(CMO) Những năm qua, nhờ làm tốt công tác hoà giải nên xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển đã gặt hái được những kết quả rõ rệt. Mỗi lần giải quyết đơn thư yêu cầu của công dân thành công đều mang đậm dấu ấn của tổ hoà giải, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị (ANCT), trật tự an toàn xã hội (TTATXH) tại địa phương.
Ông Phạm Xuân Chúc, Tổ trưởng Tổ hoà giải ấp Nhà Diệu, thông tin: “Năm 2017, Tổ hoà giải ấp Nhà Diệu tiếp nhận và hoà giải 8 trường hợp yêu cầu giải quyết, chủ yếu thuộc các lĩnh vực tranh chấp đất đai, hôn nhân và gia đình… Hoà giải thành tại ấp 7 vụ, chuyển về UBND xã 1 vụ liên quan đến tranh chấp đất đai”.
Để hoạt động hoà giải tại địa phương mang lại hiệu quả, đầu năm 2017, UBND xã Tân Ân đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tuyên truyền, triển khai Luật Hoà giải ở cơ sở một cách sâu rộng trong quần chúng nhân dân, với mong muốn đưa những quy định của pháp luật sớm đi vào cuộc sống.
Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Ân Hồng Thanh Vui cho biết: “Hoà giải cơ sở là hoạt động mang tính tự nguyện, tự quản của người dân. Công tác hoà giải góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong nhân dân, kịp thời ngăn ngừa các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Qua đó, giảm bớt các vụ việc phải đưa đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, toà án để giải quyết, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, ổn định tình hình ANTT trên địa bàn”.
Ông Hồng Thanh Vui (đứng), công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Tân Ân, triển khai nội dung công tác hoà giải năm 2018 cho thành viên Ban Hoà giải xã. |
Theo ông Vui, để công tác hoà giải cơ sở đi vào chiều sâu, bộ phận tư pháp - hộ tịch đã tham mưu UBND xã ban hành kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với công tác hoà giải. Đồng thời, ban hành văn bản hướng dẫn để rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hoà giải tại địa phương. Nhờ đó, số lượng đơn yêu cầu giải quyết khiếu nại trong năm giảm đáng kể so với cùng kỳ. Cụ thể, năm 2017, tổ hoà giải các ấp tiếp nhận 22 đơn, hoà giải thành 14 đơn (chủ yếu thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình), chuyển về UBND xã 8 đơn (giảm 11 đơn so với năm 2016), hoà giải thành tại UBND xã 6 đơn, không thành 2 đơn (chuyển về TAND huyện thụ lý).
Trên địa bàn xã Tân Ân hiện có 5 tổ hoà giải với 35 thành viên. Hằng năm, thành viên của tổ hoà giải trên địa bàn xã được tham gia các lớp tập huấn, trang bị tài liệu hướng dẫn về nghiệp vụ hoà giải cơ sở, được bồi dưỡng kiến thức pháp luật để nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, UBND xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Cà Mau (chi nhánh huyện Năm Căn), Phòng Tư pháp huyện Ngọc Hiển mở các lớp tập huấn để nâng cao kỹ năng, trang bị kiến thức pháp luật về hoà giải cho đội ngũ hoà giải viên các tổ hoà giải.
Tại các cuộc họp dân, trong các phong trào văn hoá, văn nghệ ở địa phương, UBND xã đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn lồng ghép tuyên truyền về phổ biến, giáo dục pháp luật; Luật Hoà giải cơ sở, Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình… gắn công tác hoà giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Bà Thạch Thị Mai Tha, 46 tuổi, thường trú ấp Xẻo Mắm, cho biết: “Gia đình tôi là hộ dân tộc thiểu số, việc tiếp cận pháp luật còn hạn chế. Nhờ được chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới…nên tôi hiểu hơn về đời sống hôn nhân cũng như quyền bình đẳng của nam nữ trong xã hội. Vì vậy, cuộc sống gia đình tôi hiện rất đầm ấm, sung túc. Tôi thật sự rất phấn khởi”.
“Nhờ làm tốt công tác hoà giải cơ sở nên các hoà giải viên kịp thời phát hiện và giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân. Từ đó, có biện pháp ngăn chặn, xử lý ngay những mầm mống, những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Quyết không để những vụ việc nhỏ nhặt làm nảy sinh, bùng phát dẫn đến phức tạp, nghiêm trọng”, Phó chủ tịch UBND xã Tân Ân Trần Thanh Đồng cho biết./.
Quốc Khải