ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 29-4-25 12:25:58
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Vịt chạy đồng

Báo Cà Mau (CMO) Mỗi khi trời trở bấc, lúa ngoài đồng chín ửng, tụi con nít xóm nghèo giữa cánh đồng Bang Cang - Láng Cháy quê tôi đứa nào cũng náo nức đợi mùa vịt chạy đồng. Hồi đó, cả xóm Bang Cang mọi nhà đều như nhau. Ruộng chỉ cấy lúa mùa, thường là Một bụi hoặc Trắng lùn, Tài nguyên. Những hộ khấm khá hơn chút thì cấy kèm nửa công nếp để năm sau làm bánh cho mấy đám giỗ.

Khi lúa ngoài đồng đồng loạt được gặt và cộ về nhà, cánh đồng mênh mông trơ trọi với đám rạ khô giòn rụm, là lúc tụi con nít chúng tôi bắt đầu "hành nghề" mót lúa. Mỗi mùa mót lúa đứa nào cũng kiếm được mấy táo, đứa chịu khó có khi được vài giạ. Bữa nào may mắn thì mót dính bó lúa chủ ruộng gom sót là mừng như trúng số. Những bông lúa sau khi mót được đem về đập ra phơi rồi bán cho bạn hàng sáo lấy tiền sắm đồ Tết. Nhưng đâu dễ ăn, đi mót lúa vừa phải tranh nhau “xí” những khoảnh ruộng mới gặt, còn chưa kể phải tranh với lũ vịt mới lên đồng.

Nghề nuôi vịt chạy đồng giờ không còn phổ biến trên những cánh đồng ở Cà Mau như trước nữa; thay vào đó, hộ dân chỉ thả nuôi vài trăm con tại vườn, ruộng nhà. (Ảnh chụp tại xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời). Ảnh Trần Tuấn.

Nghe má tôi nói, đó là vịt của mấy ông Chà Và ở xứ Hồng Ngự, Tháp Mười, Châu Đốc, được chiếc ghe bự chảng chở qua. Họ hỏi mấy ông cán bộ ở ấp để được lùa vịt lên đồng ăn những bông lúa, hạt lúa còn sót lại ngoài đồng sau mùa gặt. Nghe có đối thủ cạnh tranh, con nít tụi tôi đăm quạu. Nhưng, nghe hù Chà Và là đứa nào đứa nấy sợ đến xanh lè mặt mày, sởn hết gai óc. Mỗi bận đi mót lúa, nhìn xa xa thấy cây cờ của mấy anh, mấy chú chăn vịt là phải né hướng khác. Nếu không mà lọt vô khu vịt đang kêu kháp, kháp rang đồng thì hết hồn vía. Dấu hiệu đầu tiên là vướng “bãi mìn” ướt xèm xẹp, lạnh ngắt bàn chân.

Thằng Cuông là đứa lanh nhất đám con nít. Nó cũng bằng tuổi tôi nhưng được cái chuyện gì nó cũng rành sáu câu vọng cổ. Từ nhấp cá, giăng lưới, mót lúa cho tới chuyện gài bẫy vịt đồng, bắt vịt lạc và đi mót trứng vịt. Nghe nó rủ rê mà chưa đứa nào tin. Nhưng sau mấy ngày, thấy nó "làm ăn" hiệu quả thiệt nên theo.

Kệ! Sợ gì. Thì theo nó, đi càng xa mót được nhiều lúa. Biết đâu lượm được một vài bó, hay có thêm vài trứng vịt, lỡ may lượm được con vịt lạc, vịt đèo thì lời công gấp mấy lần.

- Tụi bây tưởng chuyện bắt vịt lạc dễ như đi mót lúa sao? - Thằng Cuông bực bội khi nghe tụi tôi bàn về món lời dễ ợt ấy.

Chạng vạng tối, nó dẫn đầu đám trẻ năm đứa rồi vác cây vá, cán dài cả thước, cái guốc bằng cùm tay đi thẳng ra giữa đồng. Thằng Cuông nói: “Hôm qua mấy ông Chà Và nhậu với ba tao, hỏi để mai lùa bầy vịt qua ruộng nhà tao ăn lúa đổ. Giờ tụi mình đào một cái hố, sâu chừng tới lưng quần, miệng rộng bằng chiều dài cán vá, thể nào lũ vịt cũng sụp hầm. Mà tao nhắc cho tụi bây nhớ, được bao nhiêu cũng cấm khoe”.

- Giờ thì tao đào cục nào, tụi bây bưng cục đó đem rải ra đều giữa ruộng để khỏi bị phát hiện - thằng Cuông ra lệnh.

Vậy là cả nhóm xúm tay, một thằng đào bốn thằng ôm, tới trăng ló dạng mới xong cái hầm. Trên đường về, chợt có đứa hỏi: “Thằng nào nhớ chỗ cái hố hồi nãy không?”. Cả nhóm nhìn ngoái lại phía ruộng, đâu cũng gốc rạ biết đường đâu mà lần! Thằng Cuông lên giọng: “Mai trở ra, năm thằng dang hàng ngang đi giáp miếng ruộng nhà tao thể nào cũng gặp!”.

Bữa sau, y như kế hoạch, tụi con nít thu được ba con vịt lạc. Thằng Cuông bày kế lấy cọng rạ khô xỏ lỗ mũi để con vịt không kêu rần lên, kẻo chủ phát hiện thì nguy. Mà nó la sao nổi khi cả một ngày lọt dưới hầm kêu thảm và kiệt sức vì khát nước. Khi tụi con nít tới miệng hầm thì ba con vịt chỉ thều thào: Khạp! Khạp! Không còn sức kháng cự. Tối đó, năm thằng đánh chén no nê hết một con với món đầy sáng tạo: móc đất sét ở bờ mương liếp vườn đắp quanh con vịt rồi ủ rơm đốt nướng sáng cả vùng trời.

Cái mùi vịt nướng theo kiểu “ăn mày” của tụi con nít vậy mà ngon khó tả. Cục đất khét đen, cứng ngắc, khi bẻ ra, lông vịt trôi tuốt, từ đó toả ra hương thơm lừng khó cưỡng. Hai con còn lại thằng Cuông đem dìa mần chuyện đại sự của nó. Cứ thế, hết đào hầm bắt vịt lạc, thì đi mót lúa vòng quanh những khu rào vịt để tìm trứng đẻ sót, tụi con nít xứ tôi ngày ấy lấy đó làm trò tiêu khiển mùa giáp Tết

Nghe bác Hai nói, “coi cái nghề ăn bờ, ngủ bụi vậy mà công phu dữ lắm”. Vịt chạy đồng của mấy ông Chà Và khôn lắm. Lên đồng lạ xứ nào, chỉ cần một, hai người giữ là răm rắp cả bầy mấy thiên (mấy ngàn), cả muôn (mười ngàn con). Đàn nào vô đàn nấy, không có sự lung tung lộn chuồng, nhập bầy. Còn chủ vịt thì mỗi người một bí kíp làm dấu đàn vịt để dễ quản lý: khi thì sơn nách, sơn đầu, người xẻ chân... Vịt ham mồi chú tâm ăn, nhưng nghe huýt sáo, hay chủ gọi là “trả lời” liền bằng thứ ngôn ngữ riêng vang vang cả cánh đồng.

Mỗi ngày, lũ vịt ăn hăng nhất vào hai buổi sáng, chiều. Còn xế trưa là lúc nó nghỉ nắng, chủ vịt lùa về đoạn sông hay ao nước rộng để chúng tắm. Đêm thì về chuồng. Chuồng nhốt cả muôn vịt đơn giản chỉ là mành lưới cao tới đầu gối, căng vòng tròn cả công đất. Rồi người ta độn mớ ủ bằng rơm hay gốc rạ hoặc lá chuối khô để vịt xúm vào đó mà đẻ trứng. Cái loài thiệt ngộ, ban ngày thì kiếm ăn mải miết, đêm về thì đẻ trứng. Cũng có con đẻ muộn, nên tới lúc lên đồng ăn, hoặc khi tắm nó mới rớt trứng.

Tờ mờ sáng, nghe lũ vịt kêu rần rần là biết lúc đó mấy chú Chà Và vô chuồng lượm trứng. Vịt gì mắn đẻ dễ sợ, trứng nào trứng nấy trắng phau phau, đều y hệt nhau như được nặn từ một cỗ máy. Ngày nào cũng vậy, mặt trời vừa nhú lên phía cánh đồng là họ đã chở xuồng trứng mang ra chợ bán hết. Bác Hai nói, đó là loại vịt cò, vịt rằn, thấy nó nhỏ nhưng là loại siêu trứng. Không như loại vịt nhà nuôi toàn vịt xiêm với siêu thịt, mỗi con chỉ đẻ hơn mười trứng một đợt là ngưng để ấp.

Người nuôi vịt chạy đồng suốt một năm phiêu dạt. Hễ cánh đồng nào lúa chín là họ tìm đến hỏi. Gần thì lùa vịt lội sang, xa thì xuống ghe. Di chuyển riết dần quen, lũ vịt mỗi khi “hành quân” cũng hàng lối thẳng tắp, từng lượt xuống ghe trật tự. Theo vịt, người thì ngủ ghe, người che lều bạt ngoài đồng kế bên chuồng mà ngủ. Gặp cơn dông đêm cuối mùa thì phải ngồi chịu trận tới sáng. Một chuyến chăn vịt có khi hơn cả năm họ mới về quê. Khi vịt đẻ không còn rộ nữa cũng là lúc họ rã bầy (bán lại cho người địa phương hay bán vịt ăn thịt, thường tính theo đầu con mà không cân ký). Lỡ xui rủi, vịt bị bệnh, thuốc thang không kịp là trắng tay.

Bẵng đi lâu lắm, mùa vịt chạy đồng và cả tiếng kháp, kháp rang trời của cả ngàn con vịt vang vang phía ruộng tưởng đã vụt quên trong ký ức. Ai mà ngờ, khi sực nhớ thì nghề ấy đã trở thành một nỗi nhớ mênh mông, mang nét đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Cuộc đời nuôi vịt chạy đồng thấy vậy cũng lắm gian nan. Nhiều khi liên tưởng như nghề du mục của người Mông Cổ ở thảo nguyên vô tận.

Bữa nhắn hỏi, mới hay thằng Cuông giờ đã làm chủ chiếc máy cuốc đất. Nó lại đi rong ruổi khắp nẻo quê hành nghề đào ao, đắp bờ, kê liếp. Thì mỗi đứa một phận. Phần tôi, xa quê bôn ba gần nửa đời người, nhưng vẫn nguyên cái gốc nông dân, lúc nào cũng thương nhớ đồng quê. Lắm dịp bạn bè đồng nghiệp gặp nhau, mời nhau cốc bia, đầy đủ món cao lương, mỹ vị, nhưng tìm mãi cũng không gặp lại mùi vị của con vịt lạc đắp đất nướng rơm ở bờ ao năm nào...

 

Phong Phú

 

Giáo dục Cà Mau trưởng thành từ gian khó

Những năm đầu sau giải phóng, ngành giáo dục Cà Mau đối mặt với muôn vàn thiếu thốn: cơ sở vật chất tạm bợ, phòng học tranh tre, giáo cụ gần như không có, sách vở khan hiếm; đội ngũ giáo viên vừa thiếu về số lượng, vừa hạn chế về chuyên môn. Với tinh thần “Tất cả vì sự nghiệp trồng người”, cán bộ quản lý và giáo viên toàn tỉnh đã không ngừng nỗ lực, bám trụ với nghề bằng sự kiên trì, tâm huyết và niềm tin vào tương lai con em quê hương.

Tận lực chăm sóc sức khoẻ Nhân dân

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà, cũng như ngành y cả nước, hệ thống y tế Cà Mau qua từng năm đã có những bước phát triển nổi bật. Nhiều cơ sở y tế tại địa phương đã làm chủ những kỹ thuật chuyên sâu; y tế cơ sở, y tế cộng đồng không ngừng được chú trọng đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ y yế ngày càng cao của người dân.

Wonder English Center Chính Thức Khai Trương tại Cà Mau, Cam Kết Phát Triển Toàn Diện Theo Mô Hình "3 Gốc"

Cà Mau – Ngày 18/04/2025, lúc 9 giờ 30 phút, Trung tâm Anh ngữ Wonder (Wonder English Center) đã long trọng tổ chức Lễ Khai trương tại địa chỉ C3A, Khu Trung tâm Hành chính Chính trị (Nội khu Mường Thanh), Phường 9, TP. Cà Mau. Sự kiện đánh dấu bước chân chính thức của Wonder vào lĩnh vực giáo dục tại địa phương, mang theo tâm huyết kiến tạo một môi trường học tập không chỉ chuyên sâu về ngoại ngữ mà còn hướng đến sự phát triển con người toàn diện.

Khơi gợi tình yêu với sách

Sách có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, sách chứa đựng tri thức của nhân loại, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Trải qua hàng ngàn năm từ khi sách được viết, in trên lá, tre, trúc, vải lụa, ngày nay, ngoài xuất bản trên chất liệu giấy, với xu hướng trong kỷ nguyên mới, sách còn được phát triển ở dạng điện tử e-book... Tuy vậy, dù tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào, sách vẫn có vai trò quan trọng.

Cuối tháng 5 sẽ hoàn thành xoá nhà tạm

Với quyết tâm cao, huyện Ðầm Dơi triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến cuối tháng 5 này hoàn thành xoá 698 nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Bàn giao nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh”

Trong sinh khí nô nức thi đua của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích cao nhất kỷ niệm 50 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chiều ngày 22/4, Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh tổ chức lễ bàn giao nhà “Nghĩa tình Cựu chiến binh” thay lời tri ân và nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, uống nước nhớ nguồn, một nghĩa cử cao đẹp của dân tộc ta.

Xuôi dòng Gành Hào

Sông Gành Hào bắt nguồn từ trung tâm TP Cà Mau tại ngã ba sông với kênh Quản lộ Phụng Hiệp và Tắc Thủ (còn gọi là ngã ba Chùa Bà). Ðây là con sông dài, ngoằn ngoèo, có nhiều chi lưu, qua nhiều địa phương và một mạch chảy ra biển Ðông.

Xung kích, tình nguyện giúp dân xoá nhà tạm

Qua rà soát, trên địa bàn huyện Cái Nước có tổng số 363 hộ gia đình được thụ hưởng nhà ở theo Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát (Chương trình), trong đó có 275 căn xây mới và số còn lại hỗ trợ sửa chữa. Ðoàn bộ và tuổi trẻ huyện đã tích cực góp sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở nhằm giúp hộ nghèo, cận nghèo nhanh chóng có nơi ăn chốn ở ổn định, an tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.

“Bữa sáng 0 đồng” ấm tình giáo xứ

Người lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn tại xã Tắc Vân (TP Cà Mau) như được tiếp sức cho một ngày làm việc cực nhọc với bữa ăn sáng ngon miệng do Giáo xứ Tắc Vân phục vụ.

Nuôi dưỡng tình yêu tri thức qua trang sách

Nhằm khơi dậy niềm say mê đọc sách và tạo điều kiện để học sinh tiểu học được tiếp cận tri thức từ sớm, ngành giáo dục huyện Cái Nước đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hoá thư viện học đường. Những tủ sách thân thiện, với số lượng đầu sách phong phú, sinh động, không chỉ mang lại niềm vui trong học tập mà còn mở ra thế giới tưởng tượng kỳ diệu, nuôi dưỡng tình yêu tri thức trong tâm hồn trẻ nhỏ.