Theo UBND huyện Thới Bình, trong năm 2023, nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội của huyện tiếp tục phát triển ổn định, có 15/18 chỉ tiêu đạt so với nghị quyết HÐND huyện giao.
Trong xây dựng NTM, đến nay, bình quân toàn huyện đạt 14,27 tiêu chí/xã.
Kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư và ngày càng hoàn thiện; dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ; an sinh xã hội, chăm lo gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo và các chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Việc thực hiện nghị quyết chuyên đề của Huyện uỷ đạt được một số kết quả nổi bật. Trong đó, sản xuất tôm, lúa sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu (Nghị quyết số 09-NQ/HU) đã có bước thay đổi quan trọng. Một số mô hình liên kết sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ dần hình thành và phát triển; nhận thức của các tổ chức, cá nhân về lợi ích khi canh tác nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ từng bước được nâng lên...".
Ðến nay, diện tích sản xuất lúa sạch/hướng sản xuất lúa sạch đạt 18.418 ha (chiếm 92% diện tích lúa - tôm toàn huyện); triển khai được 230 ha lúa sản xuất hữu cơ (xã Trí Lực 50 ha, xã Thới Bình 50 ha, xã Tân Lộc Bắc 130 ha), với các giống lúa canh tác chủ yếu như: ST24, ST25, OM2517... Diện tích sản xuất theo quy trình nuôi tôm sạch đạt trên 5.900 ha, trong đó có trên 1.800 ha diện tích nuôi tôm liên kết với doanh nghiệp để xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nuôi tôm, quảng bá hình ảnh, thương hiệu con tôm Thới Bình trên thị trường trong và ngoài nước.
Đến nay, diện tích sản xuất lúa sạch/hướng sản xuất lúa sạch đạt 18.418 ha, chiếm 92% diện tích lúa - tôm toàn huyện.
Ðối với phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng, huyện phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xác định rõ thế mạnh để phát triển các sản phẩm làm cơ sở xây dựng, hình thành các tour du lịch. Qua đó, từng bước thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, trong đó có hoạt động du lịch nông nghiệp cũng như thu hút, mời gọi công ty, doanh nghiệp tham gia xây dựng, hình thành các tour du lịch trên địa bàn huyện.
Bên cạnh kết quả đạt được, UBND huyện cũng nhìn nhận, kinh tế - xã hội của huyện còn gặp một số khó khăn, hạn chế như: tiến độ thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới còn chậm so với kế hoạch; tiến độ giải ngân vốn các CTMTQG còn chậm, đặc biệt là CTMTQG giảm nghèo bền vững; giá tôm nguyên liệu giảm mạnh ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi của người dân.
Ông Lý Minh Vững cho biết: "Năm tới, huyện sẽ tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế theo hướng bền vững, hiệu quả. Nâng cao năng suất lao động, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Tăng cường hợp tác, liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ðẩy mạnh thực hiện các CTMTQG, trọng tâm là xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó là nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường chăm sóc sức khoẻ và cải thiện đời sống Nhân dân. Chủ động ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn"./.
Văn Ðum