(CMO) Những năm qua, với mục tiêu phát triển ngành thương mại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Cà Mau đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại, đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú, đa dạng của sản xuất và tiêu dùng.
Theo thống kê của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có 7 trung tâm thương mại, siêu thị được đầu tư xây dựng khá hiện đại; 114 cửa hàng tiện lợi với các loại hình kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh; 71 chợ truyền thống; có khoảng hơn 6.300 cơ sở kinh doanh tổng hợp (cơ sở bán lẻ) chuyên kinh doanh các loại thực phẩm, hàng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm, trao đổi hàng hoá phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân địa phương trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 114 cửa hàng tiện lợi với các loại hình kinh doanh tổng hợp, chuyên doanh. |
Ðầu tư hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại
Ðã qua, việc tập trung đầu tư xây dựng, củng cố hạ tầng thương mại trong tỉnh từng bước chuyển biến phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội cùng quá trình hội nhập. Ðồng thời, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng liên quan xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng của ngành như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng lớn... và mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên từng địa bàn, tạo điều kiện cho ngành thương mại phát triển một cách hài hoà, hợp lý.
Hệ thống chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư cả về số lượng và quy mô theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương.
Ông Dương Vũ Nam, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, nhận định: "Hoạt động kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… góp phần tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, hình thành kênh tiêu thụ, trao đổi hàng hoá nông sản, thuỷ sản trong tỉnh; từ đó mang lại một nguồn thu lớn đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Bên cạnh, hoạt động kinh doanh chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đòi hỏi lực lượng lao động lớn mà không cần tay nghề cao, nhờ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại các địa phương.
Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn
Tuy có sự chuyển biến tích cực, song hệ thống hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Hiện toàn tỉnh có gần 60 chợ ở khu vực nông thôn. Hầu hết các chợ nông thôn đều chưa được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, hạ tầng xuống cấp, công tác quy hoạch chưa hợp lý... dẫn đến tình trạng mất an toàn về phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm...
Trong khi đó, đầu tư hạ tầng thương mại ở thành thị, các thị trấn những năm qua có nhiều ưu thế hơn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp. Ngược lại, ở khu vực nông thôn, nhất là những xã nghèo, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư bởi chi phí xây dựng chợ khá lớn, thu hồi vốn lâu dài, cơ chế ưu đãi về đất đai, thuế, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, rõ ràng. Mặt khác, một số địa phương có quy hoạch chợ nhưng chưa bố trí được quỹ đất sạch để mời gọi, đầu tư xây dựng chợ đảm bảo các điều kiện theo quy định... của tiêu chuẩn Việt Nam về chợ kinh doanh thực phẩm.
Ông Dương Vũ Nam chia sẻ, để hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ. Khuyến khích các loại hình kinh doanh hiện đại như trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi, thương mại điện tử…; tăng cường hỗ trợ vốn vay ưu đãi, liên kết thị trường và xúc tiến thương mại; huy động các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Song song đó, để hoàn thành tiêu chí xây dựng mạng lưới chợ nông thôn đạt chuẩn NTM, ngành công thương sẽ tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nguồn vốn địa phương, vốn đóng góp của Nhân dân để đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn. Ðồng thời, tiếp tục công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư và thực hiện công tác xã hội hoá trong xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn./.
Phúc Duy