Năm học 2023-2024, toàn TP Cà Mau có 81 trường, gồm 33 trường mầm non - mẫu giáo, 34 trường tiểu học, 14 trường trung học cơ sở (THCS). Trong đó, có 70 trường công lập, 11 trường ngoài công lập. Trong số đó, có 53 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tổng số trẻ em, học sinh đến trường là trên 38 ngàn em. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường cấp mầm non - mẫu giáo đạt 99,83%; cấp tiểu học 99,95% và cấp THCS đạt 99,4%.
Ðã hơn 1 tháng bước vào năm học mới, học sinh trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Cà Mau nói riêng, cơ bản bắt nhịp vào chương trình mới.
Ông Lê Minh Trí, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TP Cà Mau, đánh giá: “Hiện tại, quy mô giáo dục và hệ thống trường, lớp các ngành học, cấp học phát triển đều khắp trong thành phố, đảm bảo phục vụ công tác dạy và học, nhất là việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 đối với các lớp: 1, 2, 3, 4 (cấp tiểu học) và lớp 6, 7, 8 (cấp THCS). Các cơ sở giáo dục đã có sự phát triển, gắn với các địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của học sinh trong thành phố”.
Việc thực hiện chương trình GDPT năm 2018 đối với lớp 1, 2, 3, 4 và lớp 6, 7, 8 cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng vẫn còn gặp phải nhiều trở ngại.
Theo ông Lê Minh Trí, để đảm bảo cơ sở vật chất cho công tác dạy và học tại các trường học trên địa bàn, UBND thành phố đã chỉ đạo cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 19 trường. Ðặc biệt, UBND thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo Phòng Giáo dục và Ðào tạo thành phố, các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các khoản thu đúng theo quy định và quản lý chặt chẽ các khoản thu đầu năm học.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn ghi nhận nhiều khó khăn từ các trường. Trong đó có khó khăn do thiếu giáo viên giảng dạy ở các cấp học, nhất là các môn Tiếng Anh, Tin học, nhân viên công nghệ thông tin, thiếu phòng học và các phòng chức năng khi triển khai thực hiện chương trình GDPT 2018.
Thầy Châu Văn Tuy, Hiệu trưởng Trường THPT Hồ Thị Kỷ, chia sẻ: “Số lượng học sinh tăng nhưng phòng học không tăng. Hiện trường chỉ có 45 phòng, với 83 lớp. Khó lớn nhất của trường là về sân chơi. Tổng diện tích của trường chỉ 9.600 m2 cho nên việc dạy thể dục, giáo dục quốc phòng cũng phải sắp xếp thứ tự, luân phiên. Ngoài ra, trường xây dựng từ năm 1997, đến nay chưa được nâng cấp lần nào. Riêng năm 2022 được sửa chữa khu hiệu bộ, tất cả nguồn kinh phí do trường tự chủ. Hệ thống máy móc của các phòng học đã cũ, một số phòng học bị dột. Hiện tại, giáo viên bậc THCS thiếu nhiều (khoảng 20 giáo viên), nhưng thừa thiếu cục bộ”.
Ðặc biệt, đối với chương trình phổ thông mới ở các khối lớp 6, 7, 8 và 10, 11, thầy Châu Văn Tuy thông tin: “Môn học hoạt động trải nghiệm bắt buộc học sinh phải đi thực tế, như khu du lịch sinh thái, khu di tích... nhưng trường không có kinh phí. Nếu bắt học sinh đóng tiền sẽ khó, lo ngại phụ huynh phản ánh. Cần tính toán giá dịch vụ cụ thể để trường thu theo văn bản. Hiện tại chỉ giới thiệu trên màn hình ti vi, chưa phát huy hết hiệu quả của môn học”.
Thầy Trần Xuân Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình, cũng nêu lên khó khăn: “Dạy tích hợp hiện nay còn mang dáng dấp của chủ đề, phải thay đổi liên tục thời khoá biểu, gây xáo trộn trong học sinh. Khó khăn mà nhà trường vấp phải là sinh hoạt chuyên môn. Hiện nay chương trình GDPT mới có thêm tiết sinh hoạt dưới cờ, giáo viên chủ nhiệm phải soạn kế hoạch bài dạy 20 phút, kết hợp sinh hoạt dưới cờ của nhà trường, liên đội, chưa biết tổ chức như thế nào”.
Ngoài ra, Trường THCS Nguyễn Thái Bình có gần 1.600 học sinh, bao gồm 20 phòng học, học 2 buổi. Thầy Hải cũng đề nghị di dời trường, bởi số lượng học sinh tăng, trường hiện đã tụt chuẩn về cơ sở vật chất do diện tích không đảm bảo, các khối lớp phải chia thời gian ra hoạt động. Hơn nữa, vị trí của trường nằm trên đường Nguyễn Thái Bình, Phường 5, TP Cà Mau, trong khu dân cư đông đúc, có duy nhất 1 tuyến đường nên thường xuyên bị ùn tắc giao thông khi tan trường, việc cứu nạn sẽ gặp khó khăn nếu xảy ra sự cố.
Là trường mẫu giáo công lập duy nhất trên địa bàn Phường 2, TP Cà Mau, nhưng phòng học, phòng làm việc, sân chơi của Trường Mẫu giáo Sơn Ca đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch, trường không thể cải tạo sửa chữa được, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Nền Trường Mẫu giáo Sơn Ca thấp hơn các tuyến đường xung quanh nên thường xuyên bị ngập khi mưa lớn. Ảnh: TRẦM NGHĨ
Cô Trần Diệu Hiền, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca, bộc bạch: “Do trường nằm trong quy hoạch nên không được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa, việc này ảnh hưởng lớn đến chất lượng chăm sóc trẻ và các hoạt động khác của nhà trường. Hiện tại, nền Trường Mẫu giáo Sơn Ca thấp hơn so với cao độ các tuyến đường Ngô Quyền, đường Lý Bôn. Do không được đầu tư, sửa chữa nên số trẻ đến Trường Mẫu giáo Sơn Ca năm học 2023-2024 giảm nhiều so với các năm trước”.
Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết: “Toàn thành phố hiện chỉ mới có 2/70 trường đạt chuẩn mức độ 3, cơ sở vật chất, trang thiết bị không đảm bảo, rất cần sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Biên chế giáo viên không thiếu nhưng để đáp ứng nhu cầu từng điểm trường, nhất là một số bộ môn cá biệt, thì chưa”.
Ghi nhận một số khó khăn ngành giáo dục thành phố tại buổi làm việc vừa qua, ông Ðoàn Quốc Khởi, Giám đốc Sở Tài chính, đề xuất: “Cần thành lập đoàn công tác, trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, khảo sát tất cả điểm trường để đánh giá toàn diện hệ thống trường lớp. Từ đó có cơ sở để cân đối nguồn, tiến hành sửa chữa, nâng cấp, xây mới, đảm bảo việc dạy và học. Tuy nhiên, các trường cần quản lý chặt chẽ, đúng quy định tài sản, cơ sở vật chất dạy và học; đánh giá lại việc đầu tư trang thiết bị để đảm bảo các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là liên quan các môn học hoạt động trải nghiệm để báo cáo UBND tỉnh tham mưu đề xuất thí điểm”./.
Hồng Nhung