(CMO) Với đặc thù là xã ven biển, xuất phát điểm thấp, Khánh Hội gặp nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng NTM. Điển hình, năm 2019 được huyện U Minh chọn là xã điểm về đích NTM nhưng Khánh Hội không thực hiện được. Với quyết tâm và nhiều bứt phá, Khánh Hội đạt được thành quả đáng ghi nhận, hoàn thành 17/19 tiêu chí, sẵn sàng về đích NTM trong năm nay.
Giảm nghèo hiệu quả
Phó bí thư Đảng uỷ xã Khánh Hội Châu Minh Đảm cho biết, hộ nghèo là tiêu chí khó nhất đối với xã khi số lượng người dân di cư tự do từ địa phương khác đến đây sinh sống nhiều. Họ không có đất sản xuất, phụ thuộc hoàn toàn việc đi biển hay làm công cho các cơ sở thu mua thuỷ hải sản, đời sống bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cứ thế gia tăng. “Đảng uỷ phân công Mặt trận và các đoàn thể giúp đỡ từng hộ nghèo, tranh thủ mọi nguồn hỗ trợ, như nhà ở, vốn sản xuất, con giống, kể cả định hướng sản xuất cho từng hộ nghèo. Xã tận dụng triệt để lợi thế có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa bàn, từ việc giải quyết việc làm cho người dân đến vận động xã hội hoá, để các doanh nghiệp ở địa phương góp phần vào công tác giảm nghèo cho Khánh Hội”, ông Đảm cho biết. Hiện tại xã chỉ còn 2,8% hộ nghèo (tương đương 108 hộ).
Hộ ông Phan Hoàng Nhật (Ấp 8) là một trong những hộ dân tích cực đóng góp xây dựng NTM ở xã Khánh Hội bằng việc trồng cây xanh khắc chữ đẹp mắt. |
Hộ anh Nguyễn Tấn Kiệt (Ấp 8, xã Khánh Hội) trước đây là hộ nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, con nhỏ lại đang tuổi ăn học, đẩy cuộc sống gia đình anh vào hoàn cảnh khó khăn. Thu nhập hàng ngày không đủ nuôi 5 người, căn nhà lụp xụp, hư hỏng nặng, nhiều năm không có điều kiện sửa chữa. Năm 2018, xã hỗ trợ gia đình anh 50 triệu đồng, cùng với số vốn của gia đình anh xây dựng căn nhà kiên cố. Anh Kiệt chia sẻ: “Có được căn nhà vợ chồng tôi có thêm động lực làm kinh tế, quyết tâm cố gắng làm ăn vươn lên để không còn là gánh nặng cho địa phương”.
Anh Kiệt hàng ngày đi biển đánh bắt, vợ thì may đồ kiếm thêm thu nhập tích góp mua thêm đất sản xuất. Đất vườn trước đây trồng lúa, chuối, vợ chồng anh mạnh dạn cải tạo đất trồng thử giống cây sa pô, bơ, kết quả hơn mong đợi. Anh Kiệt phấn khởi: “Tôi đã thu hoạch được 1 vụ sa pô, trừ hết chi phí, thu nhập cao hơn trồng lúa nhiều lắm. Bơ thì hết năm nay sẽ cho trái, đang phát triển tốt. Sau 2 năm thoát nghèo, cuộc sống gia đình tôi đã thật sự ổn định, không còn lo nghèo nữa”.
Nhiều nông dân ở xã Khánh Hội chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái giúp họ có thu nhập cao hơn và góp phần phát triển kinh tế ở địa phương. Hộ chị Lê Thị Nỉ (Ấp 8, xã Khánh Hội) là một điển hình. Với 2 ha đất trồng lúa, trước đây vì mất mùa, rớt giá, thu nhập bấp bênh vợ chồng chị mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, lên liếp thay cây lúa bằng táo xanh, kết hợp nuôi cá đồng.
Chị Nỉ cho hay: “Trồng táo mỗi năm thu hoạch 2 vụ, những lúc vào mùa tôi có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày, thu nhập cao hơn nhiều so với lúc trồng lúa, lại không nặng công chăm sóc. Ngoài ra, tôi nuôi thêm cá rô, cá lóc bán hàng ngày trong khi chờ đợi vụ táo”. Lấy ngắn nuôi dài, cứ thế mỗi năm vợ chồng chị thu về trên 200 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Anh Đảm cho biết: "Hiện tại diện tích đất chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ăn trái khoảng 50 ha, số lượng chưa nhiều nhưng dự tính thời gian tới sẽ tăng. Tuy nhiên, để tránh làm ào ạt, chúng tôi sẽ hướng cho bà con làm theo khu vực, nơi nào lúa, nơi nào trồng cây lâu năm để đảm bảo hiệu quả lâu dài".
Phát huy sức dân
Tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân khởi sắc, bộ mặt xã Khánh Hội không ngừng thay đổi tích cực. Biểu hiện qua từng đường làng ngõ xóm, lộ giao thông rộng rãi. Với sự góp sức của người dân, những tuyến đường hoa thẳng tắp đua nhau nở rộ nối dài, trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ, thông thoáng.
Ông Phan Hoàng Nhật (Ấp 8, xã Khánh Hội) là một trong những hộ tiên phong trong việc xây dựng NTM ở địa phương. Ngoài việc tăng gia lao động sản xuất góp phần cho sự phát triển kinh tế địa phương, ông còn tích cực trồng cây, hoa tạo hàng rào cây xanh. Đặc biệt, ông còn tỉ mỉ khắc thành chữ mang nhiều ý nghĩa, đẹp mắt.
Trước cửa vào nhà ông là hàng chữ “Xây dựng NTM” nối dài được “viết” bằng cây xanh, 2 bên hoa mười giờ, quỳnh anh, vạn thọ đua nhau nở, khoe sắc. Ông Nhật chia sẻ: “Mất hơn 1 năm để tôi có thể khắc được hàng chữ này. Mỗi ngày vợ chồng tôi đều dành ít thời gian tỉa tót lại dòng chữ và làm cỏ dại. Mình trồng, vừa làm đẹp cho cảnh quang xung quanh nhà, vừa góp phần xây dựng NTM thì còn gì ý nghĩa hơn”.
Hiện tại Khánh Hội còn 2 tiêu chí chưa đạt, là trường học và điện, địa phương tiếp tục nỗ lực để sớm về đích. Xã có 4 trường từ cấp mầm non đến THCS, ngoài Trường Tiểu học Kim Đồng vừa được công nhận chuẩn quốc gia, để đạt tiêu chí trường học cần đầu tư xây dựng thêm ít nhất 2 trường đạt chuẩn. Đến nay đã xây dựng hoàn thành Trường THCS Lý Tự Trọng, đang triển khai xây dựng thêm Trường Mầm non Bông Hồng để sớm hoàn thành tiêu chí này.
Về tiêu chí điện, hiện tại đã được 96,38% (chỉ còn 73 hộ sử dụng điện chia hơi) xã đang phối hợp với ngành điện lực thực hiện đảm bảo an toàn sử dụng điện và hỗ trợ cho những hộ còn khó khăn để đạt được tiêu chí này trong thời gian sớm nhất.
Ông Đảm cho biết: “Sẽ tiếp tục rà soát, duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt, đồng thời tranh thủ hoàn thành các tiêu chí còn lại để có thể về đích sớm nhất. Đồng thời định hướng mục tiêu phát triển kinh tế biển, hướng đến đô thị loại 5, quy hoạch từng khu vực, tạo khu lấn biển, tạo đai rừng phát triển du lịch…, cố gắng đưa Khánh Hội trở thành nơi thu hút du khách”./.
Phương Thảo