Là món đồ chơi mang đậm hồn quê, không còn gói gọn trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, ngày nay tò he (con giống bột) đã có mặt khắp mọi miền đất nước. Vẫn là thứ bột nặn dân dã nhiều màu sắc ấy, dẫu trải qua năm tháng theo nhịp sống hiện đại, món đồ chơi ấy vẫn cứ lôi cuốn trẻ con thích thú và cũng là miền ký ức đẹp đẽ của nhiều thế hệ.
Hầu như những tư liệu về nghề nặn tò he đã thất truyền nên không còn ai biết nét văn hoá dân gian này bắt nguồn từ đâu và do ai sáng tạo nên. Ngày nay, người ta chỉ biết rằng, làng Xuân La (xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là "cái nôi" sản sinh ra nhiều dòng họ nặn tò he rất giỏi. Họ đều là những nghệ nhân dân gian, bằng tình yêu, trách nhiệm của mình đã và đang cố gắng bảo tồn, lưu giữ nghề truyền thống của ông cha.
Ðể bắt kịp thời đại, tò he giờ đây đã đa dạng hơn về mẫu mã.
Là đồ chơi dân gian nên nguyên liệu làm nên tò he cũng đậm chất thôn quê. Ðể tạo nên loại bột nặn mềm, xốp và có độ kết dính, người ta đem gạo nếp và gạo tẻ trộn đều, ngâm nước, sau đó giã nhuyễn thành bột mịn. Bột được nhào cho đến khi không dính tay sau đó đem luộc chín, trộn với các loại phẩm màu. Quan trọng nhất là khâu nặn tạo hình sản phẩm, bên cạnh những hình mẫu có sẵn, nghệ nhân còn phải có óc sáng tạo nên những hình dáng lạ mắt khác; khâu phối màu phải hài hoà, tươi sáng mới thu hút được các bạn nhỏ. Một chiếc tò he đạt chất lượng phải đảm bảo phần bột nặn có độ bóng, mượt, màu sắc bắt mắt có thể giữ lâu.
Loại bột nặn tò he được làm từ gạo nếp và gạo tẻ.
Ðối với những sản phẩm nặn hình người hay con vật, nghệ nhân phải truyền được cái thần vào tác phẩm của mình. Thời xưa, tò he được nặn theo hình dáng của các con vật là biểu tượng trong các đền, chùa hoặc gắn liền với quá trình lao động sản xuất của nông dân bao gồm: tứ linh, tam sư hay lục súc, và được sử dụng như vật phẩm dâng cúng tại các hội đình làng. Về sau này, tò he trở thành thứ đồ chơi dân gian quen thuộc với trẻ nhỏ, từ đó hình dạng, mẫu mã tò he cũng đa dạng hơn và người nặn tò he được thoả sức sáng tạo.
Chỉ với chiếc que tre và những thứ bột vô tri vô giác, qua bàn tay của nghệ nhân đã cho ra tác phẩm có giá trị nghệ thuật.
Ngày nay, để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của tò he Việt, những "con giống bột" đã bước ra thế giới bên ngoài khi được giới thiệu rộng rãi cho bạn bè trong và ngoài nước. Tò he giờ đây đã là sản phẩm du lịch có tiếng, là món đồ chơi có chất liệu thân thiện với môi trường. Giữa muôn vàn sản phẩm đồ chơi hiện đại, những chiếc tò he đa sắc màu vẫn có sức hút với trẻ nhỏ. Còn đối với người lớn, tò he vẫn là miền ký ức đầy hoài niệm khi nhắc nhớ về hai tiếng "quê hương".
Ngày nay tò he có mặt khắp nơi, đặc biệt ở các dịp lễ hội, các nghệ nhân thường trình diễn nhằm quảng bá nét đẹp của món đồ chơi dân gian này. (Ảnh chụp tại Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ Cần Thơ năm 2024).
Hữu Nghĩa thực hiện