Cùng chủ động, trách nhiệm tham gia phòng, chống thiên tai được xem là biện pháp tốt nhất để giảm nhẹ mức độ thiệt hại khi có thiên tai xảy ra, nhất là trong xu thế biến đổi khí hậu đang tác động nhanh, mạnh, khiến các hiện tượng thời tiết, thiên tai ngày càng khốc liệt, dị thường. Chính vì vậy, việc xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai càng trở nên cấp bách.
Những năm gần đây, dù tỉnh đã chủ động nhiều biện pháp trong phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại, nhưng những thiệt hại về kinh tế lẫn con người do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra vẫn rất nặng nề. Nếu trong năm 2022, thiên tai gây thiệt hại hơn 36,9 tỷ đồng và làm 1 người chết, 1 người bị thương, thì sang năm 2023, mức độ thiệt hại về tài sản do thiên tai ước tính hơn 52 tỷ đồng, 1 người chết, 1 người mất tích, 6 người bị thương. Riêng từ đầu năm đến nay, có 1 người mất tích và thiệt hại hơn 31 tỷ đồng do tác động của thiên tai.
Thực tế này cho thấy các loại hình thiên tai là không thể né tránh mà chỉ có thể thích ứng bằng những biện pháp hạn chế, giảm nhẹ thiệt hại. Một trong những giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai chính là phát huy sức mạnh cộng đồng. Mỗi người dân cần chủ động bằng những hành động, việc làm cụ thể, trước tiên là bảo vệ tính mạng, tài sản của mình, sau đó là bảo vệ mọi người xung quanh.
Tổ chức sản xuất thuận thiên theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn là giải pháp giảm thiệt hại.
Ông Phan Mộng Thành, Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, nhận định: "Nhìn vào con số thiệt hại hằng năm cho thấy hậu quả do thiên tai gây ra ngày càng khắc nghiệt. Do đó, việc nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động trong toàn dân là giải pháp quan trọng để giảm nhẹ thiệt hại. Ðặc biệt, ngành chức năng, các địa phương cần tập trung biện pháp tuyên truyền để người dân ý thức được mức độ tác động của thiên tai, từ đó có biện pháp bảo vệ tài sản, cũng như nâng cao trách nhiệm cùng với toàn xã hội chung sức ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai".
Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương hằng năm phải chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là ngập úng, hạn hán, thiếu nước và sụt lún đất. Mùa khô vừa qua, toàn huyện có đến 138 tuyến đường bị sạt lở, sụt lún với chiều dài hơn 19 km, ước thiệt hại hơn 28 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thế Châu, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cho biết: "Việc rà soát, kiện toàn lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đã và đang được triển khai để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết. Ngoài ra, huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng".
Vận hành hệ thống cống bơm nước chống ngập vùng lúa xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời.
Những thiệt hại mà thiên tai gây ra xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, trong đó không thể loại trừ yếu tố đến từ sự chủ quan, xem nhẹ tác động tiêu cực từ thiên nhiên của một bộ phận người dân. Nhiều trường hợp dù đã được cảnh báo trước, nhưng vẫn không làm theo hướng dẫn, khiến hậu quả khôn lường. Cụ thể là vẫn còn không ít hộ dân làm nhà ở giáp bờ sông, nơi có nguy cơ sạt lở hay ngoài đê...
Trong năm 2023, các đơn vị chức năng đã phát hiện 26 trường hợp người dân vi phạm hành lang đê điều, đã vận động trả lại hiện trạng 6 trường hợp, còn 20 trường hợp chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục vận động.
Bên cạnh những nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, chương trình hỗ trợ của các dự án quốc tế, quỹ Phòng, chống thiên tai là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân và các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thiên tai. Ðóng góp quỹ Phòng, chống thiên tai là thể hiện rõ nhất ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai. Tuy nhiên, thời gian qua, việc huy động nguồn lực xã hội này trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn, cho thấy mục tiêu toàn xã hội chung sức ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, đạt hiệu quả chưa cao.
Theo ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, nhiều địa phương được giao chỉ tiêu thu quỹ trong dự toán cao, nhưng thực tế thu đạt rất thấp, chưa đến 10% và địa phương thu cao nhất cũng chỉ đạt 50,9%. Ðã qua chỉ thu đủ đối với cán bộ, công chức, viên chức, còn lại các thành phần khác thì thu rất hạn chế. Ðến thời điểm hiện tại, nguồn quỹ còn lại chỉ hơn 3,6 tỷ đồng, trong khi đang bước vào mùa mưa bão, cần nguồn lực rất lớn.
Ðể bảo vệ một bộ phận người dân tại vùng bị sạt lở đất, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai, tỉnh đã triển khai nhiều dự án tái định cư. Ðến nay, các địa phương đã làm thủ tục, quy trình cấp nền cho 2.017 hộ, trong đó có 1.925 hộ đã vào các khu tái định cư cất nhà, đảm bảo ổn định chỗ ở, an toàn về tài sản, tính mạng trước các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Mùa mưa bão đang tới gần, để giảm thiểu thiệt hại, ông Vũ cho biết thêm: "Tỉnh đã xây dựng phương án ứng phó cho từng loại hình thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các địa phương cần tiến hành rà soát, cập nhật chính xác từng loại hình thiên tai mà địa bàn mình khả năng cao xảy ra, từ đó tổ chức lực lượng cụ thể, ai tham gia làm công việc gì, cũng như trang thiết bị hiện có phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai".
Thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, trái quy luật, do đó, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, ý thức phòng ngừa của người dân đóng vai trò quan trọng... Người dân cần chủ động, cảnh giác cao để ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại, tiến tới xây dựng cộng đồng an toàn./.
Nguyễn Phú