(CMO) Dự án khu tái định cư rừng phòng hộ biển Tây, điểm dân cư vàm kênh Cái Cám, xã Tân Hải, huyện Phú Tân, được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2009 với quy mô 23,5 ha, dự kiến bố trí tái định cư cho 234 hộ, tổng kinh phí gần 58 tỷ đồng. Hơn 10 năm trôi qua, cư dân tái định cư ở Cái Cám vẫn đau đáu những khó khăn về sinh kế. Trải qua 2 năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá xăng dầu biến động, nguồn lợi thuỷ hải sản ven bờ dần cạn kiệt, ngư tặc lộng hành..., người dân nơi đây càng chịu thêm nhiều áp lực cho cuộc mưu sinh.
Nghề biển bấp bênh
Ông Hồ Toại Nguyện, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hải, cho biết: “Dự án tái định cư ở Cái Cám chia làm 2 khu, ở bờ Nam và bờ Bắc. Bờ Nam đã có 109 hộ vào ở, trong tổng số 130 nền, riêng bờ Bắc quy mô hơn 90 nền thì người dân vẫn chưa vào ở”.
Mục tiêu của khu tái định cư Cái Cám là để người dân ven biển sớm an cư, lạc nghiệp, nhưng nói theo lời ông Nguyện thì: “Vẫn chưa trọn vẹn cả 2 vế”.
Ông Lê Thanh Sang, dân đi biển Cái Cám, bồn chồn: “Mấy tháng nay giá xăng dầu tăng quá, đi biển không có lời, đậu bờ nhiều hơn chạy. Mà dân ở đây, nếu không đi biển thì đâu có nguồn sống nào khác”.
Cái Cám có hơn 100 phương tiện đánh bắt gần bờ, chủ yếu là các nghề câu, lưới, lú, thu nhập của ngư dân gần đây bấp bênh bởi nghề biển tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ngư dân Cái Cám chủ yếu đánh bắt ven bờ, thu nhập ngày càng bấp bênh bởi nhiều yếu tố rủi ro. |
Ông Bông Văn Liêm, Trưởng ấp Cái Cám, trần tình: “Bà con ở đây, nếu đi biển suôn sẻ thì có đồng ra đồng vô, còn nếu xui rủi thì trắng tay. Ðánh bắt lúc được, lúc không, riêng nạn trộm cắp ngư cụ ở khu vực này đã diễn ra thời gian dài mà chưa có hồi kết. Cả trăm người đi biển ở đây ai cũng bị mất trộm, có người 5, 7 bận”.
Tiếp lời ông Liêm, ông Nguyễn Việt Lào, gắn bó với cửa biển Cái Cám hơn 30 năm, lo lắng: “Hồi trước dân đi biển còn kiếm ăn được, giờ khó khăn lắm. Hiện nay tình trạng trộm cắp, dọn bãi, phân ranh cho tàu ngoài luồng vô đánh bắt vẫn tiếp diễn. Có khi ngư tặc chỉ cắt phá ngư cụ của bà con chớ không lấy, nhưng như vậy là triệt đường sống của người đi biển rồi còn gì”. Là vựa thu mua cá lâu năm ở Cái Cám, ông Lào cũng buồn với nỗi niềm chung của bà con ngư dân: “Cái gì cũng tăng, mà giá thuỷ hải sản đâu có tăng, có khi còn giảm, rồi đủ thứ rủi ro, đời sống bà con ngày càng eo hẹp”.
Nghề câu kiều được coi là nghề ăn nên làm ra nhất của người dân Cái Cám, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tịnh thì: “Dạo gần đây cá cũng không còn nhiều như trước, hôm được thì thu về trên dưới 1 triệu đồng, có hôm về không”. Bản thân ông Tịnh mới chuyển sang làm câu kiều vài năm, nhưng cũng bị mất trộm mấy lần. “Mấy anh tính coi, dàn câu kiều 4, 5 triệu bạc, dân đi biển ven bờ như tôi, mất một lần coi như là cụt vốn, phải vay mượn để sắm mới. Ði biển mà lo lắng trăm bề”, ông Tịnh giãi bày.
Người dân Cái Cám chật vật trong tìm sinh kế bền vững. (Ảnh: Người dân khu vực bờ Bắc phơi cá cơm).
Nhiều nỗi âu lo
Quy hoạch từ năm 2009, nhưng đến nay bờ Bắc khu tái định cư Cái Cám người dân chưa được vào ở. Chính quyền xã Tân Hải thông tin rằng việc giải phóng mặt bằng khu vực này đến nay vẫn còn vướng 3 hộ.
Là dân sống ven bờ Bắc, ông Nguyễn Việt Lào lo lắng: “Mấy năm gần đây triều cường diễn biến phức tạp lắm, dân chưa vào khu tái định cư nên nước dâng là ngập, sinh sống, làm ăn lúc nào cũng bồn chồn. Nguyện vọng của bà con là khu bờ Bắc nhanh chóng hoàn thành, người dân vô ở cho an toàn”.
Cũng theo phản ánh của người dân, khu bờ Bắc dự kiến có hơn 90 nền nhà tái định cư, tuy nhiên, quy hoạch sân phơi thuỷ hải sản chung cho cả khu chỉ rộng khoảng 300 m2 là chưa phù hợp. Các cấp, ngành cũng có các đợt khảo sát, trao đổi với người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, nhưng đến nay sắp kết thúc mùa mưa bão năm 2022, dân bờ Bắc vẫn chưa được vào tái định cư.
Do sinh kế ngày càng khó khăn, Cái Cám đã bắt đầu có hiện tượng người dân rời bỏ địa phương để tìm việc làm ngoài tỉnh. Ông Bông Văn Liêm, Trưởng ấp Cái Cám, nhẩm tính: “Nếu tính riêng bờ Nam, hộ dân tái định cư có người đi lao động ngoài tỉnh phải trên phân nửa, còn đi hết gia đình phải trên 10 hộ”. Bà Nguyễn Thị Thuận, dân tái định cư bờ Nam, xác nhận: “Có nhà đóng cửa đi hết, có nhà chừa lại người già, con nít ở thôi. Ở đây muốn tìm được việc làm cũng đâu có được. Còn đi biển phải có vốn liếng, đâu phải nhà nào cũng có khả năng”.
Do sinh kế ngày càng khó khăn, nhiều hộ dân ở khu tái định cư bờ Nam rời địa phương đi làm ăn xa.
Nhà anh Trương Văn Luân có 3 đứa con, thêm vợ tật nguyền, anh bộc bạch: “Mình không đủ tiền sắm đồ nghề đi biển, chỉ bắt ba khía, ốc để sinh sống qua ngày. Ngặt nỗi mấy đứa con còn nhỏ quá, vợ bệnh tật, nếu đi làm ăn xa thì ai lo lắng, mà đi cũng chắc gì có dư”. Hỏi anh Luân về dự định sắp tới, anh lắc đầu: “Tới đâu hay tới đó, phải chi ở quanh đây có việc làm thì cuộc sống chắc đỡ khổ hơn”.
Huyện Phú Tân có 3 điểm tái định cư ven biển Tây, gồm cửa biển Mỹ Bình, Công Nghiệp và Cái Cám. Xét trên tổng thể, khu tái định cư Cái Cám được coi là khá nhất, tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Tân Hải, việc tính toán công ăn việc làm, sinh kế lâu dài cho người dân tái định cư chính là mấu chốt giải quyết những trăn trở của người dân hiện nay. Nếu không có sự quan tâm hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành, đời sống người dân khu tái định cư Cái Cám nói riêng và cư dân tái định cư ven biển nói chung sẽ vẫn tiếp tục loay hoay với bộn bề lo lắng, khó khăn./.
Hải Nguyên