Ngày 19/11/2024, tại Hội trường Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, Hội nghị “Phổ biến các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và tập huấn thực hiện truy xuất nguồn gốc”, do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp cùng Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain tổ chức, diễn ra thành công tốt đẹp.
Toàn cảnh Hội nghị “Phổ biến các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc và
tập huấn thực hiện truy xuất nguồn gốc”.
Hội nghị đã cung cấp cái nhìn toàn diện về hệ thống truy xuất nguồn gốc tại tỉnh, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc ứng công nghệ 4.0, tiêu biểu với Blockchain trong việc gia tăng tính minh bạch và cần thiết phải đáp ứng các yêu cầu về dữ liệu truy xuất và mã truy vết mà tiêu chuẩn quốc gia đã đặt ra.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Hiệp, Giám đốc vận hành Công ty Cổ phần Vietnam Blockchain, trình bày chi tiết về hành trình triển khai và những kết quả nổi bật của dự án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2021-2025”. Trong năm 2024, dự án đã đạt bước tiến đáng kể với việc mở rộng áp dụng truy xuất nguồn gốc cho 20 sản phẩm OCOP mới từ 17 cơ sở sản xuất trên địa bàn TP Cà Mau và 7 huyện. Đặc biệt, hơn 62.000 tem truy xuất nguồn gốc có in mã QR đã được cấp phát hỗ trợ các cơ sở dán lên trên bao bì các sản phẩm trước khi phân phối ra thị trường. Thông qua đây, người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra thông tin chi tiết về nguồn gốc, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm thông qua thao tác quét mã QR đơn giản.
Toàn bộ thông tin sản phẩm sau khi truy xuất được cập nhật và công khai trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau (https://txng.camau.gov.vn/). Giải pháp không chỉ nâng cao độ nhận diện thương hiệu mà còn đảm bảo uy tín sản phẩm, giúp các sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế.
Các cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau trong năm 2024.
Một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao được truy xuất nguồn gốc
Các sản phẩm OCOP tiêu biểu được triển khai truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ Blockchain trong năm 2024.
Bên cạnh việc duy trì hiệu quả hoạt động của hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các doanh nghiệp đã triển khai trong giai đoạn trước, năm 2024, hệ thống tiếp tục mở rộng thêm cho 8 cơ sở sản xuất mới. Trong số này, bao gồm các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tạo cơ sở khẳng định sản phẩm đáp ứng những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, tiêu biểu như:
Sản phẩm Yến sào tinh chế đạt chứng nhận OCOP 3 sao - Công ty TNHH Tư vấn thiết kế và Xây dựng Yến sào Tỷ Vân Yến
Công ty TNHH Tư vấn Thiết Kế và Xây dựng Yến sào Tỷ Vân Yến, một trong những cơ sở sản xuất yến sào uy tín trong khu vực, đã tận dụng lợi thế môi trường sống lý tưởng, không khí trong lành và hệ sinh thái phong phú của huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau để phát triển bền vững nghề "hái vàng trắng" – nuôi và chế biến yến. Bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Công ty cũng không ngừng nâng cao hiệu suất tại cơ sở, cập nhật xu hướng sản xuất mới và trở thành đơn vị cung cấp sản phẩm yến sào chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, việc tham gia vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau cũng là một trong những định hướng phát triển tiên quyết đối với công ty, tạo điều kiện để Yến sào Tỷ Vân Yến nâng cao lợi thế trong nghề chế biến yến tại Năm Căn. Việc áp dụng giải pháp này không chỉ giúp xác định rõ nguồn gốc của tổ yến mà còn bảo đảm sự minh bạch trong tất cả các công đoạn của quy trình sản xuất sản phẩm, kiểm soát vệ sinh trong thu hoạch và vận chuyển, đến các bước chế biến. Toàn bộ quy trình đều được ghi nhận và lưu trữ trên nền tảng công nghệ, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin qua mã QR, từ đó nâng cao uy tín sản phẩm và giá trị thương hiệu.
Sản phẩm Đông trùng hạ thảo đạt chứng nhận OCOP 3 sao - Hộ kinh doanh Hương Quang
Hộ kinh doanh Hương Quang, một trong những đơn vị tiên phong tại TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, đã khẳng định vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực nuôi trồng và sản xuất Đông trùng hạ thảo. Với nỗ lực nghiên cứu không ngừng, cơ sở đã làm chủ quy trình nuôi trồng hiện đại, kết hợp nguồn nguyên liệu quý từ địa phương cùng công thức độc quyền để tạo ra các sản phẩm giàu dưỡng chất, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về chất lượng và kỹ thuật. Các sản phẩm Đông trùng hạ thảo từ Hương Quang không chỉ đạt giá trị dinh dưỡng cao mà còn được các chuyên gia đánh giá là thiết yếu cho sức khoẻ con người.
Không chỉ tập trung vào chất lượng, Hương Quang còn tích cực tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tỉnh Cà Mau, giúp minh bạch hoá quy trình sản xuất và nâng cao sự tin cậy của khách hàng. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR trên bao bì để truy cập thông tin đầy đủ, từ chứng nhận chất lượng, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng đến quy trình nuôi trồng và chế biến. Điều này không chỉ gia tăng trải nghiệm khách hàng mà còn củng cố uy tín thương hiệu của Hương Quang trên thị trường.
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm đã đánh dấu bước tiến vượt bậc của Hương Quang trong hành trình nâng tầm giá trị sản phẩm dược liệu. Thông tin minh bạch trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về công nghệ sản xuất tiên tiến mà cơ sở áp dụng. Đồng thời, đây cũng là động lực thúc đẩy chuyển giao công nghệ, góp phần tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao tại Cà Mau. Mô hình này không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn hướng đến xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Cà Mau đóng góp vào sự phát triển bền vững kinh tế địa phương
Hệ thống truy xuất nguồn gốc tỉnh Cà Mau năm 2024 đã triển khai thành công đối với sản phẩm OCOP tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh. Sau 3 năm hoạt động, hệ thống đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ người dân và các cơ sở sản xuất địa phương. Giải pháp truy xuất nguồn gốc ứng dụng công nghệ Blockchain không chỉ giúp chuẩn hoá quy trình ghi nhận thông tin trong sản xuất mà còn cung cấp công cụ hữu hiệu cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giám sát chất lượng sản phẩm tại các cơ sở sản xuất.
Qua đó, hệ thống góp phần nâng cao uy tín thương hiệu của các sản phẩm chủ lực, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận thông tin sản phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành sản xuất địa phương. Thành công của dự án không chỉ mang lại giá trị cho tỉnh mà còn mở rộng cơ hội đưa sản phẩm địa phương ra thế giới, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Cà Mau.
Tuyết Mỉnh