ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 04:51:07
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Trường điểm lẻ - bỏ thì thương, vương thì tội

Báo Cà Mau (CMO) Đến cuối năm 2017, sau khi quyết liệt sắp xếp lại hệ thống trường lớp, Cà Mau đã có bước tiến dài trong việc giải quyết vấn đề điểm lẻ. Thực tế, các điểm lẻ tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, có thời điểm lên đến hàng trăm “vệ tinh”. Cái khó của điểm lẻ đã rõ, nhưng không thể xoá “dứt điểm” theo ý chí chủ quan.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự nhiều lần chia sẻ: “Xu hướng gom điểm lẻ, tập trung nâng chất các điểm chính là tất yếu. Tuy nhiên, ở những nơi thực sự bức xúc vẫn phải duy trì, tạo điều kiện tối đa cho học sinh vùng xa, vùng khó khăn học tập”.

Câu chuyện bỏ thì thương, vương thì tội ngẫm ra vô cùng đúng với các điểm lẻ hiện nay.

Vướng víu đi - ở

Huyện Trần Văn Thời là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất Cà Mau và cũng là nơi có hệ thống điểm lẻ nói nôm na là “phức tạp”.

Ghé Lung Bạ (ấp Lung Bạ, xã Khánh Bình Đông) những ngày cuối năm, ông Trần Hữu Thiện, Trưởng ấp, thông tin: “Điểm Lung Bạ này giờ ọp ẹp quá, mấy đứa nhỏ học tội nghiệp lắm. Huyện có chủ trương dời đi, phụ huynh thì yêu cầu giữ lại, cũng chưa biết tính thế nào nữa”.

Điểm Lung Bạ thuộc trường Tiểu học Lý Tự Trọng, cách điểm chính tầm 3 cây số. Do đã mở hơn 10 năm, có 3 phòng học xuống cấp nghiêm trọng, lượng học sinh ít nên Phòng GD&ĐT Trần Văn Thời đã tham mưu lên UBND huyện tiến hành xoá điểm trường này.

Nhận thấy việc xoá điểm lẻ Lung Bạ là hợp lý nên huyện quyết định gom số học sinh nơi đây về điểm chính. Tuy nhiên, một số phụ huynh ở địa phương lại không nghĩ như vậy, với lý do đường đi cách trở, học sinh còn nhỏ nên làm đơn yêu cầu được giữ lại. Kết cục thì năm học mới này, điểm Lung Bạ vẫn mở 1 lớp với 19 em lớp 1 và “ghép” thêm 5 em mẫu giáo 5 tuổi.

Thầy Lê Văn Nhuận, giáo viên duy nhất của điểm này, cho biết: “Mấy anh thấy đó, trường mùa nước lên là ngập hết, hổng có đường vô, cũng không có sân trường, ngay cả cái bảng tên điểm trường cũng bị hư rồi”. Có 3 phòng thì đóng cửa 1 phòng, còn 1 phòng học và 1 phòng cho phụ huynh... ngồi đợi.

Các em học sinh điểm Lung Bạ phải ghép lớp 1 và lớp mẫu giáo 5 tuổi với 1 giáo viên duy nhất phụ trách.  Ảnh: QUỐC RIN

Trao đổi với Trưởng ấp, ông Thiện quả quyết: “Xuống cấp quá rồi, nên xoá thôi”. Còn đối với nguyện vọng của bà con, ông nói: “Cũng phải vì lợi ích chung, chớ giữ điểm lẻ mà học hành kiểu này biết bao giờ mới khá nổi”.

Thời gian qua, không riêng ở huyện Trần Văn Thời, các địa phương khác đều vướng phải tình trạng gom điểm lẻ nhưng lại vấp phải ý kiến trái chiều từ người dân. Ngành chức năng mong tập trung về điểm chính để nâng chất giáo dục, đầu tư cơ sở vật chất, người dân thì “ngại khó, ngại xa”. Có những nơi trở thành “điểm nóng” và địa phương rất vất vả mới có thể thu xếp được.

Có lần trao đổi với ông Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT, về chuyện này, ông phân tích: “Địa phương kết hợp với nhà trường phải làm rất khéo trong công tác vận động, giải thích. Mình phải cho phụ huynh thấy lợi ích thật sự của việc gom điểm lẻ, không thể làm đột ngột được”.

Trở lại với điểm Lung Bạ, thầy Lê Văn Nhuận băn khoăn: “Anh thấy đó, một lớp mà ghép 2 đối tượng, có mình tôi nên khó khăn lắm”. Dạy và học trong điều kiện thiếu thốn, không đảm bảo nên chất lượng giáo dục cũng khó mà đòi hỏi. Hỏi thầy giáo về ý kiến bản thân, anh bộc bạch: “Nói thiệt chớ cũng nên tính toán mà gom về điểm chính. Đi xa một chút nhưng trường lớp, thầy cô đàng hoàng, chu đáo, cái lợi sẽ lớn hơn. Còn điểm này xuống cấp lắm rồi, hổng bao lâu là hết sử dụng được”. Chưa biết thế nào, nhưng lớp học cứ một bên mẫu giáo, một bên lớp 1, thầy chạy qua, chạy lại để dạy học sinh, thiệt khổ.

Có nên giữ... 

Chưa bàn đến chuyện đúng sai, nhưng tâm lý ngại xa, ngại khó của phụ huynh hiện nay chính là rào cản lớn để ngành giáo dục tiến hành gom ghép điểm lẻ. Dẫu biết rằng lý do người dân đưa ra là chính đáng, nhưng về lâu dài sẽ không ổn.

Hãy thử làm một phép tính, nếu chịu khó đi thêm vài cây số, con em mình sẽ được học hành trong trường lớp khang trang, thầy cô chất lượng, dụng cụ học tập đủ đầy, chất lượng giáo dục đảm bảo. Còn nếu khư khư giữ lấy điểm lẻ chỉ vì đường đi xa, con em còn nhỏ mà trong hoàn cảnh “trống trước, ngập sau”, liệu rằng học sinh có thể phát triển bằng bạn bè trang lứa ở nơi khác? 

Ông Trần Hữu Thiện phụ hoạ thêm: “Lộ làng bây giờ cũng có rồi, chớ đâu phải như hồi trước”. Còn nếu nâng cấp, sửa chữa, đầu tư cho điểm lẻ thì càng bất hợp lý, bởi chỉ vài chục học sinh mà nhà trường, địa phương phải bỏ ra kinh phí lớn trong điều kiện ngân sách hạn hẹp.

Chị Nguyễn Thị Khuyên, một phụ huynh học sinh thì có nguyện vọng: “Dạy ở đây đi, con tôi còn nhỏ quá, gia đình đưa đi xa vất vả lắm”. Do điểm Lung Bạ dạy 1 buổi sáng nên chị Khuyên đi học luôn với con.

Trao đổi với chị nếu về điểm chính sẽ có nhiều cái lợi, chị trả lời tỉnh rụi: “Cũng biết vậy, nhưng mấy chị em ở đây cũng sợ đi xa như tôi vậy đó”. Thì ra yêu cầu giữ điểm lẻ bắt nguồn từ “ở đây ai cũng nghĩ vậy”, mà có xa xôi gì điểm chính cho cam, chỉ gần 3 cây số. Nói rộng ra, địa phương chưa thật sự sâu sát với người dân, công tác vận động và giải thích chưa cặn kẽ, thế nên chủ trương khi thực hiện thì vấp phải ý kiến trái chiều.

Học sinh điểm Lung Bạ đi xuồng tới tận lớp học. Ảnh: QUỐC RIN

Với chị Lê Trúc Ly, việc học hành của con cũng phải đảm bảo yếu tố “gần cho dễ đi”, còn thiếu thốn cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục là “chuyện nhỏ”. Chị cũng theo học với con mình suốt buổi, con học, mẹ đợi, còn nếu giải tán điểm lẻ thì theo lời chị: “Ở đây người ta phản đối dữ lắm à”. Xem ra lộ trình giảm điểm lẻ của ngành giáo dục còn rất gian nan, mà điểm Lung Bạ là một thí dụ sinh động.

Bà Nguyễn Thị Hiền bơi xuồng đưa 2 cháu nội đi học, góp thêm lời: “Mấy chú thấy không, tui mắc bơi xuồng đưa cháu đi học nè, đi học xa quá chắc cho nghỉ hết luôn”. Chặng đường nửa tiếng đến trường của bà cháu cũng là điều mà ngành giáo dục vô cùng “đau đầu”, đúng là bỏ thì thương, mà vương thì tội.

Từ giã điểm trường, mang theo những ánh nhìn ngây thơ của các em học sinh và nỗi băn khoăn hằn lên gương mặt người thầy. Giờ học tan rồi, có em theo mẹ xắn quần lội nước, có em xuống xuồng để phụ huynh chở về nhà. Cái lý lẽ xa - gần ngẫm trong trường hợp này liệu có đúng (?). Rồi cứ đà này, các em sẽ học tập, sẽ phát triển thế nào. Điểm Lung Bạ như một ốc đảo giữa mùa nước lên ở xã Khánh Bình Đông, nó mênh mông và vô định…/.

Phạm Hải Nguyên 

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.