(CMO) “Truyền thông chính sách có mục tiêu hướng đến là con người, phải làm sao để phục vụ lợi ích của Nhân dân, để Nhân dân tham gia, thụ hưởng từ quá trình truyền thông chính sách. Phải đánh giá, nhìn thẳng vào những việc làm được, chưa được, từ đó có những đề xuất về giải pháp cho truyền thông chính sách; thống nhất nhận thức, hành động đúng, hiệu quả, mang lại lợi ích chung cho quốc gia, dân tộc, Nhân dân”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về truyền thông chính sách: Nhận thức - Hành động - Nguồn lực, chiều ngày 24/11.
Đồng chủ trì hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Đồng chí Huỳnh Quốc Việt (bên phải), Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Trần Quốc Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Cà Mau. |
Công tác truyền thông các chủ trương, đường lối, chính sách được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, với phương châm truyền thông luôn phải đi trước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội, kịp thời phát hiện và xử lý hiệu quả đối với những xu hướng thông tin sai lệch bản chất, không có lợi cho sự phát triển của đất nước.
Công tác truyền thông chính sách của nước ta đã được chú trọng và đổi mới, từ “truyền thông nội bộ” tới truyền thông đại chúng. Kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhằm quán triệt hiệu quả, kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng và các nghị quyết Trung ương tới các đảng viên, cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhiều sáng kiến và cách làm mới đã được Trung ương triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Công tác truyền thông về hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng được Quốc hội khóa XV đặc biệt chú trọng, với nhiều đổi mới rõ rệt.
Chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng đã đặt công tác chủ động truyền thông chính sách trong toàn hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương. Công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời là những thông điệp có thể được cảm nhận rất rõ qua những nỗ lực chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Việc kiện toàn bộ máy chỉ đạo các vấn đề lớn của đất nước giờ đây luôn có sự tham gia của lực lượng truyền thông chính sách, với các kế hoạch truyền thông chi tiết, các thông điệp truyền thông cụ thể, dễ nhớ, dễ làm theo, được ban hành trong từng giai đoạn. Có thể nói, công tác truyền thông chính sách của Chính phủ giờ đây đã được nâng lên một tầm cao mới.
Truyền thông xây dựng văn minh đô thị tại thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân. |
Tuy nhiên, bên cạnh rất nhiều thành tựu về truyền thông chính sách thời gian qua, nhiều vấn đề cũng đã nảy sinh. Không gian truyền thông giờ đây phức tạp, đa dạng hơn trước rất nhiều, đặc biệt là từ khi xuất hiện các phương thức truyền thông mới trên không gian mạng, thậm chí có lúc các nguồn thông tin không chính thống có xu hướng lấn át các kênh thông tin chính thống từ cơ quan nhà nước, đòi hỏi chúng ta phải tư duy lại cách thức tổ chức và thực hiện công tác truyền thông chính sách trong tình hình mới, trên cơ sở phát huy ưu thế sẵn có và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để thống nhất lại nhận thức, hành động và nguồn lực cho công tác này.
Một trong những khó khăn của truyền thông chính sách là thiếu đội ngũ truyền thông chính sách chuyên nghiệp. Đại bộ phận các cơ quan đang thiếu bộ phận chuyên trách về truyền thông. Một số Bộ, ngành, địa phương không thành lập cơ quan chuyên trách về truyền thông mà phân giao kiêm nhiệm chức năng này cho bộ phận giúp việc của Văn phòng.
Lực lượng truyền thông cơ sở dù có vai trò quan trọng, song cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhìn chung còn nghèo nàn, hạn chế, chưa đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Máy móc, trang thiết bị tại một số cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện và đài truyền thanh cấp xã được đầu tư từ lâu, đã xuống cấp, thiếu các thiết bị phục vụ tác nghiệp, bất cập so với cường độ hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ nên ảnh hưởng lớn đến hiệu quả tuyên truyền của hệ thống này.
Trong bối cảnh đó, lực lượng báo chí - truyền thông chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương, chính sách, nhưng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của mạng xã hội. Báo chí truyền thống đang gặp khó khăn về nguồn lực đầu tư để thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để sản xuất và đưa nội dung báo chí lên chiếm lĩnh, lan tỏa rộng trên không gian mạng...
Các cơ quan báo chí chính thống vẫn đóng vai trò chủ lực trong truyền thông chính sách. Ảnh: Phóng viên Báo Cà Mau tác nghiệp. |
Tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia về công tác truyền thông chính sách, lắng nghe các ý kiến tham luận, hội nghị nêu lên một số vấn đề cấp thiết liên quan. Đó là cần cấp bách thay đổi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách. Phải có công cụ, phương thức đo lường, đánh giá được hiệu quả truyền thông chính sách qua các phương thức. Nhà nước có chính sách và nguồn lực hỗ trợ các cơ quan báo chí đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để chiếm lĩnh và dẫn dắt thông tin trên không gian mạng, trở thành dòng chảy chính, tích cực để dẫn dắt dư luận, truyền thông chính sách hiệu quả. Cần có cơ chế chính sách và nguồn lực (con người, tài chính, khoa học kỹ thuật...) tương xứng dành cho công tác này.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, công tác truyền thông chính sách cần phải đổi mới, không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bắt đầu từ đội ngũ nhân lực, nguồn lực đầu tư, cơ chế chính sách phù hợp. Truyền thông chính sách cần phải tăng cường hơn nữa vai trò chính thống, thay đổi nhận thức của toàn hệ thống chính trị về truyền thông chính sách, đẩy lùi, phản bác các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Phải lắng nghe ý kiến phản biện của người dân trong việc truyền thông chính sách. Thông qua truyền thông chính sách để đánh giá năng lực thực hiện chính sách của các cấp, các ngành. Không để xảy ra các cuộc khủng hoảng truyền thông. Đánh giá tác động toàn diện của truyền thông chính sách đối với sự phát triển của đất nước để có những ưu tiên về cơ chế, nguồn lực kịp thời trong tình hình mới.
Khẳng định truyền thông chính sách là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, cơ quan báo chí để chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước phải đến được với mọi người dân, với tinh thần “dân là gốc”, Thủ tướng lưu ý: “Công tác truyền thông chính sách phải làm trước, trong, sau khi chính sách ban hành và là kênh để đánh giá về hiệu quả của chính sách. Tạo điều kiện để công dân, doanh nghiệp, đối tượng bị tác động có ý kiến phản hồi về chính sách. Phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm của Nhân dân, doanh nghiệp trong truyền thông về chính sách. Thúc đẩy, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cá nhân, tổ chức và toàn xã hội về truyền thông chính sách. Đặc biệt là vai trò của các cơ quan báo chí trong vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác, đẩy lùi các luận điệu xuyên tạc, sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Truyền thông chính sách luôn luôn chủ động, bám sát vào thực tiễn, tất cả vì lợi ích của quốc gia, dân tộc và Nhân dân”./.
Hải Nguyên