ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 02:49:10
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Về đâu những mô hình thí điểm?

Báo Cà Mau (CMO) Nông dân ở đâu cũng vậy, cứ ám ảnh mãi lựa chọn: nuôi con gì và trồng cây gì? Họ chẳng thiết tha để tìm hiểu những vấn đề định mệnh tiếp theo: làm cái đó như thế nào? Và bán ở đâu?

Trong nỗ lực vực dậy sức mạnh to lớn của nông dân, khái niệm mô hình sản xuất ra đời, kế đó là mô hình thí điểm và nhân rộng mô hình.

Không có thống kê nào chỉ rõ đã có bao nhiêu cái gọi là mô hình, sinh ra, sôi nổi rồi tàn lụi theo một trình tự gần như bất biến. Nông dân Cà Mau cũng không ngoại lệ. Để thử chỉ ra một mô hình có khả năng đáp ứng các tiêu chí: Ứng dụng, nhân rộng, hiệu quả thì thật hiếm. Mô hình ngốn cũng không ít tiền bạc, công sức, sự kỳ vọng của xã hội, nhưng cái thu lại thì quá khiêm tốn.

Nghịch lý mô hình

Có một thực tế mà các nhà quản lý, nhà khoa học ít quan tâm đến, nếu không có mô hình thì bà con nông dân vẫn ngàn đời lao động, vẫn trồng trọt, chăn nuôi. Mô hình chỉ hiệu quả khi người dân tin, làm được, làm hiệu quả và duy trì bền vững. Ấy vậy mà hầu như các mô hình được triển khai ở Cà Mau nói riêng đều theo những lối mòn cứng nhắc: Hoặc là quá mới, quá cao siêu, quá khó ứng dụng; Hoặc là nhàm chán, thiếu sức hút.

Phó chủ tịch UBND xã Hoà Mỹ, huyện Cái Nước Hà Phương Đông cho biết: “Để mô hình sản xuất được nhân rộng thì cần nhiều yếu tố. Trong đó, nông dân phải có hiểu biết, trình độ, sự hợp tác. Thứ hai, mô hình phải đầu tư theo hướng bền vững, có sự kết nối lâu dài”. Tất cả những điều đó khiến xã Hoà Mỹ cứ đau đáu chuyện sinh kế và phát triển kinh tế cho người nông dân.

Mô hình tôm - lúa xen canh rau màu của ông Nguyễn Bé Bảy là gợi ý tham khảo để chính quyền xã Hoà Mỹ tiến hành nhân rộng tại ấp Thị Tường B..

Đơn cử như mô hình thí điểm nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn của Trường Đại học Cần Thơ phối kết hợp với địa phương Cái Nước triển khai tại Hoà Mỹ. Mô hình bắt đầu bằng sự rầm rộ kèm theo nỗi tò mò của người nông dân nơi đây. Hộ nằm trong chương trình thí điểm được đầu tư xây dựng hầm trải bạt, hệ thống quạt, dàn ô xy đáy, kèm theo đó là kỹ sư chuyên ngành cầm tay chỉ việc suốt quá trình nuôi. Vừa thấy được tia sáng le lói, thì đột ngột mô hình thí điểm kết thúc. Còn lại xác mô hình và cơ hồ là biết bao ánh mắt thất thần của người nông dân.

Như lời của ông Hà, khi mô hình thí điểm kết thúc, người nông dân phải tự lo liệu lấy. Nhiều người biến tấu theo kiểu “tam sao thất bản”, còn đa phần bà con chỉ học lóm, làm không bài bản, kết quả là sự biến tướng của mô hình… thành ra mô hình cũng như không có mô hình.

Ông Lê Minh Tặng, một cán bộ về hưu nằm trong chương trình thí điểm mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn kể trên. Qua tâm tình của ông, mới thấy cái khó của việc thực hiện và nhân rộng mô hình của vùng nông thôn Hoà Mỹ. Ông Tặng tâm sự: “Đâu phải bà con nào cũng có đủ điều kiện để làm những mô hình như vậy. Mình không giúp vốn, khoa học, người cầm tay chỉ việc thì còn lâu mới nói tới chuyện nhân rộng”. Ngay ở ấp Cái Bát, nhiều người thấy ông Tặng có mô hình hay, hiệu quả, lân la học hỏi nhưng khi tìm hiểu kỹ, họ lắc đầu: “Cái này lu bu quá, tốn kém quá, sức tui chắc làm không nổi”. Mô hình sinh ra vì mục đích gì để người dân dù thòm thèm nhưng cũng phải ngao ngán chối từ.

Ông Lê Minh Tặng đang kiểm tra quá trình lên men vi sinh, xử lý ao dèo tôm theo phương pháp 2 giai đoạn. Theo ông Tặng, nhiều bà con ở ấp Cái Bát dù muốn làm nhưng chưa đủ điều kiện để thực hiện mô hình.

Ngay ở khâu đầu tiên, đó là giúp bà con nông dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, sản xuất khoa học, có năng suất đã rất rối. Thế nên, việc liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản là câu chuyện chưa thể bàn đến. Đúng là nông thôn Cà Mau, trong đó có đời sống của người nông dân đã cải thiện hết sức tích cực, song chất chứa trong đó vẫn là những lo lắng, day dứt mà chưa ai có thể giúp họ tháo gỡ. Còn một điều nữa, mô hình cứ sinh ra rồi trôi nổi, không người nuôi nấng thế kia, liệu rằng có làm mai một lòng tin của người nông dân? Đến chừng mực nào đó, người nông dân sẽ chỉ tin và làm theo cách của mình. Liệu rằng mô hình có trở nên xa lạ và trở thành nỗi ám ảnh của người nông dân, khác hoàn toàn với mục đích và kỳ vọng ban đầu của nó.

Mô hình “ăn chắc mặc bền”

"Ăn chắc mặc bền" là lựa chọn được truyền từ đời này sang đời khác của người nông dân. Nó bao hàm sự an toàn, ít rủi ro, phù hợp với điều kiện và quan trọng nhất là khỏi cần đổi mới thói quen. Xã Hoà Mỹ xây dựng mô hình cũng dựa vào những phân tích rất kỹ lưỡng thói quen, nếp nghĩ, cách làm của người nông dân. Đại để tên của mô hình là tôm - lúa, đa cây đa con trên cùng diện tích… Tìm về nhà ông Nguyễn Bé Bảy, ấp Thị Tường B, hộ nông dân quyết không từ bỏ cây lúa dù đất đai đã chuyển dịch ngót 20 năm, ông nói: “Trồng lúa trên đất nuôi tôm lợi nhiều lắm. Nếu kẹt tôm chết mình cũng còn ít lúa dí trong bồ để ăn. Con tôm có thêm môi trường sống sạch, có nguồn thức ăn”.

Ông Bảy làm lúa trên vuông tôm khi trúng, khi thất, nhưng được bà con lân cận đánh giá “cái này thì hạp quá trời rồi còn gì”. Từ ông Bảy và vài hộ lân cận, xã Hoà Mỹ tham mưu cấp trên, hình thành mô hình tôm - lúa, thí điểm trên 10 hộ của Thị Tường B. Tưởng gì cao siêu chớ trồng lúa, nuôi tôm bà con làm ngon ơ. Có vụ tôm, mỗi đêm ông Bảy bán năm bảy chục ký tôm sú cỡ bự. Bà con nhiều người trầm trồ, ấy vậy mà lạ, họ cứ ngạc nhiên mà vẫn cứ để vuông tôm trống huơ, trống hoác. Ông Bảy kể, mình tình thiệt, hỏi họ sao không mần thử, có người trả lời, ông trong mô hình được hỗ trợ lúa giống, phân bón, tụi tôi mần thì bỏ tiền nhà ra à? Ông Bảy chỉ cười rồi nói bâng quơ: “Chớ mấy ông trúng lúa, trúng tôm thì có ai vô ăn ké đâu”.

Ông Trần Văn Dũng đúc kết: “Ông bà mần sao, mình mần vậy”. Cơ ngơi mà ông gầy dựng được quả thật rất đáng khâm phục.

Chẳng cần nghiên cứu, học hỏi hay hỗ trợ từ mô hình thí điểm, ông  Trần Văn Dũng cũng sống khoẻ re với phương châm: “Hồi đó ông bà mần sao, mình mần vậy”. Khuôn viên khu vườn hơn 3 công, ông lên liếp trồng “hằm bà lằn”, chuối, xoài, ổi, mít, mãng cầu, dưa gang, rau màu. Mùa nào thức ấy, sáng sáng vợ ông Dũng mang mấy cặp đệm cây nhà lá vườn ngồi ven quốc lộ bán cho khách qua lại. Mỗi ngày ít thì hơn trăm ngàn, nhiều thì vài trăm, cứ thế cuộc đời bình thản trôi. Khi được hỏi, sao mình không mở rộng mô hình, “mần ăn lớn” hơn, ông Dũng cười nhe hàm răng còn mấy chiếc: “Già rồi, hết sức mần con ơi. Mình ăn chắc mặc bền cho khoẻ”.

Đúng là làm như ông Dũng thì khoẻ re, chẳng có rủi ro nào, nhưng nghĩ tới nông dân bên Nhật, nông dân bên Tây thì vẫn có cái cảm giác nghẹn bứ, tồi tội. Ai không muốn giàu, có lẽ muốn nhất là người nông dân. Nhưng họ sợ, khi đi ra biển lớn không người dẫn dắt, không phao cứu sinh, thân cô, thế cô thì đi chỉ có đường thiệt thân.

Trở lại với câu chuyện mô hình, đừng tưởng người nông dân thấy khó quá mà không làm được, vấn đề cốt lõi là có đủ sức thuyết phục để họ làm hay không mà thôi. Mô hình có thể không mới, có thể không quy mô, nhưng cái cần nhất là phù hợp, đúng và trúng với điều kiện, tâm tư nguyện vọng của người nông dân. Cần sự dẫn dắt tiên phong, một chỗ dựa, một người bạn đồng hành lâu dài, một cam kết bền vững. Tất cả những yếu tố đó thì hầu hết các mô hình hiện nay đang thiếu. Rồi mô hình sẽ về đâu khi sớm nở tối tàn trong ánh mắt ngờ vực của người nông dân?./.

Phạm Hải Nguyên

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.