Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, đơn vị vừa nhận được thông báo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI về kết quả xét nghiệm dại dương tính trên chó tại ấp Dinh Hạn, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển.
Qua xác minh, con chó cho kết quả dương tính với bệnh dại là vật nuôi của gia đình bà Nguyễn Thị Phượng (ấp Dinh Hạn, Tân Ân, Ngọc Hiển). Tổng đàn chó là 2 con, nuôi thả rông, chưa được tiêm phòng vắc xin dại.
Vào khoảng 5 giờ ngày 9/4/2024, ông Nguyễn Văn H ghé nhà bà Nguyễn Thị Phượng thì bị chó cắn vào vùng hông trái khoảng 4-5 vết. Sau khi cắn ông H, con chó đã bị người nhà đã dùng cây đập chết tại chỗ và bỏ vào bao thả xuống sông. Tuy nhiên, sau đó không lâu, xác chó đã được vớt lên và báo cho cơ quan thú y đến lấy mẫu xét nghiệm.
Cùng ngày, ông H được đưa đến Trung tâm Y tế Ngọc Hiển tiêm ngừa vắc xin dại và điều trị tại khoa cấp cứu do huyết áp cao. Sau đó, chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau và tiêm huyết thanh kháng dại tại Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ.
Thông tin người nhà cung cấp, trước khi cắn ông H 1 ngày, con chó có biểu hiện mệt mỏi, bỏ ăn, hay chạy ra lộ nhưng không rõ có cắn người hay chó khác hay không.
Tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay toàn tỉnh đã phát hiện 4 ổ dịch dại trên động vật, 1 ca dại trên người.
Việc nuôi chó thả rông hiện tại là một trong những nguyên nhân tác động đến diễn biến phức tạp của bệnh dại. (Ảnh minh hoạ)
Trước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Cà Mau, các địa phương cần tăng cường rà soát trên các địa bàn lân cận để không bỏ sót các trường hợp bị chó nghi dại cắn tương tự. Tư vấn những trường hợp bị chó nghi dại cắn thực hiện nghiêm túc việc tiêm ngừa vắc xin dại đủ liều, đúng lịch theo hướng dẫn.
Tiếp tục giám sát chặt chẽ tại cộng đồng để kịp thời phát hiện những trường hợp chó, mèo bị chết hay cắn người... Phối hợp với cơ quan Thú y xác định xem còn bệnh dại nghi ngờ trên chó và các động vật khác hay không. Nêu có, cần phối hợp xử lý ngay.
Vận động những người bị chó, mèo mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn. Tuyệt đối không điều trị bằng thuốc nam.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền trong vùng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật măc bệnh dại, cách xử lý vết thương khi bị động vật cào, cắn và các biện pháp phòng chống bệnh dại./.
Văn Đum