ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 5-11-24 01:06:13
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trái ngọt hương tràm

Báo Cà Mau (CMO) Từ lâu, U Minh nổi tiếng với những cánh rừng tràm bạt ngàn. Và cũng từ cây tràm, nhiều lão nông đã hiện thực hoá giấc mơ làm giàu dưới tán rừng bằng nhiều mô hình kinh tế nông, lâm, ngư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều căn nhà tường kiên cố đang mọc lên với mật độ ngày một dày hơn. Một vùng đất được ví như vùng trũng của tỉnh xưa kia nay đã vươn lên mạnh mẽ.

Qua rồi thời gian khó

Là người chứng kiến nhiều thăng trầm của vùng đất này, ông Phạm Xuân Quang, Ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, nhớ lại: “Lúc mới nhận đất, nhận rừng, đời sống gia đình tôi rất khó khăn, làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ ăn. Vì nghèo khó mà các con tôi phải lần lượt gác lại chuyện học hành. Đôi lúc, vì quá cơ cực mà tôi nảy ra ý định bỏ đất đi nơi khác sinh sống. Nhưng cái duyên, cái nợ với rừng đã thôi thúc tôi cố gắng dồn sức trồng rừng kết hợp với trồng cây ăn trái, nuôi cá đồng, chăn nuôi heo. Chỉ riêng hoa lợi từ cây chuối cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm".

Cách đó không xa, trong căn nhà mái Thái, xây dựng cách đây không lâu, anh Phan Thanh Trung chia sẻ: “Gia đình tôi khấm khá lên là nhờ rừng, tiền làm nhà, mua sắm các vật dụng khác trong gia đình cũng nhờ rừng cả”. Được biết, cách đây 20 năm, gia đình anh Trung từ huyện Đầm Dơi về đây sinh sống, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng thâm canh và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp ngư, lâm kết hợp với chăn nuôi, lấy ngắn nuôi dài. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 400 triệu đồng.

Thu mua tràm ở xã Nguyễn Phích.

Lướt xe trên tuyến đường bê-tông, xuyên qua những vạt rừng xanh thẳm, những vườn trái cây trĩu quả hiện ra. Ông Đỗ Thanh Dân, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện U Minh, cho biết, nếu trước đây cây tràm trồng theo lối quảng canh truyền thống, phải mất từ 10 năm trở lên mới cho thu hoạch, thì hiện nay chỉ còn 5 năm là thu hoạch, mỗi héc-ta từ 100-160 triệu đồng. Bên cạnh cây rừng, người dân còn tận dụng diện tích đất rừng trồng các loại rau màu, cây ăn trái, chăn nuôi gia cầm, gia súc, tạo thu nhập từ vài chục đến vài trăm triệu đồng/năm.

Đây là những con số thật ấn tượng, đánh dấu sự thay đổi lớn lao ở vùng đất này.

Ông Quách Thanh Sử (bìa trái) ở Ấp 2, xã Nguyễn Phích, giữ ngọt trồng cây ăn trái tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Đất rừng nở hoa

Chính sách cấp đất cho hộ nghèo trong lâm phần là dấu ấn thật sự trong tiến trình chăm lo an cư lạc nghiệp cho người dân. Ðến nay, toàn huyện U Minh có hơn 3.000 ha đất rừng được cấp sổ đỏ cho dân. Từ làm chủ được đất đai, người dân mạnh dạn nắm bắt khoa học - kỹ thuật, vay vốn ngân hàng đầu tư nhiều mô hình sản xuất mới… Thu nhập bình quân đầu người 47,5 triệu đồng/ năm, hộ nghèo toàn huyện còn 504 hộ, chiếm 1,93%, giảm 137 hộ so với đầu năm 2021. Cận nghèo còn 418 hộ, chiếm 1,60%, giảm 90 hộ, đạt 116% so với kế hoạch tỉnh giao. Sự thay đổi cơ chế cùng với chính sách khuyến nông của Nhà nước đã giúp người dân nơi đây đẩy lùi được cái nghèo. Sức hút của rừng đã kéo nhiều doanh nghiệp đầu tư vào rừng, mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người trồng rừng, giữ rừng… Và nay, không ít người từng bỏ xứ đi nơi khác làm ăn, đã trở về để tiếp tục ước mơ đổi đời. Ở giữa ruột rừng, những chiếc ghe tải lớn, những chiếc xe bán tải vừa và nhỏ len lỏi qua từng ấp, xóm, đến tận nhà dân để thu mua cây gỗ, chuối Nam Mỹ, gạo hữu cơ… xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Dubai và nhiều quốc gia khác.

Xác định giao thông là nền tảng để vực dậy kinh tế rừng, thời gian qua huyện U Minh có nhiều đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông. Ðến thời điểm này, các xã đều có đường ô-tô về đến trung tâm xã, với chiều dài 589 km. Ngoài ra, huyện hiện có 260 km lộ bê-tông và nhiều cây cầu đấu nối từ huyện đến xã và đến hầu hết các khóm, ấp trong lâm phần. Việc dần hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn đã giúp cấp uỷ, chính quyền huyện U Minh thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp ngày càng có chiều sâu và mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên cùng diện tích đất canh tác. Có thể là chưa trọn vẹn và hoàn hảo như mọi người mong muốn, song với nỗ lực của các cấp chính quyền, nhiều chủ trương, chính sách… được cụ thể hoá từ tư duy, trình độ trong sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Thanh Toản, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của huyện U Minh có bước phát triển khá toàn diện. Đặc biệt, từ khi chủ trương giao đất, giao rừng được triển khai, đời sống Nhân dân ngày càng khởi sắc, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Trong đó, nông - ngư - lâm nghiệp được xác định là lĩnh vực có thế mạnh của huyện. Trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và tận dụng tối đa thời cơ để kịp thời thích ứng với xu thế mới, huyện U Minh đang tập trung triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực này.

U Minh với những cánh rừng tràm bạt ngàn đang bừng lên sức sống mới.

Ngoài ra, huyện còn tranh thủ các nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ tốt cho sản xuất trong khu vực lâm phần; chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác chuyển giao khoa học công nghệ, nhân rộng những mô hình sản xuất có hiệu quả, thực hiện các mô hình điểm về chuyển đổi cây, con giống thích ứng biến đổi khí hậu, tăng cường kết nối tiêu thụ. Đặc biệt, tuyên truyền hướng dẫn người dân phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái là một nội dung rất quan trọng đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025./.

 

Trung Đỉnh

 

Hồ sơ đi B - Xúc động đường về

Lúc tôi đến nhà và thông tin với Bác sĩ Nguyễn Văn Thể (Phường 2, TP Cà Mau), Trung tâm Lưu trữ lịch sử tỉnh đang giữ hồ sơ đi B của ông và sẽ liên hệ trao trả, ông hết sức ngỡ ngàng. Cách đây hơn 50 năm, khi về Nam (gọi là đi B), ông đã gửi lại tất cả giấy tờ, hồ sơ cho Uỷ ban Thống nhất Trung ương, cứ nghĩ những hồ sơ ấy theo thời gian đã bị hư hao và tiêu huỷ.

Những nữ đại biểu dân cử vì dân

Thực hiện chiến lược về bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử, những năm qua, tỉnh Cà Mau luôn tạo điều kiện thuận lợi để tăng tỷ lệ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của các nữ đại biểu HÐND các cấp, qua đó giúp phụ nữ khẳng định vai trò, trách nhiệm của mình trong xã hội.

“Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” trong trường học

Nằm trong khuôn viên của Trường THCS Phan Ngọc Hiển, Khóm 4, thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn, “Không gian văn hoá Hồ Chí Minh” vừa được Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Năm Căn phối hợp với các đơn vị thực hiện và xây dựng. Ðây là mô hình đầu tiên được triển khai trong khuôn viên trường học trên địa bàn tỉnh.

Nghĩa tình phụ nữ xứ Thanh

Cách đây 70 năm, năm 1954, thực hiện chủ trương của Ðảng và Bác Hồ, tỉnh Thanh Hoá đón nhận con em cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc học tập, để đào tạo đội ngũ cán bộ cho sự nghiệp giải phóng miền Nam và cả nước sau này. Tại Sầm Sơn, chị em trên địa bàn tỉnh, từng đoàn người đã đem theo cơm ngô, cơm khoai đi đón tiếp. Khi xuống thuyền, nhiều chị tự nguyện cõng thương binh vào bờ, đỡ từng cái ba lô, từng túi gạo; các mẹ đến quạt cho bộ đội, thiếu nhi... như đón người thân trở về.

Sưu tầm được nhiều tư liệu, hiện vật quý

Thực hiện Kế hoạch số 96/KH-BCÐ ngày 6/8/2024 của Ban Chỉ đạo các hoạt động Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc, Bảo tàng tỉnh đang chuẩn bị cho nhiệm vụ triển lãm hiện vật liên quan đến Hiệp định Giơnevơ, Sự kiện tập kết ra Bắc và thành tựu phát triển của tỉnh. Phóng viên Báo Cà Mau trao đổi với ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, xung quanh công tác này.

Bạn cùng trường

Chiếc xuồng giao liên đưa tôi vào con rạch, gọi là Rạch Hàng, con rạch dẫn sâu vào rừng U Minh, để nhập trường, Trường Trung học Kháng chiến Nguyễn Văn Tố.

“Hẹn ngày trở về” - Nguồn cảm hứng với văn nghệ sĩ

Sau hơn 2 tháng phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc và bài ca vọng cổ Kỷ niệm 70 năm Sự kiện tập kết ra Bắc (1954-2024) với chủ đề “Hẹn ngày trở về”, do UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức, đã nhận được 85 tác phẩm (trong đó có 61 bài ca vọng cổ và 24 ca khúc).

Tạo cơ hội để cán bộ nữ phát triển, cống hiến

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác phụ nữ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”. Thực hiện lời dạy của Người, những năm qua, TP Cà Mau luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển quê hương.

Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng

“Thế trận lòng dân” trên không gian mạng có vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. “Thế trận lòng dân” trên không gian mạng là cơ sở, tiền đề bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Ðảng, ngăn ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá.

Ðợi chờ

(Viết tặng chị Khương Kim Xuyến - Người phụ nữ miền Nam)