ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 20:31:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường chuẩn... "hụt chuẩn"

Báo Cà Mau (CMO) Công nhận trường chuẩn quốc gia đến năm 2020 cần có lộ trình thích hợp cùng với bài toán trường, lớp cũng như việc đánh giá lượng học sinh hằng năm là rất cần thiết.

Bài 2: Nhiều thách thức cho mục tiêu trường đạt chuẩn

Bởi đó là nền tảng, thước đo của việc chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo dạy và học khoa học, hiệu quả. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, quản lý giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý cũng quan trọng không kém. Hoàn thành tốt 2 giải pháp lớn này sẽ là nền tảng để ngành có những bước đi vững chắc, tạo cơ hội bứt phá.

Trang thiết bị dạy học và thực hành không còn sử dụng được của Trường THCS Phú Tân.

Thiếu tiếng nói từ cơ sở
Sở dĩ, nhiều năm qua, việc nhiều trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia ở Cà Mau xuống cấp nghiêm trọng về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy… chưa sớm được khắc phục nguyên nhân phần nhiều là do cơ sở không đề nghị, báo cáo. Trong khi đó, quy định công nhận, công nhận lại đều đã nhấn mạnh, các trường, địa phương sau 5 năm phải tiến hành đề nghị kiểm tra công nhận lại chuẩn quốc gia hoặc công nhận ở mức cao hơn.

Công tác kiểm tra sau công nhận chưa được thực hiện, nguyên nhân phần lớn do các trường sợ "mất chuẩn". Đồng thời, phòng giáo dục và UBND các huyện cũng ngần ngại bởi nếu tiến hành kiểm tra sẽ phải đối mặt với nguy cơ rút hàng loạt bằng công nhận chuẩn quốc gia.

Trong thực tế, hằng năm, các trường trên địa bàn tỉnh đều được chi hỗ trợ sửa chữa cơ sở vật chất. Song, kinh phí chi hỗ trợ chỉ tạm đảm bảo nhu cầu cấp thiết. Đối với các trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, vì có quy định rõ ràng về chuẩn cơ sở vật chất, nên nhất thiết phải đảm bảo nếu thực hiện đúng quy định.

Trao đổi vấn đề này, nhiều lãnh đạo trường học đều dè dặt trước “bệnh thành tích” trong xây dựng và bảo vệ thương hiệu trường chuẩn quốc gia. Để giải thích cho sự thiếu phản hồi theo quy định từ phía nhà trường, cán bộ quản lý nhà trường đều xoay vấn đề về khó khăn của nguồn kinh phí.

“Mình cũng thông cảm và xét thấy kinh phí của huyện còn eo hẹp nên hằng năm chỉ đề nghị kinh phí sửa chữa trường lớp cho nhiệm vụ năm học mới. Còn về đề nghị theo các thông tư trường chuẩn thì trường chưa làm”, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phú Tân trần tình.

Quyền hiệu trưởng Trường THCS Phú Tân Trịnh Hoàng Lân cũng chia sẻ: “Từ khi đảm nhận vai trò cán bộ quản lý, tôi chưa đề xuất bằng văn bản về tình hình kiểm tra, công nhận lại chuẩn quốc gia của trường. Bởi, như hiện nay, khi kiểm tra theo quy định sẽ không còn đảm bảo đạt chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị đồ dùng dạy học”.

Trong khi đó, lại có ý kiến “Trường đợi đầu tư xây dựng nâng chuẩn ở mức độ 2”, thầy Nguyễn Bá Khoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Cái Đôi Vàm cho hay.

Phó trưởng Phòng Giáo dục huyện Phú Tân Bùi Minh Thiệp cho biết thêm nhiều vấn đề khó liên quan đến trường chuẩn: “Hằng năm, phòng đều có báo cáo tổng kết công tác xây dựng trường chuẩn về UBND huyện và ngành giáo dục. Tuy nhiên, thực tế đa phần trường chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện đều chung tình trạng hư hỏng trang thiết bị giảng dạy, học tập và xuống cấp các phòng học, phòng chức năng".

Để sửa chữa đảm bảo điều kiện đạt chuẩn rất cần nhiều kinh phí, trong khi nguồn kinh phí trong xây dựng trường chuẩn quốc gia ở huyện còn hạn hẹp. Phòng chỉ kiến nghị và đề nghị chi kinh phí sửa chữa. Còn việc đề nghị kiểm tra công nhận lại trước giờ chưa tiến hành”.

Đồng quan điểm như trên, ông Lâm Hoàng Nên cho biết thêm: “Trước giờ tỉnh chưa thực hiện kiểm tra công nhận lại trường chuẩn. phần vì thiếu kinh phí, phần vì cơ sở không đề xuất”.

Thách thức lớn từ quy hoạch
Lộ trình ngành giáo dục đề ra, mỗi năm công nhận mới từ 25 đến 30 trường để có được con số thêm 164 trường, đủ đảm bảo có 389 trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2020. Việc này cần nguồn kinh phí rất lớn trên 1.734 tỷ đồng.

Tuy hiện đã xây dựng mạng lưới trường chuẩn ở các địa phương, tạo nên cơ sở, kinh nghiệm cho việc xây dựng trường chuẩn giai đoạn mới. Nhưng, ở mỗi giai đoạn ngành giáo dục đều có những điều chỉnh, mỗi lần điều chỉnh là mỗi lần địa phương phải chạy để đảm bảo các chỉ tiêu.

Hơn nữa, giai đoạn 2026-2020, xây dựng trường chuẩn quốc gia sẽ có thêm sự kết hợp giữa các nguồn kinh phí của các chương trình hỗ trợ giáo dục như: chương trình kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 3; chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học; chương trình phát triển cấp THPT; dự án THCS vùng khó khăn…. cùng với công tác xã hội hoá.

Chiết tính, mỗi trường giai đoạn này để đầu tư đạt chuẩn quốc gia cần khoảng 15 tỷ đồng. Song song đó, ngành cùng tập trung nhiều giải pháp: giảm điểm lẻ, gom học sinh về điểm chính để có điều kiện học tập tốt hơn. Đồng thời ngành cũng khuyến cáo việc xây dựng thêm trường. Nghĩa là phải hạn chế gia tăng số lượng trường học xây dựng mới.

So sánh 2 năm học gần nhất 2015-2016 và 2016-2017 cho thấy, toàn tỉnh giảm 3 trường; tăng 103 lớp; giảm 8.307 học sinh; giảm 801 giáo viên và cán bộ quản lý.

Một khi trường không tăng số lượng thì đội ngũ nhà giáo cũng phải được điều tiết phù hợp, đảm bảo không dôi dư và kinh phí chi cho giáo dục đúng mục đích.

Năm học này, nhiều địa phương đã tổ chức thi tuyển viên chức cho ngành giáo dục nhằm đảm bảo vị trí, việc làm (riêng Cái Nước chưa tổ chức thi). Kết quả, có hơn 800 giáo viên từng đã hợp đồng giảng dạy không trúng tuyển. Họ đã và đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp.

“Giải quyết vấn đề này, tuỳ điều kiện từng địa phương, từng trường tiến hành hợp đồng lại đảm bảo công tác giảng dạy. Tuy nhiên, việc hợp đồng này cũng chỉ đảm bảo một số đối tượng”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Thanh Liêm cho biết thêm.

Việc hợp đồng giảng dạy đã nảy sinh nhiều vấn đề cần tháo gỡ. Trong đó, việc đảm bảo cuộc sống cho đội ngũ giáo viên hợp đồng là hết sức cần thiết. Bởi, theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, việc thực hiện hợp đồng này, nhà trường phải tự chi trả và giáo viên có thể sẽ không có lương trong hè. Và cũng có trường hợp hợp đồng giảng dạy mỗi tháng ký lại một lần.

Thầy Trịnh Hoàng Lân cho biết: “Giáo viên của trường sau khi niêm yết số lớp có 65 người, trong đó có 8 giáo viên hợp đồng. Với mức lương 2,6 triệu đồng/tháng, họ khó có thể đảm bảo trang trải cuộc sống. Mặt khác, khi công việc chưa ổn định thì tâm lý lên lớp sẽ không đảm bảo. Nếu giải quyết không ổn thoả thì chất lượng giảng dạy sẽ vì thế mà tuột dốc”.

Trường hợp của 2 giáo viên Trường Mẫu giáo Phú Tân làm cho ai biết đến cũng xót xa. Từng được nhận giảng dạy 2 năm học, nhưng khi tham gia tuyển biên chế ngành giáo dục thì không đạt. Hai giáo viên Phượng và Oanh chờ mãi đến khi năm học mới sắp bắt đầu cũng không nghe trường hợp mình được hợp đồng lại. Từ đó quyết định “bỏ nghề”.

Chị Oanh chia sẻ, sau khi không còn dạy ở trường, chị lên TP Hồ Chí Minh tìm việc. Giờ chị đã có việc làm mới với tay nghề lao động phổ thông. Mỗi khi nghĩ đến thời gian ở trường, trên lớp, chị cảm thấy nhớ các bé vô cùng.

"Buồn hơn nữa là nhìn lại tấm bằng sư phạm mình đã dày công bao năm, nay lại có công việc người chủ lao động chỉ trả công theo lao động phổ thông. Vì cuộc sống, đành chấp nhận vậy!", chị Oanh xót xa.

Chị Phượng cũng thế, chị lên TP Cà Mau tìm được việc. Không còn giảng dạy và được gọi là cô cũng buồn lắm. Tuy thu nhập có khá hơn so với trước nhưng phải sống xa quê, xa gia đình.

Mỗi năm, trường và lớp học trong tỉnh đều có sự điều chỉnh. Trong khi, lượng giáo viên được đào tạo ở các trường cao đẳng sư phạm và đại học không thể thống kê hết. Nếu tính bài toán giảm giáo viên theo vị trí việc làm và tuổi hưu so với lượng giáo viên mới ra trường thì rất khó giải. Trong khi việc thống kê lượng giáo viên mất việc trong năm học này đến nay vẫn chưa có con số cụ thể.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội Vụ; Thông tư 28/2009 ngày 21/10/2009 của Bộ GDĐT… thì tổng biên chế phải giao cho các đơn vị sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Cà Mau là 17.943 biên chế. Hiện, đã giao 15.336 biên chế (trong đó có 1.575 hợp đồng). So với định mức phê duyệt cần bổ sung thêm 2.577 biên chế nữa mới đảm bảo theo nhu cầu giảng dạy.

Trong khi biên chế đang chờ phê duyệt để bổ sung thì nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành giáo dục không thể đợi. Do vậy, hơn 1.575 giáo viên (thuộc diện chờ bồ sung biên chế theo đề án) phải hợp đồng lao động ngắn hạn. Kinh phí này do các trường tự chi trả. Người lao động không đảm bảo cuộc sống, trong khi đó nhiều trường, nhiều địa phương không đủ kinh phí chi trả như đã diễn ra vào năm 2016.

Bài 1: Bỏ ngỏ công tác kiểm tra sau công nhận

Bài 3: Kiên quyết bảo đảm trường đạt chuẩn quốc gia đúng thực chất

Phong Phú

 

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.