Theo các bác sĩ chuyên khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, ung thư máu là căn bệnh ác tính, nó khiến cho lượng bạch cầu trong cơ thể con người có thể sẽ tăng vọt lên một cách đột biến, khiến cho cơ thể không thể sản sinh ra các chất đề kháng kịp thời và phản ứng lại với hiện tượng này một cách có hiệu quả.
Sau hơn 6 năm tích cực điều trị căn bệnh ung thư máu cho con (em H.D.M, 17 tuổi, anh H.M.D, ngụ ấp Kênh Chùa, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, cho biết, hiện nay em M vẫn chưa thể hồi phục hoàn toàn, cứ đều đặn mỗi 3 tháng, vợ chồng anh phải đưa con đến Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh để được truyền các kháng thể đơn dòng một lần, nhằm ngăn cản sự phát triển của bệnh. Đây còn được gọi là liệu pháp sinh học.
Một bệnh nhân bị ung thư máu đang được điều dưỡng Khoa Ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau thay dịch truyền.
Anh H.M.D chia sẻ: “Khi còn nhỏ, cơ thể cháu vẫn phát triển bình thường, nhưng đến 10 tuổi thì cháu có các biểu hiện như: da dẻ nhợt nhạt, người luôn cảm thấy mệt mỏi kéo dài và khó thở, cơ thể yếu ớt, thường xuyên bị nhiễm trùng nặng, sụt giảm cân liên tục… Đi thăm khám tại các cơ sở y tế địa phương đều không tìm ra nguyên nhân. Đến khi tôi đưa con đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh, các bác sĩ kết luận con tôi bị ung thư máu”.
Các tài liệu y khoa cho biết, có nhiều dạng ung thư máu khác nhau, phổ biến nhất là dạng bệnh bạch cầu, ung hạch bạch huyết và ung thư tuỷ xương. Nguy hiểm hơn, ung thư máu thường xuất hiện các dấu hiệu để nhận biết khá muộn. Các triệu chứng như sốt, đau đầu, chóng mặt… lại thường bị nhầm lẫn với các căn bệnh thông thường khác. Một số bệnh diễn biến rất nhanh (cấp tính). Các triệu chứng như bị bệnh cúm với các biểu hiện cơ thể mệt mỏi, ốm yếu đột ngột không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng trong nhiều năm (mạn tính). Nói chung, hầu hết những người bị mắc phải căn bệnh ung thư máu chỉ được phát hiện sau khi xét nghiệm máu.
Bệnh nhân bị ung thư được điều dưỡng Khoa ung bướu Bệnh viện Đa khoa Cà Mau tiêm thuốc định kỳ.
Theo bác sĩ Lâm Thuận Hiệp, Trưởng Khoa khám bệnh Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cà Mau: “Bệnh nhân chẳng may mắc phải căn bệnh ung thư máu, nếu tuổi càng trẻ thì tỷ lệ điều trị thành công càng lớn. Thực tế cho thấy, phần lớn trẻ em khi bị ung thư thuộc thể bạch cầu cấp tính, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì hầu hết đều được chữa khỏi. Trong đó, trẻ có độ tuổi từ 3-7 là đối tượng có cơ hội chữa khỏi cao nhất hiện nay. Còn ngược lại, những bệnh nhân ở độ tuổi trưởng thành thì tỷ lệ điều trị thành công chỉ khoảng 40% và còn phải dựa trên nhiều yếu tố có liên quan khác…”.
Việc điều trị ung thư là cả một phát đồ khá tốn kém về tiền bạc, thời gian và cả phương pháp điều trị cũng hết sức phức tạp, ung thư máu lại càng nan giải hơn nhiều, bởi đây là căn bệnh bắt nguồn từ mô tạo máu, như tuỷ xương hoặc từ các tế bào của hệ thống miễn dịch. Việc điều trị hoàn toàn phụ thuộc vào từng giai đoạn và mức độ tiến triển của căn bệnh. Ngoài ra, yếu tố sức khoẻ của bệnh nhân cũng là một trong những vấn đề quyết định mức độ thành công của cả quá trình và mục tiêu điều trị.
Mặc dù hiện nay một số căn bệnh ung thư có thể được khống chế khả năng phát triển nhanh hoặc di căn sang các tế bào khác, nhưng để có thể điều trị thành công hoàn toàn thì rất ít bệnh nhân có được may mắn này, hầu hết đều phải chấp nhận điều trị duy trì trong thời gian dài. Vì vậy, bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị càng sớm, thì cơ hội thành công càng lớn./.
Phương Vũ