ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 22-10-24 12:34:38
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vì ánh mắt trẻ thơ

Báo Cà Mau Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Ngô Thanh Tân, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau, cho biết, bệnh lác (lé), sụp mí ở trẻ em, nếu không phát hiện sớm, điều trị kịp thời đều gây nên tình trạng nhược thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, thậm chí dẫn đến mù loà. Trẻ bị mắt lé, sụp mí thường tự ti, ngại giao tiếp vì diện mạo của mình.

Vừa qua, Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cùng đoàn y, bác sĩ là các chuyên gia đến từ các bệnh viện TP Hồ Chí Minh, tổ chức khám sàng lọc sụp mí, lé cho trẻ dưới 16 tuổi trên địa bàn tỉnh. Ðây là hoạt động nằm trong Dự án Tiếp cận toàn diện để cải thiện thị lực tại tỉnh Cà Mau, do Quỹ Chăm sóc mắt Hà Lan tài trợ.

Qua 2 ngày khám sàng lọc cho 180 trẻ, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cho 42 trẻ (lé: 23 trẻ; sụp mí: 19 trẻ). Dự kiến sẽ tiến hành phẫu thuật từ ngày 22-24/6 tới đây, do các chuyên gia đến từ Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Nhi Ðồng 1, Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh trực tiếp tiến hành phẫu thuật tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, hoàn toàn miễn phí.

Bác sĩ Trần Thị Kim Ngân, Ðại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, kiểm tra thị lực cho trẻ.

“Ðây cũng là lần đầu tiên chương trình thực hiện tại Cà Mau, với lượt khám sàng lọc đông hơn dự kiến. Việc khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí tại tỉnh, sau đó là tái khám cũng tại tỉnh, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, mà còn kịp thời phát hiện, điều trị kịp thời các bệnh về mắt cho trẻ. Có thể thấy, chương trình mang tính nhân văn sâu sắc, giúp trẻ phục hồi thị lực, tìm lại niềm vui và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ðối với những trẻ không có chỉ định phẫu thuật cũng sẽ được tư vấn tỉ mỉ cách thức chăm sóc, theo dõi tại nhà, hoặc cắt kính để cân bằng thị lực”, Bác sĩ Ngô Thanh Tân thông tin. 

Ðáng lo ngại là, qua khám sàng lọc phát hiện rất nhiều trường hợp bị lé, sụp mí bẩm sinh nhưng không được phát hiện sớm. Cụ thể, trong số 180 trẻ được khám sàng lọc đợt này có nhiều em trên 16 tuổi, đây là điều đáng tiếc, vì bệnh đã ảnh hưởng nhiều đến thị lực, trong khi với bệnh lý này có khi chỉ cần đeo kính cho trẻ đã có thể điều chỉnh được.

Kiểm tra thị lực cho trẻ để có phương pháp điều trị phù hợp.

Theo các chuyên gia, hiện tượng bị lé ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, điều trị muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực, vì có tới 70% trẻ bị lé có kèm theo các tật khúc xạ. Bệnh lý sụp mí mắt thường gặp ở trẻ em, làm giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt.

Như trường hợp bé Nguyễn Thảo Ngân (huyện Cái Nước), 6 tuổi, bị lé 2 mắt. Chị Hồ Thanh Em, mẹ bé, chia sẻ: “Khi sinh ra đã nhận thấy ánh nhìn con không ngay, nhưng nghĩ là khi lớn con sẽ khỏi, song càng lớn tình trạng càng nhiều. Tôi có đưa bé đi khám ở bệnh viện huyện, lên tỉnh, nhưng khi đó kiểm tra, thị lực bé tốt nên nghĩ đợi bé lớn hơn chút đưa bé đi tuyến trên điều trị dứt hẳn. Nay được bác sĩ khám, tư vấn mới biết điều trị càng sớm càng tốt cho con”.

Chị Trần Mộng Cầm (Phường 5, TP Cà Mau) bày tỏ: “Hồi mới sinh, thấy con bình thường, lớn dần mới thấy rõ con bị lé. Tôi có đi khám cho con, được chẩn đoán lé kim, chưa đeo kính vì có thể tập điều chỉnh cho con tại nhà. Nhưng đến khi con học lớp 2, thấy mắt con lệch nhiều hơn, sợ con tự ti với bạn bè nên tôi cũng dự định sẽ đưa con đi TP Hồ Chí Minh khám. May mắn là có bác sĩ trên đó về Cà Mau khám miễn phí, gia đình tôi mừng vì đỡ chi phí, mong con có được ánh nhìn bình thường như bạn bè, và có đôi mắt sáng”.

Ðối với chị Nguyễn Bích Tuyền (huyện U Minh) canh cánh nỗi lo khác, khi tình trạng sụp mí mắt của con ngày càng rõ hơn, trong khi con chỉ mới 36 tháng tuổi. Chị cho biết, lúc nhỏ mắt con bình thường, gia đình mới phát hiện 2 mí mắt bé bị sụp gần đây. “Con còn nhỏ quá, sợ ảnh hưởng thị lực của con. Con gái đẹp nhất đôi mắt, chỉ mong con có đôi mắt khoẻ”, chị Tuyền bộc bạch.

Chị Nguyễn Bích Tuyền an tâm hơn khi đưa con gái đến khám sàng lọc kịp thời, được các bác sĩ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp bởi bệnh sụp mí của con gái chưa ảnh hưởng đến thị lực.

“Việc phát hiện, điều trị sớm rất quan trọng. Khi trẻ đã lớn, các can thiệp có thể giúp đôi mắt nhìn vẻ ngoài trở lại bình thường, nhưng chức năng thị lực khó cải thiện. Do đó, cha mẹ cần quan tâm, quan sát con. Khi thấy mắt con nhìn không thẳng, nhìn lệch trong hoặc ngoài; hoặc nhìn thấy một bên mắt trẻ bị sa xuống thấp hơn bên kia, hoặc cả 2 mắt bị sa xuống thì nên cho đi khám sớm nhất có thể để tránh nhược thị”, Bác sĩ Ngô Thanh Tân khuyến nghị.

 Bệnh lý mắt lé phát hiện kịp thời, có khi chỉ cần đeo kính cho trẻ đã có thể điều chỉnh được.

Theo Bác sĩ Tân, không phải tất cả các trường hợp lé, sụp mí đều cần phẫu thuật, nhưng việc thăm khám định kỳ và theo dõi sát sẽ giúp trẻ tránh khỏi những biến chứng toàn thân và tại mắt. Còn phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất để cải thiện tình trạng lé, sụp mí. Hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật chỉnh sụp mí, như: phẫu thuật cắt ngắn cơ nâng mí, phẫu thuật treo cơ trán... Bác sĩ sẽ đánh giá tuỳ tình trạng bệnh nhân, độ tuổi, để quyết định thời điểm và phương pháp điều trị phù hợp cho trẻ.

Chương trình khám sàng lọc, phẫu thuật miễn phí được tiến hành ngay thời điểm trẻ vừa nghỉ hè là điều kiện tốt nhất cho trẻ nghỉ ngơi, phục hồi để năm học mới 2024-2025 trẻ sẽ có đôi mắt sáng, đẹp, tự tin đến trường./.

 

Băng Thanh

 

Cho đôi mắt sáng học đường

Bà Lương Thị Quỳnh Lan, Trưởng đại diện Tổ chức ECF tại Việt Nam, cho biết, Cà Mau là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của Việt Nam được ECF thực hiện nghiên cứu về tỷ lệ tật khúc xạ ở độ tuổi từ 15-25. Đây là độ tuổi các em đã tiếp cận nhiều với điện thoại, máy vi tính, các thiết bị điện tử; áp lực thức khuya học tập, lao động, tham gia giao thông…

Cà Mau mong muốn Tổ chức ECF Hà Lan hỗ trợ thành lập Đơn nguyên Mắt nhi khoa tại Bệnh viện Mắt - Da liễu Cà Mau

Sáng nay (17/10), Phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau Trần Quang Khoá có buổi làm việc và trao đổi về phương hướng, chiến lược các hoạt động, chương trình, dự án chăm sóc mắt với Tổ chức ECF (Eye Care Foundation) Hà Lan tại Bệnh viện Mắt - Da Liễu Cà Mau.

Đoàn thầy thuốc Hội Nam y tỉnh Cà Mau khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Sáng nay (17/10), Đoàn thầy thuốc thuộc Hội Nam y tỉnh Cà Mau tổ chức khám chữa bệnh tại chùa Hưng Nhơn, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước.

Ngày Sức khỏe Tâm thần thế giới 10/10/2024: Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc

Từ năm 1992, ngày 10/10 hằng năm được Liên đoàn Sức khỏe Tâm thần thế giới lựa chọn là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới (World Mental Health Day), nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần. Năm 2024, chủ đề được chọn để phát động là “Ưu tiên sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc”. Chủ đề này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe tâm thần của người lao động, mối quan hệ giữa sức khỏe tâm thần và công việc, mục tiêu để người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức quan tâm ưu tiên chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần cho người lao động tại nơi làm việc.

Ăn uống lành mạnh ngăn ngừa ung thư

Thực phẩm không chỉ có tác dụng nuôi sống cơ thể, bổ sung năng lượng để duy trì hoạt động thể chất, mà một số loại còn có tác dụng khá tốt trong việc ổn định các chỉ số về đường huyết, tim mạch, ngăn ngừa loãng xương, kiểm soát cân nặng, tăng sức đề kháng, thậm chí còn có tác dụng ức chế các tế bào ung thư hình thành, phát triển.

Lựa chọn thực phẩm trong mùa mưa bão

Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn, mùa mưa bão năm nay diễn biến phức tạp và có thể sẽ còn kéo dài cho đến hết tháng 12. Do đó, việc lựa chọn thực phẩm an toàn vệ sinh, đảm bảo chất lượng dinh dưỡng để có thể sử dụng được lâu dài trong những ngày thời tiết mưa gió cực đoan là rất quan trọng đối với những chị em phụ nữ đảm nhận việc nội trợ trong gia đình.

Khánh Hoà mong chờ trạm y tế mới

Ðược hoàn thành, đưa vào sử dụng từ năm 2006 và đã qua vài lần nâng cấp, sửa chữa, đến nay, cơ sở vật chất của Trạm Y tế xã Khánh Hoà (huyện U Minh) đã xuống cấp, trang thiết bị y tế lỗi thời. Hiện y, bác sĩ và người dân trên địa bàn xã đang mong chờ Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch để triển khai xây dựng trạm y tế mới.

Chủ động kiểm soát dịch bệnh

Năm học mới đã bắt đầu hơn 1 tháng, tuy nhiên thời điểm này thời tiết mưa nắng bất thường, là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, đe doạ đến sức khoẻ của học sinh. Trên địa bàn TP Cà Mau, dịch bệnh sởi có chiều hướng gia tăng ở một số xã, phường nên công tác phòng, chống dịch đang được các địa phương tích cực quan tâm.

Người dân chủ động tiêm chủng phòng bệnh sốt xuất huyết

Tháng 5/2024, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng vắc-xin phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH) do Hãng dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất tại Đức. Đây là vắc-xin SXH đầu tiên được phê duyệt tại Việt Nam. Là đối tác chiến lược toàn diện với Takeda, từ ngày 20/9 vừa qua, Hệ thống tiêm chủng VNVC đã triển khai dịch vụ tiêm vắc-xin SXH cho người dân, tại gần 200 trung tâm tiêm chủng của VNVC trên toàn quốc, trong đó có VNVC Cà Mau.

Cách làm hay của trạm y tế vùng sâu

Trạm Y tế xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân đã có cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH).