(CMO) Chiều 16/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội (2002–2017).
15 năm qua, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới…
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt trên 169 ngàn tỷ đồng, gấp hơn 24 lần so với thời điểm thành lập; tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 19,2%, với trên 6,7 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Dư nợ cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP là 13.944 tỷ đồng, với hơn 457 ngàn hộ còn dư nợ. Dư nợ của NHCSXH tập trung chủ yếu vào 8 chương trình tín dụng lớn, chiếm trên 96% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, giúp trên 31,8 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, với doanh số cho vay đạt hơn 433 ngàn tỷ đồng; góp phần giúp trên 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 9,9 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trên 105 ngàn căn nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL, gần 528 ngàn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; trên 112 ngàn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, NHCSXH tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội; tập trung phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách; tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận với tín dụng chính sách; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ NHCSXH. Tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm – vay vốn; chú trọng hướng dẫn người dân vùng nông thôn khởi nghiệp.
Hồng Phượng