(CMO) Văn hoá giao thông (VHGT) được đánh giá là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) và kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Vì vậy, từ năm 2009, vấn đề VHGT đã trở thành tiêu điểm hành động vì ATGT.
Gần 10 năm qua, cụm từ VHGT luôn được nhắc đến trong chủ đề của năm ATGT và được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin, lồng ghép qua các phong trào đoàn thể…, tình hình trật tự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện tại các lỗi vi phạm tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT vẫn còn ở mức cao. Tình trạng thả súc vật ra đường, rơi rớt vật liệu xây dựng xuống mặt đường, khạc nhổ, xả rác khi đang lưu thông, bấm còi inh ỏi khi đang chờ đèn báo giao thông hay trong giờ cao điểm… vẫn xảy ra hằng ngày trên các tuyến đường giao thông.
Nhìn từ nhiều khía cạnh
Tạo thói quen đội nón bảo hiểm cho trẻ em. |
Nếu nói xây dựng VHGT chính là sự thể hiện văn minh của mỗi người tham gia giao thông (TGGT) thì chưa đủ, mà phải nhìn từ nhiều khía cạnh, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, ngay cả những cơ quan chức năng và lực lượng làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT.
Những năm gần đây, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp và mở rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu giao thông khi phương tiện cá nhân cứ tăng lên. Mặt khác, hành lang an toàn đường bộ trên nhiều tuyến tuyến tỉnh lộ, đường liên huyện vẫn còn bị lấn chiếm để bày bán hàng hoá; vỉa hè vẫn còn ngổn ngang, nhất là tình trạng mua bán lấn chiếm và chỉ thông thoáng trong các đợt cao điểm ra quân của lực lượng làm nhiệm vụ.
Nhiều tuyến đường như: Nguyễn Tất Thành, Trần Hưng Đạo (đoạn phía trước cổng phụ Nhà Thiếu nhi), Ngô Quyền… hằng ngày có nhiều xe ô-tô đậu ngay dưới lề đường và nối dài nhau nhưng không thấy lực lượng tuần tra, kiểm soát xử phạt. Bên cạnh đó, quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng làm nhiệm vụ thường tập trung xử lý tốc độ, chở quá tải, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, không đội nón bảo hiểm… mà bỏ qua những lỗi vi phạm như người đi bộ qua đường không đúng vạch quy định, khạc nhổ, xả rác khi đang lưu thông phương tiện…
Những vấn đề nêu trên đều có liên quan đến VHGT.
Hình thành thói quen trong giới trẻ
Theo Thiếu tá Hồng Hoàng Biếu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Cà Mau, ý thức của người TGGT luôn là một câu chuyện mà xã hội quan tâm với những biểu hiện ai cũng thấy trên đường hằng ngày, như phóng nhanh, vượt ẩu, vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại, đi không đúng phần đường quy định, sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn quy định điều khiển phương tiện…, kể cả chống người thi hành công vụ. Đặc biệt, còn có một số thanh - thiếu niên tổ chức đua xe, nẹt pô, gây mất an ninh công cộng và trật tự ATGT.
“Những trường hợp điển hình nêu trên cho thấy sự biểu hiện thiếu VHGT, đó cũng là nguyên nhân của 26 vụ TNGT đường bộ xảy ra những tháng đầu năm nay. Tuy số vụ có giảm so với cùng kỳ nhưng số người chết tăng hơn 100%. Đồng thời, toàn tỉnh cũng đã xảy ra 32 vụ va chạm giao thông, làm bị thương 52 người”, Thiếu tá Hồng Hoàng Biếu thông tin.
Xây dựng VHGT không phải một sớm một chiều là được, bởi thay đổi thói quen cần phải có thời gian mà tuyên truyền, phổ biến thường xuyên và sâu rộng những tiêu chí cơ bản thực hiện VHGT vẫn là mặt công tác chủ đạo.
Tuy nhiên, nhận xét của ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau: “Phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, theo đó người TGGT cũng tăng lên mà thực hiện VHGT là tuỳ vào ý thức trách nhiệm của từng người TGGT và của quần chúng nhân dân. Thế nhưng, thời gian qua, công tác tuyên truyền thực hiện VHGT thường theo phong trào, cao điểm mà thiếu thường xuyên và kết hợp với giáo dục trực tiếp tại từng đơn vị, khu dân cư... để vận động, nâng cao VHGT của cả cộng đồng”.
Vì vậy, VHGT cần được tuyên truyền lồng ghép vào cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, gắn vào tiêu chí bình xét gia đình văn hoá, trong đó cần tập trung tuyên truyền trong thanh - thiếu niên, trẻ em để hình thành thói quen ý thức của giới trẻ xây dựng một nền văn hoá, môi trường giao thông an toàn. Tuy nhiên, tuyên truyền, vận động cần phải đi đôi với nhắc nhở, xử phạt dưới nhiều hình thức. Ngoài mức xử phạt hành chính, người TGGT vi phạm phải được kiểm điểm trước dân (nếu vi phạm nhiều lần), hạ bậc thi đua (nếu là cán bộ, công nhân viên chức), hạ hạnh kiểm (nếu là học sinh)…
Xin nhắc lại, VHGT là phải nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, người TGGT không chỉ vì lợi ích của bản thân mình mà còn phải bảo đảm an toàn cho những người khác. Đồng thời, cư xử có văn hoá khi lưu thông trên đường, ứng xử thân thiện khi có xảy ra va quẹt, TNGT… Trước khi pháp luật có chế tài xử phạt vi phạm VHGT, chúng ta hãy hiểu đúng và cùng nhau xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.
Có ý kiến cho rằng, tỉnh cần có chế độ đãi ngộ, khuyến khích người dân ghi hình người TGGT vi phạm (dĩ nhiên là phải người thật, vi phạm thực tế qua gương mặt, biển số xe…) và cung cấp cho lực lượng chức năng phạt nguội để răn đe. Đồng thời, đó cũng là cơ sở để chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhắc nhở, giáo dục người vi phạm./.
Mỹ Pha