Âm nhạc không chỉ giúp học sinh vui chơi giải trí sau những giờ học căng thẳng, mà còn giúp các em tự tin, bản lĩnh trong giao tiếp, thuyết trình, hoạt động nhóm hiệu quả… Việc giảng dạy môn âm nhạc mang lại nhiều ý nghĩa thực tiễn, do đó, không chỉ chú trọng đối với học sinh thành thị mà học sinh nông thôn cũng rất cần được quan tâm.
Mỗi cấp bậc học từ mầm non cho đến THPT, phong trào văn nghệ luôn được chú trọng phát triển song song cùng với chương trình học tập. Từ đó, học sinh sẽ năng động hơn, thích thú trong học tập, đặc biệt là khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật. Với từng cấp học, lứa tuổi các em sẽ có cách tiếp cận khác nhau, vì thế, việc phát huy phong trào văn nghệ trong học đường là phương pháp để học sinh được phát triển toàn diện về tri thức.
Giúp học sinh tự tin
“Em rất thích hát và múa. Tuần nào em cũng mong nhanh đến tiết học Âm nhạc để cùng các bạn học những bài hát mình yêu thích”, em Trương Minh Ngọc, học sinh lớp 5A2, Trường Tiểu học 1 Lợi An, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, chia sẻ.
Giờ học Âm nhạc của học sinh vùng nông thôn. |
Ðối với học sinh, tiết học Âm nhạc mang nhiều niềm vui cho các em sau những giờ học tập căng thẳng. Ðối với trẻ mầm non, học sinh tiểu học, thì âm nhạc lại cần chú trọng phát triển hơn. Trong độ tuổi phát triển mạnh về trí não, thể trạng, việc tạo tinh thần thoải mái đối với các em là cần thiết để hướng đến bồi dưỡng và phát triển những năng khiếu sẵn có của từng học sinh. Em Kiều Ngọc Tiền, lớp 5A2, Trường Tiểu học 1 Lợi An, bộc bạch: “Ở trường, cô giáo dạy tụi em múa hát chỉ mỗi tuần có một tiết thôi, nhưng tụi em rất vui. Mỗi lần học tụi em biết nhiều bài hát, nhiều động tác múa và đặc biệt là giúp em tự tin hơn”.
Kinh nghiệm giảng dạy môn Âm nhạc hơn 9 năm qua, cô Trần Kim Ngân, giáo viên Trường Tiểu học 1 Lợi An, cho biết: “Môn Âm nhạc rèn luyện cho các em rất nhiều kỹ năng như giao tiếp, hoạt động nhóm, sự tự tin, đoàn kết tập thể… Qua học nhạc, giáo viên phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu về phong trào văn nghệ”.
Còn khó khăn
Tuy nhiên, khác với học sinh ở thành thị, các em vùng nông thôn không đủ điều kiện để phát triển nhiều kỹ năng, nhất là việc rèn luyện năng khiếu ca hát. Phong trào văn nghệ đối với các em chỉ có những tiết học Âm nhạc ở trường hay hiếm lắm sẽ có được một vài buổi văn nghệ nông thôn do các em tập luyện và trình diễn. Không có sân chơi, những phòng cách âm hiện đại dùng để luyện hát, hay những buổi học thanh nhạc chất lượng.
Cô Ngân cho biết thêm, học sinh vùng nông thôn rất thích thú với môn Âm nhạc, tuy nhiên, điều kiện vùng nông thôn khó khăn, cơ sở vật chất của trường còn thiếu thốn nên môn học này vẫn chưa phát huy hết vai trò của nó. Do điều kiện vùng nông thôn nên việc tập trung các em để tập múa là việc hết sức khó khăn, vì thế, văn nghệ học đường chỉ phát triển chủ yếu thông qua từng tiết học Âm nhạc.
Trường Tiểu học 1 Lợi An có 4 điểm trường, bao gồm 18 phòng học với 432 học sinh. Do trường nằm ở vùng sâu nên điều kiện tiếp cận với phong trào văn nghệ của học sinh cũng phần nào gặp hạn chế. Mặt khác, 4 điểm trường nằm ở các nơi khác nhau nên việc giảng dạy phần nào gây khó khăn cho giáo viên. Hiện nay, phòng học dành riêng cho môn học Âm nhạc đang thiếu. Mỗi khi có điện để học hát với nhạc cụ là một niềm vui lớn đối với các em, chưa kể phòng thì nóng, không gian bàn ghế chật hẹp nhưng các em vẫn vui vẻ hát múa cho đến hết giờ tiết học Âm nhạc.
“Do điều kiện vật chất còn khó khăn nên trường vẫn chưa thể phát huy hết các hoạt động phong trào văn nghệ. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, mến trẻ nên thầy cô nơi đây luôn cố gắng khắc phục để giúp các em có được nhiều phong trào văn nghệ bổ ích”, cô Nguyễn Ngọc Nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học 1 Lợi An, chia sẻ.
Khó khăn về điều kiện nông thôn, thiếu thốn về thiết bị giảng dạy nhưng thầy cô và học sinh nơi đây vẫn cố gắng phát huy tốt phong trào văn nghệ học đường. Thông qua từng tiết học Âm nhạc ở trường, các em có những niềm vui đơn giản ngay chính những khó khăn của vùng nông thôn.
“Thời gian tới, nhà trường rất mong ngành giáo dục có hướng đào tạo, bồi dưỡng thêm chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc. Ðồng thời, lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa để nhà trường có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như tiếp tục phát huy tốt vai trò trong sự nghiệp giáo dục”, cô Ngọc Nhiên mong mỏi.
Văn nghệ là nơi để các em toả sáng với những tài năng và tri thức. Những tiết học Âm nhạc và phong trào văn nghệ học đường mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực giúp học sinh phát triển toàn diện, rèn luyện được nhiều kỹ năng. Học sinh vùng nông thôn rất cần có được sự phát triển đó để các em không cách xa với học sinh nơi thành thị./.
Bài và ảnh: Hằng My