng năm UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đề xuất đưa chỉ tiêu vào nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình việc làm tỉnh; đồng thời giao Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện nghị quyết.
Cà Mau có dân số trên 1,2 triệu người, lực lượng lao động trên 68.000 người, chiếm 57% tổng dân số. Từ năm 2013 đến nay, Cà Mau có 995 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đa phần hợp đồng 3 năm, ở các nước: Nhật Bản (gần 70%), Hàn Quốc (12%), Đài Loan (hơn 21%)... Đề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2018-2020 đã tạo điều kiện thuận lợi giúp lao động đi làm việc nước ngoài. Hàng năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm cung cấp thông tin và tư vấn cho khoảng 3.000 lượt lao động.
Thu nhập của NLĐ Cà Mau đi làm việc nước ngoài tương đối cao, tổng số tiền tích luỹ từ khoảng 500-800 triệu đồng/người sau 3 năm, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, có khả năng đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động khác.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cung cấp thông tin, hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong và ngoài nước cho lao động. |
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, việc đưa NLĐ và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài là xu thế tất yếu, chủ trương đúng đắn, mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp vào tăng thu nhập, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, cần tăng cường công tác bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài; đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hoá cho NLĐ; tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu lao động theo hướng đa ngành nghề; khuyến cáo không xuất khẩu công việc giúp việc gia đình, các thị trường có tính rủi ro cao; kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không chấp hành sự chỉ đạo vì lợi ích người lao động.
Để tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng đề nghị, các địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác quản lý NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đổi mới công tác đào tạo, dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng về tác phong, ngoại ngữ, ý thức kỷ luật; khép kín giữa đào tạo với tạo việc làm trong nước và ngoài nước./.
Mộng Thường