ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 1-11-24 07:01:24
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Tín dụng chính sách - Ðồng hành phát triển kinh tế

Báo Cà Mau

Ông Trần Phương Nam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước, cho biết, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện luôn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương; các phòng, ban, ngành và các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác. Từ đó, đã tác động tích cực đến nhận thức của cấp uỷ, chính quyền. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc trách nhiệm hơn, nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn...

21 năm qua, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước đã cho vay gần 357 tỷ đồng, với 12.458 lượt hộ vay. Nguồn vốn được uỷ thác thông qua hội, đoàn thể, nhưng người quản lý trực tiếp hộ vay là các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Hiện toàn huyện có 315 tổ TK&VV, phần lớn các tổ được xếp loại khá, tốt; chỉ còn 4 tổ trung bình, không còn tổ yếu. Bình quân mỗi tổ TK&VV quản lý khoảng 53 hộ vay.

Ðoàn khảo sát về chất lượng tín dụng chính sách của NHCSXH Việt Nam tìm hiểu về nguồn vốn vay tại hộ Lê Thị Luỹ, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng.

Ông Tô Trường Khánh, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, cho biết, hiện ông quản lý 52 hộ vay vốn, với tổng dư nợ trên 1,6 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn này mà người dân có điều kiện phát triển kinh tế hiệu quả, với nhiều mô hình như: nuôi cá chình, cá bống tượng, cua, tôm, kết hợp trồng lúa... Ðến nay, các hộ vay đều thực hiện khá tốt việc đóng lãi, gửi tiết kiệm hằng tháng.

"Nhà chỉ có vài công đất, nhờ vay được 50 triệu đồng tín dụng chính sách, gia đình tôi có vốn để cải tạo đất trồng lúa, nuôi tôm, rồi mua cá bống tượng để thả nuôi. Ðến nay, cuộc sống gia đình ổn định hơn", ông Nguyễn Ngọc Anh, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng, chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng chia sẽ việc sử dụng nguồn vốn Đoàn khảo sát về chất lượng tín dụng chính sách của NHCSXH Việt Nam.

Ông Nguyễn Thành Hữu, Chủ tịch UBND xã Phú Hưng, cho biết, đã qua, cùng với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 0,55%; hộ cận nghèo giảm còn 1,8%... Vốn tín dụng chính sách đến với người dân, địa phương thường xuyên vận động bà con áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, kinh tế hộ gia đình và kinh tế hợp tác từng bước được phát triển. Người dân xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như: nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh, nuôi tôm 2 giai đoạn, lúa - tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn tạp trồng rau màu, tăng đáng kể thu nhập.

Theo ông Nam, thời gian qua, NHCSXH huyện luôn bám chặt chức năng, nhiệm vụ của ngành để tham mưu, phối hợp và kịp thời giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng thụ hưởng.

"Nguồn vốn tín dụng tuy đã được cải thiện theo hướng từng bước nâng cao chất lượng so với thời điểm xây dựng Ðề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tuy nhiên, thực tế còn những khó khăn. Nhiều trường hợp người vay bỏ đi khỏi địa phương, đi làm ăn xa ở các tỉnh, thành khác không có thông tin hoặc thiếu thông tin địa chỉ, dẫn đến khó đôn đốc thu hồi nợ. Hiện nay, một số địa bàn quản lý tổ còn rất rộng, giao thông đi lại còn trở ngại, ban quản lý tổ TK&VV hiện nay còn nhiều người lớn tuổi, phương tiện tham gia hoạt động tổ khó khăn, khả năng viết lách hạn chế... nhưng chưa tìm được nguồn thay thế", ông Nam chia sẻ.

Nhân viên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước đang giao dịch tại xã Tân Hưng Ðông.

Ðể thực hiện tốt Ðề án nâng cao chất lượng tín dụng chính sách giai đoạn 2024-2025, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước sẽ tập trung thực hiện hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng hằng năm được giao, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay; đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng thụ hưởng. Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; phân tích nguyên nhân dẫn đến những tổ trung bình, tiệm cận trung bình, để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

"Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ có mức thu nhập trung bình định kỳ hằng tháng, hằng năm, để làm cơ sở cho NHCSXH cho vay đúng đối tượng và chủ động xây dựng kế hoạch tín dụng sát với thực tế. Qua đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cho vay vốn để thực hiện chính sách giảm nghèo, giải quyết việc làm và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới", ông Nam cho biết./.

 

Phúc Duy - Trầm Nghĩ