ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 27-7-24 06:36:29
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Xử lý cán bộ, đảng viên để nợ quá hạn

Báo Cà Mau (CMO) Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội. Ðặc biệt, sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong tỉnh, sự kiên trì, quyết tâm, phát huy nội lực của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, việc triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chuyển biến tích cực.

Ông Nguyễn Thanh Ðồng, Phó giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau, đánh giá: “Công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách, chất lượng hoạt động uỷ thác và hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện. Từ đó, góp phần đem lại hiệu quả giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh”.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ngọc Hiển phối hợp với các hội, đoàn thể kiểm tra việc sử dụng vốn tín dụng của người dân trên địa bàn.

Theo kết quả thống kê, tính đến nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh thực hiện đạt tổng dư nợ 3.803 tỷ đồng, tăng 233,4 tỷ đồng (tăng 6,54% so đầu năm). Tỷ lệ giải ngân đạt 85% kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng Trung ương và địa phương giao năm 2023. Với 131.067 khách hàng còn dư nợ, nợ quá hạn 14,4 tỷ đồng (tỷ lệ 0,38%), giảm 1,1 tỷ đồng và nợ khoanh 234,8 tỷ đồng (tỷ lệ 6,17%), tăng 3,5 tỷ đồng so đầu năm.

Về xếp loại chất lượng hoạt động, Chi nhánh NHCSXH tỉnh xếp loại tốt, cấp huyện có 9/9 đơn vị xếp loại tốt, cấp xã có 100/101 đơn vị xếp loại tốt và 1 đơn vị xếp loại khá (Phường 9, TP Cà Mau).

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Thanh Ðồng cho hay: “Một số nơi các cấp, các ngành chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa kiên quyết chỉ đạo xử lý thu hồi nợ tồn đọng. Nhiều trường hợp hộ vay là đảng viên, cán bộ, hội viên, hộ có khả năng nhưng cố tình không trả nợ (chây ỳ), lãi tồn đọng nhiều. Mặc dù đã được các tổ, hội, cán bộ ngân hàng vận động, đôn đốc rất nhiều lần, thậm chí UBND xã, phường, thị trấn mời nhiều lần nhưng không chấp hành giấy mời; hoặc cam kết trả nợ nhưng cố tình không thực hiện... Từ đó, đã tạo sự lây lan, ỷ lại dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thu hồi nợ, lãi, làm ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn”.

Qua rà soát phân tích, có tổng số 982 hộ vay là đảng viên, cán bộ, hội viên có lãi tồn đọng, nợ quá hạn. Trong đó, 27 hộ là đảng viên, 9 hộ là cán bộ và 946 hộ là hội viên thuộc 4 hội đoàn thể: Hội Nông dân (285 hộ), Hội Liên hiệp Phụ nữ (301 hộ), Hội Cựu chiến binh (174 hộ), Ðoàn Thanh niên (186 hộ).

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có ý kiến chỉ đạo chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau thường xuyên quan tâm, tăng cường chỉ đạo công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn quản lý; quán triệt tinh thần cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi vay vốn tín dụng chính sách xã hội.

Ðồng thời, phối hợp với Chi nhánh NHCSXH tỉnh nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc quản lý, xử lý nợ tồn đọng. Cương quyết xử lý những trường hợp hộ vay không chấp hành trả nợ theo quy định. Rà soát, tham mưu đề xuất huyện uỷ, thành uỷ có ý kiến, xử lý dứt điểm các trường hợp cán bộ, đảng viên để nợ vay quá hạn, lãi tồn đọng tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

 Đã qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chuyển biến tích cực. (Ảnh chụp tại Phường 1, TP Cà Mau).

Ðối với hội, đoàn thể nhận uỷ thác cấp tỉnh, cần chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất cấp uỷ, chính quyền địa phương chỉ đạo kiên quyết xử lý, thu hồi nợ đối với các hội viên, hộ vay có nợ tồn đọng, chây ỳ tại các tổ, hội, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm hộ vay thực hiện tốt việc vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích và nghĩa vụ trả nợ, trả lãi theo thoả thuận, cam kết; thu hồi bảo tồn đồng vốn, hiệu quả cho vay quay vòng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị có liên quan quan tâm chỉ đạo, phối hợp xử lý, đôn đốc và kiên quyết xử lý thu hồi dứt điểm, kiểm điểm phê bình trách nhiệm cán bộ, đảng viên, hội viên đơn vị để nợ tồn đọng, chây ỳ tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu thành viên Ban Ðại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH các cấp tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm, quan tâm công tác kiểm tra giám sát, tập trung chỉ đạo xử lý các đơn vị có chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế, có cán bộ, đảng viên, hội viên để nợ chây ỳ.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh thường xuyên rà soát, phân tích nợ và kịp thời cung cấp thông tin cho các đơn vị liên quan nắm để chỉ đạo thực hiện. Chủ động phối hợp, theo dõi và chỉ đạo bám sát địa bàn, thực hiện tốt các chỉ tiêu đề án củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng./.

 

Hồng Nhung

 

Cầu nối lan toả tín dụng chính sách

Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) là ngân hàng duy nhất thực hiện uỷ thác vốn tín dụng chính sách cho các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các hội, đoàn thể, đặc biệt là thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), thời gian qua nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân kịp thời, thuận lợi, hiệu quả.

Dòng tiền “không ngủ”

Những năm gần đây, thị trường tài chính toàn cầu đã chứng kiến sự xuất hiện và phát triển mạnh mẽ của tính năng “sinh lời tự động”. Ðây là một trong những sản phẩm tài chính nổi bật được các ngân hàng và tổ chức tài chính liên tục giới thiệu nhằm thu hút khách hàng. Tính năng này cho phép người dùng đầu tư tự động, giảm thiểu rủi ro và tối đa hoá lợi nhuận. Với sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, “sinh lời tự động” nhanh chóng trở thành xu hướng mới trong quản lý tài chính cá nhân.

Xác thực sinh trắc học - Ðảm bảo an toàn giao dịch tài chính

Theo Quyết định 2345/QÐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), từ ngày 1/7/2024, tất cả giao dịch chuyển tiền Online có giá trị trên 10 triệu đồng bắt buộc phải bổ sung xác thực sinh trắc. Ðây là bước đi quan trọng nhằm tăng cường bảo mật cho các giao dịch tài chính trong bối cảnh tình hình gian lận và lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng.

Cục Thuế tỉnh đối thoại với doanh nghiệp kinh doanh vàng

Chiều ngày 6/6, Cục Thuế tỉnh tổ chức đối thoại doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh. Hội nghị thu hút gần 120 doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý trên địa bàn tỉnh tham dự.

Vốn chính sách đến với người dân lâm phần

Là đơn vị quản lý nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) lớn nhất tại xã Khánh Thuận (trong 4 hội, đoàn thể), thời gian qua, Hội Nông dân xã Khánh Thuận tích cực triển khai nguồn vốn chính sách đến nhiều đối tượng khác nhau, từ đó giúp nhiều hộ có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả cao, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Xây dựng nền tảng tài chính cho tương lai

Việc sở hữu kiến thức về tài chính là kỹ năng hữu ích, yếu tố quyết định đến sự thành công trong cuộc sống. Ðể thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho cộng đồng, vai trò của ngân hàng trong việc thực hiện sứ mệnh giáo dục tài chính (GDTC) trở nên vô cùng quan trọng. Bằng cách cung cấp kiến thức, sản phẩm, dịch vụ phù hợp, ngân hàng không chỉ giúp cá nhân và doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả, mà còn góp phần xây dựng nền tảng tài chính vững chắc cho tương lai.

Tín dụng chính sách - Ðồng hành phát triển kinh tế

Ông Trần Phương Nam, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Cái Nước, cho biết, nhằm triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, NHCSXH huyện luôn phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương; các phòng, ban, ngành và các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác. Từ đó, đã tác động tích cực đến nhận thức của cấp uỷ, chính quyền. Cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc trách nhiệm hơn, nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn...

Tránh lịch sử tín dụng xấu trên CIC

Lịch sử tín dụng tích cực không chỉ là chìa khoá mở cửa cho các cơ hội tài chính, mà còn là nền tảng để xây dựng mối quan hệ tin cậy với các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, một trong những rủi ro lớn nhất đối với lịch sử tín dụng là sự xuất hiện của nợ xấu.

Cảnh giác với thiết bị đọc trộm tại cây ATM

Phương thức đánh cắp dữ liệu thẻ ATM ngày càng phổ biến, gây thiệt hại lớn cho người sử dụng. Bài viết này sẽ cung cấp một số thông tin về phương thức cài đặt thiết bị đọc trộm dữ liệu (skimming) tại các cây ATM, cũng như khuyến cáo cách thức để người dùng tránh khỏi nguy cơ bị đánh cắp thông tin.

Giải pháp linh động giúp đẩy lùi tín dụng đen

Ðể có hướng mở, giúp người có hoàn cảnh khó khăn đột xuất, người có nhu cầu vay vốn làm ăn, kể cả người tuổi hưu có nhu cầu về tài chính được tiếp cận vốn vay mà không phải ràng buộc về tài sản thế chấp, ngành bưu điện đã phối hợp với một số ngân hàng và tổ chức, cho vay vốn với nhiều ưu đãi.