Ðó là ý kiến của nhiều cử tri trong cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn 2 xã Tân Thành và Tắc Vân, TP Cà Mau vừa qua. Một số ý kiến cử tri phàn nàn về các vấn đề dân sinh trên địa bàn 2 xã, đặc biệt có những vấn đề hạ tầng ở xã nông thôn mới.
Ðó là ý kiến của nhiều cử tri trong cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn 2 xã Tân Thành và Tắc Vân, TP Cà Mau vừa qua. Một số ý kiến cử tri phàn nàn về các vấn đề dân sinh trên địa bàn 2 xã, đặc biệt có những vấn đề hạ tầng ở xã nông thôn mới.
Cử tri Nguyễn Văn Phong ở ấp Bình Ðịnh, xã Tân Thành, nêu ý kiến: "Ðược công nhận xã nông thôn mới, chúng tôi vô cùng phấn khởi, vì liền với đó là bộ mặt nông thôn được khang trang, đổi mới. Tuy vậy, tuyến đường kinh Long Thành, thuộc ấp Bình Ðịnh, xã Tân Thành, đã làm lộ đất đen từ năm 2010 đến nay nhưng vẫn chưa được đầu tư lộ bê-tông.
Cử tri Nguyễn Minh Sơn, 80 tuổi, trình bày ý kiến của mình trước đại biểu HÐND tỉnh. |
Lộ có chiều dài 5.200 m, trên 80 hộ dân sinh sống khu vực này. Ngành chức năng của xã, thành phố cũng đã vào đây khảo sát mấy lần rồi và chủ trương xây dựng đã có nhưng chưa phân bổ vốn. Hiện bà con trên tuyến này đi lại rất khó khăn vào mùa mưa, đặc biệt đối với các em học sinh. Với mong muốn có lộ để đi, bà con đã tự đứng ra vận động các nhà hảo tâm cho 3 cây cầu trên tuyến lộ với kinh phí trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, bà con cũng tự hùn tiền với nhau và được các nhà hảo tâm hỗ trợ tổng số tiền 500 triệu đồng để góp với Nhà nước đẩy nhanh thi công tuyến đường này. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm rồi dân cũng chưa được xây dựng tuyến đường nói trên".
Cử tri Huỳnh Thanh Lâm cho biết thêm, để thi công tuyến đường này với bề ngang mặt đường 1,5 m thì cần nguồn kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Như vậy, với 500 triệu đồng dân đã vận động được thì Nhà nước chỉ cần bỏ ra khoảng 700 triệu đồng nữa là trục liên ấp được nối liền. Ấy vậy mà đã bao mùa mưa rồi người dân nơi đây mỏi mòn chờ lộ. Nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố người dân không bỏ ra đồng nào lại còn nhận được tiền giải phóng mặt bằng khi lộ đi qua, còn người dân nông thôn thì thật là thiệt thòi. Trong khi đó, đây lại là xã nông thôn mới.
Cũng tại xã Tân Thành này, cử tri cũng rất bức xúc với trục lộ liên 3 ấp cũng chưa được đầu tư xây dựng. Cử tri Hồng Khương bộc bạch: “Nhiều lần tiếp xúc cử tri chúng tôi đã yêu cầu xây dựng trục lộ liên 3 ấp: Ấp 3, Ấp 4 và Ấp 5, nhưng tất cả đều chìm vào quên lãng. Ðịa phương thì chỉ trả lời gọn là chưa có vốn. Và trong đợt tiếp xúc cử tri lần này cũng vẫn là câu trả lời thiếu vốn. Thiết nghĩ, xã nông thôn mới mà trục lộ liên ấp chưa được đầu tư xây dựng thì liệu tiêu chí về giao thông có thể đạt được hay không?".
Không chỉ bức xúc về lộ, vấn đề về điện cũng được cử tri đặc biệt quan tâm. Cử tri Huỳnh Thanh Lâm cho biết thêm, không chỉ lộ chưa được đầu tư mà điện không an toàn cũng khá phổ biến. Hiện trên địa bàn ấp còn khoảng trên 1.000 m điện vượt sông không an toàn (tuyến từ Ðình Ông Cọp đến nhà ông Tư Khiếm). Không chỉ có vậy, trên địa bàn ấp cũng còn khoảng 700 m có dân sinh sống nhưng không có điện sinh hoạt.
Trả lời ý kiến cử tri, ông Triệu Tấn Phát, Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau, cho biết, tình hình vốn những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số công trình chuyển tiếp của những năm trước vẫn còn chưa xây dựng xong nên việc bố trí vốn tạm thời không thể. Với tuyến điện 700 m đấu nối 2 đầu ấp thì do bán kính quá rộng, ngành điện chưa thể đầu tư bình hạ thế tại đây, rất mong bà con thông cảm và chia sẻ với Nhà nước.
Hệ luỵ từ việc đạt chuẩn khi mới “hườm hườm”, hiện nay không riêng gì 2 xã nông thôn mới Tắc Vân và Tân Thành mà một số xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh phải “dở khóc, dở cười” với bài toán hoàn thiện hạ tầng trong điều kiện nguồn vốn còn nhiều khó khăn. Nhu cầu người dân là chính đáng, đặc biệt trong điều kiện đây lại là những xã nông thôn mới./.
Ông Nguyễn Văn Chiến, cựu chiến binh Khóm 7, Phường 8, TP Cà Mau, phản ánh: Chỉ với chiều dài 400 m nhưng tuyến đường Xí nghiệp Gỗ trên địa bàn Khóm 7, Phường 8, đã 6-7 năm nay luôn trong tình trạng hư hỏng nặng. Vào mùa mưa, hơn 50 hộ dân trên tuyến đường này phải chịu cảnh ngập nước. Không cống thoát nước, người lớn lẫn trẻ em đều phải xắn quần qua đoạn đường này. Dân phản ánh qua nhiều lần tiếp xúc cử tri nhưng tình trạng vẫn chưa cải thiện. Trên tuyến đường này có 3 doanh nghiệp hoạt động, nhiều lần phản ánh cùng doanh nghiệp, đổ được vài xe đá rồi cũng đâu vào đấy. Nhiều lần UBND phường cho họp dân cùng doanh nghiệp bàn giải pháp, nhưng do làm ăn thua lỗ nên doanh nghiệp từ chối đóng góp xây dựng. Ngoài ra, nước sạch khu vực này cũng đang thiếu, mỗi hộ dân phải xách từng thùng về xài. Ðặc biệt, người dân còn phản ánh cần đặt tên đường, số nhà, vì nhiều năm qua, dân phải sống trong cảnh “nhà không số, phố không tên”, người dân khó làm ăn vì không có địa chỉ cụ thể. Phòng Quản lý Ðô thị thành phố đổ lỗi cho lực lượng công an, 2 bên đổ qua, đổ lại, dân không biết trách nhiệm thuộc về ai? Hồng Nhung lược ghi |
Bài và ảnh: Huệ Như