TP Cà Mau có phong trào thể dục, thể thao phát triển rất mạnh, là vệ tinh, nơi cung cấp nguồn vận động viên hoạt động thể thao thành tích cao của tỉnh. Thế nhưng, đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa xây dựng được trung tâm TDTT.
TP Cà Mau có phong trào thể dục, thể thao (TDTT) phát triển rất mạnh, là vệ tinh, nơi cung cấp nguồn vận động viên hoạt động thể thao thành tích cao của tỉnh. Thế nhưng, đến thời điểm này, thành phố vẫn chưa xây dựng được trung tâm TDTT.
Hơn 20 năm hoạt động (thành lập khoảng năm 1995), cũng ngần ấy thời gian Trung tâm TDTT thành phố mang thân phận “ở ké”. Mới đây, do nhu cầu nâng cấp Công viên Hùng Vương, một lần nữa trung tâm phải di dời về Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (ngôi trường cũ, toạ lạc trên đường Nguyễn Trãi, Phường 9), đây là lần thứ 7 trung tâm thay đổi trụ sở làm việc.
Tuy hoạt động trong điều kiện “thiếu đủ thứ”, nhưng nhờ sự nỗ lực cùng vượt khó của cả tập thể, những năm qua trung tâm luôn đáp ứng được nhiệm vụ phát triển TDTT phong trào ở địa phương.
Thi đấu thể thao của thành phố thường là nhờ sự hỗ trợ hoặc phải thuê mướn sân bãi để tổ chức. |
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có trên 40 câu lạc bộ (CLB) thể thao. Những tháng đầu năm nay, ngoài việc củng cố, phát triển các CLB, trung tâm còn tổ chức và kết hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố tổ chức trên 30 giải thi đấu thể thao, thu hút trên 4.000 vận động viên tham gia.
Qua đó, tuyển chọn những vận động viên xuất sắc tham gia các giải thi đấu thể thao do tỉnh tổ chức. Ðiển hình như: Giải bóng đá Nhi đồng và bóng chuyền vô địch tỉnh, các giải thi đấu võ thuật… đoạt 8 giải với 218 huy chương các loại. Ðồng thời, kết hợp Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau dẫn đoàn tham gia Festival toàn quốc lần thứ VI năm 2016 tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Kết quả, Cà Mau đoạt giải Xuất sắc.
Theo ông Thang Văn Chiểu, Giám đốc Trung tâm TDTT TP Cà Mau, phong trào tập luyện TDTT của người dân thành phố ngày càng cao. Trong khi đó cơ sở vật chất phục vụ cho nhu cầu phát triển thể thao đối với trung tâm vẫn còn thiếu thốn nhiều mặt. Bên cạnh đó, kinh phí hoạt động được cấp từ ngân sách Nhà nước hằng năm xấp xỉ 1,2 tỷ đồng, trong đó kinh phí tự chủ là khoảng 600 triệu đồng, phần còn lại không đủ để tổ chức các hoạt động thi đấu và tham gia thi đấu, nhất là khi tham gia các giải do tỉnh tổ chức, cần nguồn kinh phí không nhỏ.
Nghịch lý là, hiện nay nhiều huyện đã xây dựng trung tâm văn hoá - thể thao, song có nơi đất rộng mà hoạt động thì thưa thớt, trong khi TP Cà Mau là cái nôi của nhiều hoạt động thể thao mang tính chuyên nghiệp nhưng lại “không có đất dụng võ”. Ðể phong trào thể thao của thành phố phát triển, phần lớn trung tâm dựa vào cơ sở vật chất từ xã hội hoá và sự hỗ trợ cơ sở vật chất từ Trung tâm TDTT tỉnh (nay là Trung tâm Huấn luyện - Ðào tạo và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh).
“Hiện tại, hoạt động của trung tâm còn mang nặng hình thức bao cấp chớ chưa đúng với danh nghĩa là một đơn vị sự nghiệp có thu. Và muốn hoạt động đúng với chức năng của mình thì trung tâm cần được đầu tư xây dựng trụ sở mà trong đó có đủ các phòng chức năng, trang thiết bị phục vụ, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu tập luyện TDTT của người dân”, ông Thang Văn Chiểu bức xúc.
Về vấn đề này, Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin TP Cà Mau Lâm Bá Tòng cho biết: "Kế hoạch xây dựng trung tâm TDTT, thành phố cũng đã có tính toán, nhưng do chưa chọn được khu vực thích hợp, vấn đề kinh phí xây dựng… nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, trước nhu cầu bức thiết đặt ra, phòng đã tranh thủ tham mưu UBND thành phố có ý kiến đề xuất với tỉnh".
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất với thành phố chọn khu đất gần Trường Cao đẳng Cộng đồng (toạ lạc trên đường 3/2, thuộc địa bàn Phường 6) với diện tích khoảng 27.000 m2 để xây dựng trung tâm TDTT.
Hiện thành phố đang hoàn tất các thủ tục pháp lý cũng như tiến hành di dời, giải toả và sẽ bàn giao mặt bằng vào cuối năm 2016. Dự kiến năm 2017 trung tâm sẽ được khởi công xây dựng, ngoài các phòng chức năng còn có sân bóng đá mi-ni (bóng đá 7 người), CLB thể hình, bóng bàn, bi-da, sân bãi dành cho hoạt động thể thao ngoài trời…
“Thuận lợi cho công tác xã hội hoá và nếu có trụ sở ổn định, cơ sở vật chất được đầu tư đúng mức thì không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tập luyện TDTT của người dân địa phương, mà hằng năm nguồn thu từ khoản cho thuê mặt bằng, tổ chức thi đấu thể thao của các đơn vị, doanh nghiệp… Cùng với nguồn kinh phí của Nhà nước cấp, trung tâm đủ sức để phát triển lớn mạnh hơn, hướng tới đào tạo vận động viên năng khiếu để bổ sung cho thể thao thành tích cao của tỉnh”, ông Thang Văn Chiểu nói./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha