“Thời điểm cuối là đến ngày 20/11 năm nay, tất cả các địa phương ven biển phải xử lý cho được tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép), sẽ có kiểm tra, giám sát và chịu trách nhiệm trước Chính phủ”, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo kiên quyết tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh ven biển ĐBSCL về chống khai thác IUU, sáng 17/10 tại Cà Mau. Cùng dự buổi làm việc có Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Thành Ngại.
- Chống khai thác IUU - nhiệm vụ quan trọng cấp bách và lâu dài
- Tuân thủ quy định về IUU: Bảo vệ mình, bảo vệ nghề
- Mở cao điểm chống khai thác IUU
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại buổi họp với các tỉnh, thành ven biển trong thực hiện chống khai thác IUU.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, sau 7 năm thực hiện theo khuyến cáo của EC về IUU cho thấy, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp; việc quy định về đăng ký, cấp giấy phép khai thác thuỷ sản vẫn chưa hoàn thành; công tác theo dõi, kiểm soát và giám sát hoạt động tàu cá trên biển, xuất nhập bến, ra vào cảng tại nhiều địa phương còn chưa thực hiện nghiêm túc theo quy định và sản lượng thuỷ sản khai thác được giám sát phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc đạt tỷ lệ thấp.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm túc trong thực thi công vụ, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU được giao; một bộ phận ngư dân vì lợi ích kinh tế cá nhân cố tình dùng mọi thủ đoạn để khai thác bất hợp pháp…
“Công tác thực thi pháp luật, xử phạt các hành vi khai thác IUU nếu không có sự tiến bộ, đặc biệt là để tàu cá tiếp tục khai thác bất hợp pháp, vi phạm vùng biển các nước sẽ rất khó thuyết phục để phía EC gỡ cảnh báo thẻ vàng cho Việt Nam tại đợt thanh tra lần thứ 5 tới đây”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, việc kiểm soát tàu cá còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ quyết tâm làm hiệu quả, dứt điểm trong thời gian tới, đảm bảo theo quy định pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế.
Lãnh đạo các đơn vị, các địa phương phát biểu tại buổi làm việc đều thể hiện quyết tâm trong thực hiện các giải pháp giám sát tàu cá chặt chẽ hơn nữa thời gian tới, nhất là đối với nhóm tàu “3 không”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, thực hiện theo IUU là việc làm không phải chỉ để đối phó, mà là đảm bảo mục tiêu vì người dân phát triển trong khai thác thuỷ sản, vì quốc phòng - an ninh trên biển được giữ vững, đảm bảo.
Phó thủ tướng nhận định, hiện nay chúng ta còn nhiều tồn tại, lúng túng trong thực hiện chống IUU, đó là chưa kiểm soát được thiết bị giám sát, phương tiện, con người hoạt động khai thác trên biển.
Phó thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thuỷ sản.
Từ kinh nghiệm từ xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu từ Cà Mau trong quản lý tàu cá, yêu cầu triển khai rộng khắp cho 28 tỉnh, thành phố ven biển, tích hợp đến các cơ quan chức năng để thực hiện tốt hơn trong quản lý chặt, giám sát hiệu quả tàu cá. Trước 30/10 phải có cơ sở dữ liệu dùng chung giữa các lược lượng chấp pháp trên biển và các đơn vị, địa phương ven biển về quản lý tàu cá.
Các lực lượng chấp pháp trên biển phải được giao nhiệm vụ rõ ràng trong quản lý tàu cá, đặc biệt là vai trò của Bộ đội biên phòng trong quản lý, giám sát việc ra, vào tại tất cả các cửa biển.
Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia phát biểu tại buổi làm việc, trong đó nhấn mạnh việc gắn kiểm soát tàu cá với đảm bảo quốc phòng - an ninh trên biển.
Phó thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường phối hợp trong việc xử lý những vụ việc liên quan đến khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, tạo tính răn đe, nghiêm khắc, đúng theo quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, nhất là trách nhiệm chính của thuyền trưởng, đúng người, đúng tội. Bộ NN&PTNT xem xét quy trình kiểm định, cấp phép tàu cá theo yêu cầu khả thi, thiết thực, khoa học nhằm tăng cường năng lực. Giao Bộ quốc phòng nâng cao tính hiệu quả thiết bị giám sát hành trình và cung cấp miễn phí thiết bị cho tàu cá theo quy định, xem đây là tài sản quốc gia, mọi vi phạm phải được xử lý theo quy định pháp luật.
Giao cho lực lượng kiểm ngư chủ trì, phối hợp cùng các lực lượng mở tháng cao điểm kiểm tra, kiểm soát triệt để tất cả các tàu cá trên biển, đặc biệt là tàu “3 không”, nhóm tàu có nguy cơ cao khai thác vi phạm. Cùng với đó, trên bờ, chính quyền địa phương chỉ đạo lực lượng chủ công là công an rà soát, kiểm tra lại toàn bộ tàu cá xoá đăng ký, giám sát chặt, thông tin đầy đủ…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử tham gia phát biểu tại buổi làm việc, trong đó nêu lên những kết quả giám sát tàu cá thông qua các phầm mềm quản lý liên thông.
“Khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, chúng ta phải quyết tâm thực hiện, cái nào mang tính cấp bách thì phải làm ngay, làm triệt để, làm quyết liệt; vấn đề nào cần quy hoạch và phát triển thì phải có tầm nhìn quy hoạch, phát triển hiệu quả, bền vững hơn trong tương lai với vai trò và trách nhiệm cao nhất”, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Trần Nguyên