Sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), chủ trì Hội nghị trực tuyến đến các tỉnh, thành ven biển, nhằm nắm thông tin về công tác chuẩn bị đón đoàn công tác của EC sang kiểm tra về IUU lần thứ 4.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về IUU, phát biểu chỉ đạo tại buổi họp rà soát công tác chuẩn bị các điều kiện đón đoàn công tác EC sang kiểm tra IUU lần thứ 4.
Theo kế hoạch, dự kiến đoàn kiểm tra IUU của EC sẽ sang Việt Nam từ ngày 10/10. Đoàn sẽ có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo IUU Việt Nam; các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, như: Cục Kiểm ngư, Cục Thú y, Cục Thuỷ sản và các cơ quan liên quan; kiểm tra thực tế tại một số địa phương nhằm đánh giá kết quả triển khai các khuyến nghị của EC tại thông báo “Cảnh báo thẻ vàng” của EC ngày 23/10/2017, trong đó tập trung vào kiểm tra các khuyến nghị của Đoàn sau chuyến thanh tra lần 3 vào tháng 10/2022 để đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “Thẻ vàng” đối với sản phẩm thuỷ sản khai thác của Việt Nam.
Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác kiểm soát tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, kiểm soát tàu cá ra vào cảng và hoạt động trên biển, kiểm soát nguyên liệu nhập khẩu, và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Hoàng Vũ chủ trì điểm cầu Cà Mau tham gia Hội nghị trực tuyến với Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU, đến nay, Việt Nam đã đạt được sự thống nhất nhận thức cao và hành động quyết liệt trong tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp, đạt sự đồng thuận của toàn xã hội. Việt Nam đã xây dựng được khung pháp lý toàn diện, đầy đủ về quản lý nghề cá và chống khai thác IUU. Công tác quản lý tàu cá đã chuyển biến một cách rõ rệt, truy xuất nguồn gốc thuỷ sản đã được thực hiện, kiểm soát theo chuỗi từ khâu kiểm soát sản lượng qua cảng đến cấp chứng thư xuất khẩu và kiểm soát nguyên liệu tại các nhà máy chế biến. Đáng chú ý, các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2015 đến nay đã giảm rõ rệt. Đến nay, tàu cá vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý đã giảm 84,35% so với năm 2016.
Việt Nam nhận thức trong thực hiện IUU không chỉ để xuất khẩu sang EU mà còn giúp phát triển ngành nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, giữ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, xác định vấn đề thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU cũng là cơ hội cho ngành khai thác thuỷ sản chuyển đổi từ nghề cá truyền thống, quy mô nhỏ, nhiệt đới, đa nghề, đa loài sang quản lý một nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững. Theo đó, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp thuỷ sản đã tích cực vào cuộc và thực tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm minh, nhất là đối với các phương tiện mất kết nối tín hiệu giám sát, khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Thời gian qua, Vùng Cảnh sát biển 4 luôn tích cực, kết hợp chặt các địa phương trong vùng biển Tây Nam về tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân trong thực hiện các khuyến nghị của EC về IUU.
Tại cuộc họp, Cà Mau được điển hình trong xử lý tàu mất kết nối. Tỉnh luôn giữ mức 100% tàu cá đang hoạt động được đánh dấu, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; cập nhật đầy đủ 100% dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VN-Fishbase và Hệ thống giám sát tàu cá...
Qua rà soát các điều kiện, Việt Nam sẵn sàng đón đoàn công tác EC sang kiểm tra về IUU. Phát biểu tại buổi họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu công khai, minh bạch và thực tế các nội dung liên quan để đoàn công tác có cái nhìn thực tế, thấy được sự nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện IUU, từ đó đồng thuận, giúp đỡ, cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi trong khai thác và xuất khẩu hàng hoá, kết nối cung cầu để cùng hội nhập, phát triển./.
Trần Nguyên